Sôi động trại sáng tác văn học dành cho thanh thiếu niên

Hè năm nay, hàng loạt trại sáng tác văn học dành cho thanh thiếu niên đã được mở khắp mọi miền đất nước. Không đơn thuần chỉ là bồi dưỡng sáng tác, những hoạt động này còn là cách để truyền cảm hứng đọc sách và gieo tình yêu văn chương cho các em.

Nỗ lực ươm mầm

Từ ngày 18 đến 22-7, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Đắk Lắk tổ chức Trại bồi dưỡng sáng tác Hương Rừng năm 2024 cho 36 học sinh, được tuyển chọn từ các cuộc thi học sinh giỏi, thi UPU (viết thư quốc tế), những học sinh có thành tích, năng khiếu tại 24 trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh.

 Các trại viên Trại bồi dưỡng sáng tác VHNT Hương Rừng tìm hiểu văn hóa bản địa tại Bảo tàng Ama H’Mai, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: QUỲNH NGA

Các trại viên Trại bồi dưỡng sáng tác VHNT Hương Rừng tìm hiểu văn hóa bản địa tại Bảo tàng Ama H’Mai, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: QUỲNH NGA

Theo chia sẻ của nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk, khi tham gia trại sáng tác, các em sẽ được các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ của Hội VHNT Đắk Lắk và Hội Nhà văn TPHCM hướng dẫn sáng tác các thể loại văn xuôi, thơ, truyện ngắn, truyện đồng thoại, hội họa… Trong thời gian tham gia trại sáng tác, các em sẽ được đi thực tế và giao lưu với các chiến sĩ Đồn Biên phòng Bo Heng, Đồn Biên phòng Sêrêpốk; tìm hiểu văn hóa rừng, văn hóa voi tại Vườn quốc gia Yok Đôn; giao lưu với thiếu nhi buôn Đrang Phốk (huyện Buôn Đôn); trải nghiệm thực tế tại Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Đắk Lắk…

“Cơ sở vật chất, kinh phí của các Hội VHNT thường không nhiều. Để có thể duy trì trại bồi dưỡng sáng tác hàng năm dành cho các em, chúng tôi sẽ phối kết hợp với một số cơ quan, đơn vị như Sở VH-TT-DL, Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn, Sở LĐTB-XH và vận động nguồn xã hội hóa. Chương trình mỗi năm đều thay đổi, không lặp lại để các em cảm thấy hấp dẫn, hứng thú, để những em từng tham gia vẫn muốn tham gia. Bản thân những người làm công tác tổ chức cũng phải đổi mới, nỗ lực và tâm huyết thực sự với các em”, nhà văn Niê Thanh Mai chia sẻ.

Trước đó, vào đầu tháng 7, Hội VHNT tỉnh Gia Lai đã tổ chức lớp Bồi dưỡng Văn học trẻ - Văn học dân tộc thiểu số năm 2024 dành cho 36 học sinh THCS, THPT trên địa bàn TP Pleiku. Ngoài các giảng viên là nhà văn, nhà thơ uy tín trong tỉnh như Phạm Đức Long, Lê Vi Thủy, Đào An Duyên, Ngô Thanh Vân..., các em còn được giao lưu, trao đổi với các nhà văn đến từ Hà Nội và TPHCM gồm Cao Duy Sơn, Trần Gia Bảo, Tống Phước Bảo. Hiện các sáng tác của các em đang trong quá trình thẩm định tác phẩm.

Tham gia lớp Bồi dưỡng Văn học trẻ - Văn học dân tộc thiểu số năm 2023, Đậu Minh Nga (học sinh lớp 12C2A, Trường THPT chuyên Hùng Vương, TP Pleiku, Gia Lai) cho rằng, lớp học là cơ hội để em cùng các bạn được trò chuyện, giao lưu, gặp gỡ với các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, qua đó có thể học hỏi được từ kinh nghiệm, trải nghiệm của họ. “Điều khiến em háo hức nhất là được nghe những câu chuyện, trải nghiệm của các cô chú, anh chị. Được lắng nghe, học hỏi từ những người đi trước là điều rất đáng quý”, Đậu Minh Nga chia sẻ.

Cuối tháng 6 vừa qua, Hội đồng Văn học Thiếu nhi kết hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, Trường Tiểu học và THCS Tây Tiến (Mộc Châu, Sơn La) tổ chức trại sáng tác “Ô cửa văn học - Qua miền Tây Bắc” dành cho các cây bút nhỏ tuổi. Đây là trại sáng tác mang tính thử nghiệm, lần đầu tiên được tổ chức nên chỉ gửi thông báo đến một số trường có thầy cô giáo và học sinh yêu văn chương, có niềm đam mê viết văn, muốn được học hỏi từ các nhà thơ, nhà văn mà mình yêu mến.

Chờ những trái ngọt

Nhà thơ Ngô Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Gia Lai, cho biết, sau lớp Bồi dưỡng Văn học trẻ - Văn học dân tộc thiểu số đầu tiên năm 2023, một số học sinh đã có tác phẩm đăng báo. Có 2 bạn đoạt giải A cuộc thi “Cảnh sát cơ động - Lá chắn thép bảo vệ bình yên biên giới” do Bộ Công an phát động là Kim Lý và Li Phan. Riêng cây bút trẻ Li Phan đã được kết nạp vào Chi hội Văn học thuộc Hội VHNT tỉnh Gia Lai cuối năm 2023. “Chúng tôi tổ chức lớp học với mong muốn gieo một hạt mầm văn chương vào lòng các em, động viên các em đọc nhiều và tập viết. Để có được một cây bút trẻ là cả quá trình, có gặt hái được quả ngọt hay không còn cần thời gian nuôi dưỡng, vun trồng. Trách nhiệm của chúng ta luôn đồng hành để hỗ trợ và truyền lửa, giúp các em duy trì lòng yêu thích văn chương”, nhà thơ Ngô Thanh Vân bày tỏ.

Được tổ chức hàng năm với hai tên gọi luân phiên là Hạ Xanh và Hương Rừng, Trại bồi dưỡng sáng tác Văn học nghệ thuật của Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk đến nay đã có thâm niên 22 lần tổ chức. Nhiều cây bút đã lớn lên và trưởng thành từ trại sáng tác này, đáng kể nhất trong số đó là nhà văn Niê Thanh Mai, một trong những cây bút đầu tiên của trại. Về sau có thêm những cây bút khác như H’Siêu Bya, H’Xíu H’Mok, H’Phi La Niê, H’Lê Na…

Nhà văn Niê Thanh Mai, cho biết, kỳ vọng ban đầu của những người tổ chức là muốn tạo lớp kế tục cho VHNT của tỉnh nhà, nhưng sau này, chị và lãnh đạo hội không kỳ vọng lớn như vậy vì văn chương cũng cần cái duyên. “Chúng tôi chỉ mong muốn thông qua những trại bồi dưỡng này, tìm ra những cây bút có tiềm năng, năng khiếu để đào tạo, bồi dưỡng và định hướng cho các em”, nhà văn Niê Thanh Mai cho biết thêm.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều cám dỗ từ các công cụ giải trí hiện đại, việc tổ chức trại sáng tác văn học được xem là cần thiết và hữu ích dành cho các em nhỏ. Không phải em nào tham gia sau này cũng trở thành nhà văn, nhà thơ, nhưng việc trao cơ hội cho các em được trải nghiệm và cảm nhận về tình yêu với VHNT, cũng chính là mang đến cho các em món quà đầu đời đầy ý nghĩa.

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/soi-dong-trai-sang-tac-van-hoc-danh-cho-thanh-thieu-nien-post750302.html