Biến động chỉ tiêu, điểm chuẩn một số ngành tại ĐH Nguyễn Trãi trong 5 năm qua

Từ năm 2020 - 2024, Trường Đại học Nguyễn Trãi có sự thay đổi số lượng ngành đào tạo qua các năm, chỉ tiêu tuyển sinh của trường cũng nhiều biến động.

Trường Đại học Nguyễn Trãi là một trong số các trường ngoài công lập của Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 183/QĐ-TTg ngày 05/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ và chịu sự quản lý Nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trường có sứ mệnh nghiên cứu, phát triển, triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo “công dân toàn cầu” theo định hướng nghề nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các tập đoàn đa quốc gia.

Theo thông tin trường cập nhật trên website, tầm nhìn của nhà trường là phấn đấu xây dựng, phát triển Trường Đại học Nguyễn Trãi trở thành Đại học Nguyễn Trãi với các trường thành viên. Thực hiện sứ mạng của một trung tâm đào tạo đại học và sau đại học đa ngành, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế tại Thủ đô Hà Nội, góp phần vào sự phát triển nền kinh tế tri thức trong nước và toàn cầu.

Trường có 3 cơ sở đào tạo bao gồm: Cơ sở 1 - Tòa nhà Ladeco 266 Đội Cấn – Ba Đình – Hà Nội; Cơ sở 2 - Tòa nhà 28A, Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội; Cơ sở 3 - Dự án Khu đô thị đại học thông minh quốc tế Nguyễn Trãi.

Hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị, đồng thời cũng là Hiệu trưởng trường.

 Cơ sở 3 của Trường Đại học Nguyễn Trãi với quy mô 34ha. Ảnh website trường

Cơ sở 3 của Trường Đại học Nguyễn Trãi với quy mô 34ha. Ảnh website trường

Những điểm đáng chú ý trong Đề án tuyển sinh

Đối chiếu của phóng viên trong 05 năm gần đây, Trường Đại học Nguyễn Trãi có nhiều thay đổi trong định hướng và quy mô đào tạo. Cụ thể là chỉ tiêu tuyển sinh, phương thức tuyển sinh và số lượng các ngành đào tạo có sự biến động qua các năm.

Năm 2020, trường đào tạo 11 ngành học bao gồm ngành Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính ngân hàng, Quan hệ công chúng, Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất, Kiến trúc, Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật công trình xây dựng, Ngôn ngữ Nhật, Công nghệ thông tin.

Năm 2021, trường mở thêm ngành Quốc tế học và dừng tuyển sinh đối với 02 ngành (Kỹ thuật công trình xây dựng và Kỹ thuật môi trường).

Năm 2022 và năm 2023, trường duy trì các ngành học hiện có, không mở thêm ngành học mới nào.

Năm 2024, trường tuyển sinh thêm ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc.

Về phương thức tuyển sinh cũng có sự thay đổi qua các năm. Theo đó, từ năm 2020 đến năm 2022, trường sử dụng 2 phương thức xét tuyển bao gồm xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển theo kết quả học tập trung học phổ thông (học bạ).

Năm 2023, trường sử dụng 4 phương thức để xét tuyển, cụ thể là xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét tuyển theo kết quả học tập bậc trung học phổ thông (học bạ); Xét tuyển thẳng theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đáng chú ý, năm 2024, bên cạnh 4 phương thức từ năm 2023, trường sử dụng thêm 2 phương thức mới là: Xét tuyển thẳng theo Đề án tuyển sinh của Trường; Xét theo kết quả kỳ thi năng khiếu của Trường Đại học Nguyễn Trãi, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

Biến động về chỉ tiêu và điểm chuẩn qua các năm

Để có góc nhìn tổng quan hơn về bức tranh tuyển sinh của Trường Đại học Nguyễn Trãi, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có biểu đồ về tổng chỉ tiêu tuyển sinh và chỉ tiêu của một số ngành học tiêu biểu của nhà trường.

 Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Nguyễn Trãi cùng với chỉ tiêu một số ngành học “hot” qua các năm. Biểu đồ: Đào Hiền

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Nguyễn Trãi cùng với chỉ tiêu một số ngành học “hot” qua các năm. Biểu đồ: Đào Hiền

Trong những năm gần đây, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Nguyễn Trãi tăng liên tục từ năm 2020 đến 2023 và có chiều hướng giảm nhẹ ở năm 2024.

Năm 2020, tổng chỉ tiêu của trường là 400 cho 11 ngành học tương ứng. Theo đó, chỉ tiêu ngành Quản trị kinh doanh cao nhất với 90 chỉ tiêu, kế tiếp đó là ngành Ngôn ngữ Nhật Bản với 75 chỉ tiêu và ngành Công nghệ thông tin có 35 chỉ tiêu.

Năm 2021, trường cơ cấu lại số lượng các ngành đào tạo. Cụ thể tại năm học này, trường dừng tuyển sinh đối với 02 ngành Kỹ thuật công trình xây dựng và ngành Kỹ thuật môi trường, mở thêm 01 ngành đào tạo mới là ngành Quốc tế học. Theo đó, tổng chỉ tiêu năm 2021 của Trường Đại học Nguyễn Trãi là 450 (tăng 50 chỉ tiêu so với năm học trước).Trong đó, ngành Quản trị kinh doanh và ngành Công nghệ thông tin đều tăng chỉ tiêu, lần lượt là 100 và 50 chỉ tiêu; ngành Ngôn ngữ Nhật Bản lại giảm xuống còn 50 chỉ tiêu.

Năm 2022, trường giữ nguyên 10 chương trình đào tạo của năm 2021 và nâng tổng chỉ tiêu lên 1100, tức tăng gấp 2,2 lần so với năm 2021.

Theo đó, 3 ngành học là Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin và Ngôn ngữ Nhật Bản, chỉ tiêu tuyển sinh cũng tăng đáng kể so với năm trước đó. Cụ thể, với ngành Quản trị kinh doanh và ngành Công nghệ thông tin đều có chỉ tiêu là 200, ngành Ngôn ngữ Nhật tăng nhẹ với 70 chỉ tiêu.

Năm 2023, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 1744 chỉ tiêu (tăng 644 so với năm 2022), xét tuyển cho 10 ngành đào tạo. Theo đó, ngành Công nghệ thông tin có 227 chỉ tiêu, ngành Quản trị kinh doanh có 161 chỉ tiêu và ngành Ngôn ngữ Nhật Bản có 138 chỉ tiêu.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 trường vừa công bố, năm nay, trường mở thêm ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, tổng chỉ tiêu dự kiến của trường là 1589 chỉ tiêu cho 11 ngành đào tạo (giảm 283 chỉ tiêu so với năm học trước). Trong đó, ngành Công nghệ thông tin có 150 chỉ tiêu, ngành Ngôn ngữ Nhật Bản và Quản trị kinh doanh có chỉ tiêu lần lượt là 100 và 235.

Về điểm chuẩn các ngành học tại Trường Đại học Nguyễn Trãi cũng có sự thay đổi qua mỗi năm. Theo đó, năm 2023, các ngành Kiến trúc, Thiết kế nội thất và Quan hệ công chúng có mức điểm chuẩn cao nhất trường.

Dưới đây là biểu đồ thể hiện biến động của điểm trúng tuyển giữa các ngành học qua các năm, dựa vào kết quả xét tuyển của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên thang điểm 30.

 Điểm chuẩn của một số ngành học “hot" của Trường Đại học Nguyễn Trãi qua các năm. Biểu đồ: Đào Hiền

Điểm chuẩn của một số ngành học “hot" của Trường Đại học Nguyễn Trãi qua các năm. Biểu đồ: Đào Hiền

Cụ thể, năm 2023, ngành Kiến trúc có điểm chuẩn cao nhất trường là 21,5 điểm; kế tiếp đó là ngành Thiết kế nội thất với 20,7 điểm và ngành Quan hệ công chúng với 20,1 điểm.

Trước đó, năm 2022, ngành Quan hệ công chúng có điểm chuẩn cao nhất trường là 19,75 điểm. Ngành Kiến trúc và Thiết kế nội thất có điểm lần lượt là 17,2 và 18,45 điểm.

Năm 2021, ngành Quan hệ công chúng và ngành Kiến trúc đều có mức điểm chuẩn là 16, ngành Thiết kế nội thất có điểm chuẩn là 16,15.

Theo Đề án tuyển sinh, học phí dự kiến năm học 2024-2025 đối với sinh viên đại học chính quy Trường Đại học Nguyễn Trãi phụ thuộc vào số lượng tín chỉ của từng ngành/chuyên ngành đào tạo. Học phí tín chỉ năm 2024 theo quy định là 640.000 đồng/tín chỉ.

Bên cạnh đó là nhiều suất học bổng hỗ trợ, khích lệ sinh viên, trị giá học bổng cao nhất lên đến 176 triệu đồng (miễn phí toàn bộ khóa học). Ngoài ra là những học bổng khuyến tài trong quá trình học tập, học bổng dành cho các ngành/chuyên ngành...

Đào Hiền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/bien-dong-chi-tieu-diem-chuan-mot-so-nganh-tai-dh-nguyen-trai-trong-5-nam-qua-post243755.gd