Sôi động trước bầu cử Nam Phi

Ngày 29/5, người dân Nam Phi sẽ đi bỏ phiếu bầu quốc hội mới. Đây là cuộc bầu cử được giới quan sát rất quan tâm và xem là một cuộc'sát hạch' mang tính sống còn đối với đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) – đảng cầm quyền suốt 30 năm qua kể từ khi Nam Phi giành lấy độc lập, thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc Apartheid.

Ngay trước khi cuộc bầu cử diễn ra, không khí chính trị “phải thay đổi” đã sôi sục ở Nam Phi. Trong đó, các chính trị gia ANC và cử tri trẻ tuổi là những người thúc đẩy mạnh mẽ phong trào “phải thay đổi” này. Họ được gọi là những người Nam Phi “sinh ra đã tự do” - còn quá trẻ để biết đến chế độ Apartheid và không có lòng trung thành theo bản năng với ANC.

Fasiha Hassan, một ứng cử viên trẻ trong cuộc bầu cử ở Nam Phi.

Fasiha Hassan, một ứng cử viên trẻ trong cuộc bầu cử ở Nam Phi.

Họ là thế hệ chính trị gia mới, nhiều người nổi lên từ các phong trào xã hội, đang cố gắng vực dậy ANC. Trẻ nhất trong số đó là Fasiha Hassan, người nổi tiếng với tư cách là người lãnh đạo một phong trào phản đối của sinh viên lan rộng khắp các trường đại học vào năm 2015 về chi phí học phí quá cao.

Ở tuổi 30, Hassan sinh ra vào đúng thời điểm Nam Phi giải phóng. Cô và những người trẻ khác cùng thế hệ đang nóng lòng muốn chứng kiến sự chuyển giao quyền lực từ “thế hệ cũ”. Năm 2019, Hassan tốt nghiệp đại học luật, trở thành thành viên trẻ nhất trong cơ quan lập pháp cấp tỉnh của tỉnh Gauteng, bao xung quanh thủ đô Johannesburg; hiện cô đứng thứ 65 trong danh sách 200 ứng cử viên cho cuộc bầu cử quốc hội của ANC. Cô nói giới trẻ là trung tâm của “dự án đổi mới” của ANC.

“Chúng ta cần sự kết hợp giữa các thế hệ, điều đó rất khó” Hassan nói trong một video bầu cử gần đây. Cô nói thêm về việc “làm sạch ANC” và khẳng định: “Chúng tôi cần một chỗ đứng tại nơi ra quyết định”.

Hassan cũng thiếu kiên nhẫn không kém về những trở ngại về quyền đại diện bình đẳng hơn trong nền chính trị Nam Phi. Cô nói: “Có một bộ quy tắc khác dành cho phụ nữ và các chính trị gia đồng tính.

Cô nhận được sự chỉ trích từ những phần tử “rất bảo thủ” trong cộng đồng Hồi giáo châu Á của chính mình. “Những người không tin một phụ nữ trẻ Hồi giáo nên mạnh dạn và lớn tiếng như vậy. Ngay cả trước khi tôi nhậm chức, đã có rất nhiều sự ủng hộ nhưng cũng có phản ứng dữ dội. Nhưng chúng tôi nhắc nhở họ rằng chúng tôi có mọi quyền, ngay cả trong đạo Hồi, để làm điều đó, để tồn tại trong không gian này và trở thành người dẫn đầu”, Hassan nói.

Khi Nam Phi thoát khỏi chế độ Apartheid cách đây 30 năm, nhiều dự án phát triển đất nước đã được vạch ra, những dự định tươi đẹp được vẽ ra đầy triển vọng. Nhưng nếu 15 năm dân chủ đầu tiên thành công thì 15 năm sau lại không thể đạt được như mong muốn. Và tác động có thể được nhìn thấy một cách sống động ở quảng trường miền Nam hiện đại, nơi diễn ra mọi cuộc biểu tình phản đối của mọi tầng lớp xã hội. Ba thập kỷ nắm quyền sau giải phóng, lần đầu tiên ANC chứng kiến tỷ lệ cử tri ủng hộ giảm xuống dưới 50%.

Hassan hy vọng rằng cuộc bầu cử này có thể dẫn đến một số chuyển biến tốt đẹp hơn. “Ở Nam Phi đang có nhu cầu cần có ban lãnh đạo mới, trong và ngoài ANC. Họ phải phát triển. Tiến hóa hay là chết”, cô nói.

Cảm giác về khoảng cách tuổi tác trong đảng cũng thể hiện qua thái độ bất đồng quan điểm của cô với các đồng minh cũ của ANC ở Zimbabwe và Nga. Nhưng cô nhanh chóng nhấn mạnh quan điểm không liên kết của Nam Phi: “Chúng tôi không thể ủng hộ một thế giới đơn cực nữa… BRICS (liên minh của các quốc gia đang phát triển) có thể giúp tạo ra một thế giới bình đẳng hơn về quyền lực; nó mang lại cho chúng tôi nhiều đòn bẩy hơn trên trường thế giới”.

Hassan cũng không quá trẻ để nhớ lại những khoảng thời gian trước đây, khi Nam Phi vừa mới giải phóng, và cô cũng còn nhớ bài phát biểu “Tôi là người châu Phi” của cựu Tổng thống Thabo Mbeki năm 1996. “Tôi nhớ mình đang học tiểu học và có cảm giác sâu sắc rằng ‘chúng ta có một tương lai tốt đẹp phía trước’”. Ông Mbeki bị đánh giá là một nhà lãnh đạo có nhiều thiếu sót, bị đảng của mình buộc phải rời nhiệm sở và bị vấy bẩn bởi quan điểm sai lầm về HIV/AIDS, nhưng người kế nhiệm của anh ấy, ông Jacob Zuma lại càng tệ hại hơn.

“Chúng tôi thấy nền kinh tế trì trệ, nhưng tệ hơn, chúng tôi bắt đầu thấy nhà nước bị bỏ trống,” Hassan nói, đề cập đến những phát hiện về tham ô tài sản nhà nước dưới thời ông Zuma. Các cáo buộc tham nhũng có hệ thống tiếp tục xuất hiện. Cô nói: “Tôi không nghĩ đảng ANC dung túng cho tham nhũng”. Nhưng cô thừa nhận cuộc chiến chống tham nhũng ở Nam Phi là “một cuộc chiến khó khăn”. “Không chỉ có ANC - mà còn tất cả các đảng phái chính trị. Có một nhóm người nghĩ chính trị là một cách để kiếm tiền”.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2022 cho biết Nam Phi là quốc gia bất bình đẳng nhất thế giới, với khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng kể từ chế độ phân biệt chủng tộc. Mặc dù giới chức lãnh đạo Nam Phi khẳng định đã có “tiến bộ khách quan”, nhưng dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy sự chênh lệch lớn về mức độ giàu có - 20% người giàu nhất chiếm 68% thu nhập - và giữa các khu vực, tăng trưởng trì trệ trong một thập kỷ và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên lên tới hơn 50%.

Nhưng nhiều người dân Nam Phi vẫn chưa từ bỏ ANC. Tất nhiên, không phải chính phủ Nam Phi hoàn toàn thất bại trong các dự án phát triển đất nước. Nhiều thứ đã được xây dựng lên, cuộc sống người dân Nam Phi đã khấm khá hơn, tốt đẹp hơn kể từ khi chế độ Apartheid bị xóa sổ, ông Nelson Mandela lên làm Tổng thống năm 1994. Sau thời kỳ bê bối của ông Zuma, Nam Phi dường như đang từng bước phục hồi dưới thời ông Cyril Ramaphosa làm Tổng thống.

An Châu (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/soi-dong-truoc-bau-cu-nam-phi-i732659/