Sôi động thị trường mua bán - sáp nhập doanh nghiệp
Chỉ mới xuất hiện hơn 10 năm tại Việt Nam, nhưng đến nay thị trường mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đã trở nên sôi động. Đây là thời cơ cho giới đầu tư trong và ngoài nước tìm đến, giao dịch và thực hiện các thương vụ. Điều này cho thấy thị trường này còn nhiều 'dư địa' và phát triển trong tương lai gần...
Với môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, hoạt động mua bán - sáp nhập doanh nghiệp sẽ có nhiều khởi sắc. Ảnh: Nhật Nam
Báo cáo của Diễn đàn M&A cho thấy, Việt Nam là thị trường hấp dẫn đối với hoạt động M&A của giới đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư quốc tế. Cụ thể, hơn 10 năm qua, đã có hàng nghìn thương vụ giao dịch thành công, với tổng giá trị đạt gần 50 tỷ USD. Riêng năm 2018, tổng giá trị giao dịch đạt 7,64 tỷ USD và 6 tháng đầu năm 2019 nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện hơn 4 nghìn lượt mua cổ phần, góp vốn tại doanh nghiệp Việt Nam, với giá trị 8,12 tỷ USD. Hiện, giới đầu tư nước ngoài đang tập trung nghiên cứu để thực hiện các thương vụ mới tại Việt Nam ở cấp độ và quy mô lớn hơn. Các lĩnh vực được quan tâm gồm: Phân phối bán lẻ, bất động sản; sản xuất hàng tiêu dùng; ngân hàng - tài chính...
Một số thương vụ đã thành công, đánh dấu sự sôi động của thị trường M&A ở Việt Nam thời gian qua. Đó là, thương vụ Tập đoàn SK (Hàn Quốc) mua 9,45% cổ phần của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan; Tập đoàn Mitsui (Nhật Bản) mua 35% cổ phần của Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú...
Về vấn đề này, ông Đặng Xuân Minh, Tổng Giám đốc Công ty AVM Việt Nam (doanh nghiệp chuyên tư vấn, đào tạo về kinh tế) đánh giá, nếu so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á thì cơ hội cho thị trường M&A ở Việt Nam rất lớn, với điều kiện thuận lợi về nguồn cung, lại có hơn 90 triệu người tiêu dùng. Việc hội nhập kinh tế quốc tế và kết quả thu hút vốn đầu tư ngày càng tăng cũng tạo sức hấp dẫn đối với giới đầu tư.
Song, vẫn còn một số hạn chế cản trở mục tiêu đẩy nhanh tốc độ cũng như nâng cao giá trị các thương vụ M&A. Đó là, xu hướng khống chế tỷ lệ cao, hoặc áp đảo của Nhà nước trong công ty cổ phần, gây bất lợi cho nhà đầu tư tiềm năng; chất lượng nguồn nhân lực tham gia chuẩn bị phương án mua hoặc bán cổ phần không đạt yêu cầu. Trong đó, trình độ ngoại ngữ cũng là một rào cản cho quá trình tiếp xúc, thương lượng giữa hai bên mua và bán cổ phần. Bên cạnh đó, số lượng và chất lượng của các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp cũng cần được nâng cao, bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu của giới đầu tư...
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, cố vấn cao cấp của Diễn đàn M&A 2019, trên thực tế, còn nhiều thương vụ quy mô nhỏ, lẻ đã thực hiện thành công, nhưng chưa được thống kê đầy đủ. Từ đó, có thể khẳng định con số công bố chưa thể hiện hết kết quả toàn bộ cũng như tiềm năng, quy mô thị trường rất lớn của Việt Nam.
Nhận định về sức hấp dẫn, khả năng thu hút của thị trường M&A Việt Nam, ông Chey Tae Won, Chủ tịch Tập đoàn SK (Hàn Quốc) cho rằng, Tập đoàn SK luôn quan tâm đến hoạt động, kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp cũng như cân nhắc khả năng tiến tới thành lập chuỗi công ty tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho biết, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, lại được tiếp sức bằng việc ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Việt Nam đang nổi lên như một địa chỉ hấp dẫn đầu tư. Thực tiễn đó chính là đầu vào, điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, nhất là giới đầu tư nước ngoài tận dụng, hiện thực hóa mục đích đầu tư thông qua hình thức mua cổ phần doanh nghiệp ở Việt Nam.
Trong khi đó, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng trong việc chủ động cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh. Kết quả đăng ký thành lập doanh nghiệp mới đang trên đà gia tăng. Riêng 7 tháng qua, cả nước có 79.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 999.000 tỷ đồng, tăng 4,6% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư có ý định M&A sẽ càng có thêm sự lựa chọn khi tham gia thị trường.