'Soi' kịch bản phát triển mạng lưới metro tại Hà Nội, TP.HCM trị giá 132,85 tỷ USD

Theo đề xuất bước đầu của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), hai thành phố sẽ chủ trì, đầu tư hoàn thành 593,8 km đường sắt đô thị, trong đó TP.Hà Nội khoảng 397,8 km/7 tuyến, TP.HCM khoảng 183km/6 tuyến vào năm 2035.

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Mặc dù vẫn còn phải hoàn thiện theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 549/TB-VPCP nhưng những thông tin tại Đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.Hà Nội, TP.HCM đến năm 2035 được Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền vào đầu tháng 12/2024 vẫn cung cấp một cái nhìn tương đối tổng thể về kịch bản phát triển mạng lưới metro tại 2 thành phố.

Cụ thể, đối với TP.Hà Nội, đến năm 2035, phấn đấu đưa vào khai thác thêm 7 tuyến (tuyến số 1, tuyến số 2A kéo dài, các tuyến số 4, 6, 7, 8, tuyến Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai) dài khoảng 397,8 km, đảm nhận 35-40% thị phần vận tải hành khách công cộng.

Sau năm 2035, phấn đấu đưa vào khai thác thêm 5 tuyến, kéo dài 4 tuyến (các tuyến số 1, 2, 6, 7), tổng chiều dài khoảng 200,7 km theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô dự kiến điều chỉnh.

Đối với TP.HCM, đến năm 2035, phấn đấu đưa vào khai thác 6 tuyến, dài khoảng 183 km, đảm nhận 30-40% thị phần vận tải hành khách công cộng. Các tuyến này gồm: tuyến đường sắt đô thị số 1 (40,8 km); 20,22/62,8 km tuyến đường sắt đô thị số 2; 29,53/45,81 km tuyến đường sắt đô thị số 3; 36,82/43,4 km tuyến đường sắt đô thị số 4; 32,5/53,87 km tuyến đường sắt đô thị số 5; 22,85/53,8 km tuyến đường sắt đô thị số 6.

Sau năm 2035, phấn đấu đưa vào khai thác thêm 4 tuyến, kéo dài 5 tuyến, tổng chiều dài khoảng 327 km theo Quy hoạch TP.HCM và Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM dự kiến điều chỉnh.

Cụ thể, hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị số 2 (62,8 km), số 3 (45,81km), số 4 (43,4 km), số 5 (53,87 km), số 6 (53,8 km), số 7 (51,23 km). Đến năm 2060, xây dựng 42,8 km tuyến đường sắt đô thị số 8; 28,3km tuyến đường sắt đô thị số 9; 87,84 km tuyến đường sắt đô thị số 10.

Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trên toàn hệ thống đường sắt đô thị, dự kiến thông số kỹ thuật chủ yếu của hệ thống đường sắt đô thị của hai thành phố như sau: khổ đường 1.435mm, đường đôi, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 80-160km/h, tải trọng trục thiết kế 14-17 tấn/trục; hệ thống cấp điện trên cao hoặc cấp điện ray thứ 3; vận hành đoàn tàu tự động; thông tin, điều khiển đoàn tàu bằng tín hiệu thông tin vô tuyến; phương tiện sử dụng đoàn tàu động lực phân tán (EMU).

Với quy mô đầu tư như trên, trong giai đoạn 2026 - 2030, tổng nhu cầu vốn phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại 2 thành phố là khoảng 32,12 tỷ USD, trong đó TP.Hà Nội khoảng 14,6 tỷ USD, TP.HCM khoảng 17,52 tỷ USD.

Hai thành phố đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 6,94 tỷ USD (TP.Hà Nội khoảng 2,202 tỷ USD; TP.HCM khoảng 4,74 tỷ USD).

Giai đoạn 2031 - 2035, tổng nhu cầu vốn hát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại 2 thành phố khoảng 37,06 tỷ USD, trong đó TP.Hà Nội khoảng 22,57 tỷ USD, TP.HCM khoảng 14,49 tỷ USD.

Hai thành phố đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 9,43 tỷ USD (TP.Hà Nội khoảng 6,412 tỷ USD; TP.HCM khoảng 3,02 tỷ USD).

Giai đoạn 2036 - 2045, tổng nhu cầu vốn phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại 2 thành phố khoảng 39,61 tỷ USD, trong đó TP.Hà Nội khoảng 18,25 tỷ USD; TP.HCM khoảng 21,36 tỷ USD. Hai thành phố không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ.

Giai đoạn 2045 - 2060, TP.HCM cần khoảng 24,06 tỷ USD để đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị và không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ.

Về hình thức đầu tư, Bộ GTVT xác định đầu tư công là chủ đạo. Trong quá trình triển khai Đề án, các thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị có tiềm năng thương mại.

Nguồn vốn đầu tư hệ thống đường sắt đô thị 2 thành phố bao gồm: ngân sách địa phương (kế hoạch trung hạn, nguồn vượt thu, khai thác từ quỹ đất,...), vốn vay ODA, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Trong giai đoạn đầu tư, xây dựng, Bộ GTVT đề xuất Ban quản lý đường sắt đô thị trực thuộc UBND hai thành phố là chủ đầu tư các dự án đường sắt đô thị.

Giai đoạn vận hành, khai thác sẽ do Công ty TNHH một thành viên Đường sắt, là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trực thuộc UBND hai thành phố tiếp nhận quản lý vận hành, khai thác.

Bảo Như

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/soi-kich-ban-phat-trien-mang-luoi-metro-tai-ha-noi-tphcm-tri-gia-13285-ty-usd-d232109.html