Sôi nổi chương trình 'Hành khúc học sinh Thủ đô' năm 2024
Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (1954 - 2024) và 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), ngày 10/11, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức chương trình 'Hành khúc học sinh Thủ đô'.
38 đoàn, đội: Đội Hồng kỳ - rước Cờ Tổ quốc; đoàn nghi lễ Quân đội Bộ Tổng Tham mưu; đoàn nghi lễ Bộ Công an; 30 đoàn học sinh Trung học cơ sở (THCS) của 30 quận, huyện, thị xã; đoàn 70 nữ sinh Trường Trung học phổ thông (THPT) Chu Văn An; đoàn học sinh dân tộc thiểu số; đoàn học sinh THCS, THPT một số trường quốc tế; đoàn xiếc; đoàn múa rối đã tham gia diễu hành, cùng những màn biểu diễn đặc sắc.
Phát biểu tại chương trình, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, chương trình “Hành khúc học sinh Thủ đô” lần đầu tiên được ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô tổ chức, thu hút sự tham gia của 47 đơn vị, đại diện 30 quận, huyện, thị xã, một số trường quốc tế. Cùng với đó là Đoàn nghi lễ Quân đội - Bộ Tổng Tham mưu, Đoàn nghi lễ Công an nhân dân, học sinh các dân tộc Việt Nam, Lào... Tổng cộng có khoảng 3.000 người.
Mỗi tiết mục biểu diễn tại chương trình đều gửi gắm trong đó tình yêu, lòng tự hào của các em về quê hương, đất nước tươi đẹp, thể hiện năng khiếu nghệ thuật được bồi đắp từ mái trường thân yêu - nơi các em học tập, rèn luyện hàng ngày.
“Chương trình là dịp để các em học sinh được giao lưu, học hỏi lẫn nhau và học hỏi từ bạn bè quốc tế, từ thầy cô giáo, giúp các em phát triển toàn diện khả năng của mình. Đồng thời khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ học sinh Thủ đô - những chủ nhân tương lai, lực lượng quan trọng, chung sức vì sự phát triển của thành phố ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng; thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo do UNESCO công nhận và hướng tới Thành phố học tập trong mạng lưới các Thành phố toàn cầu.
Hơn hết là đưa đất nước, Thủ đô bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong đó, ngành Giáo dục và Đào tạo lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực của sự phát triển; quan tâm đến vấn đề thời gian, trí tuệ, khát vọng, tiềm lực, hội nhập để đưa nền giáo dục đào tạo ngang tầm, theo kịp các nước phát triển với tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc - như ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”, ông Trần Thế Cương nhấn mạnh.
Cũng tại chương trình, ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam bày tỏ niềm vui khi chương trình ‘Hành khúc học sinh Thủ đô’ là một hoạt động hưởng ứng Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội, đánh dấu 5 năm kể từ khi Hà Nội trở thành thành viên đầu tiên của Việt Nam trong mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO.
“Khi các em học sinh diễu hành hôm nay giữa lòng Hà Nội thanh bình, tôi hy vọng các em sẽ cảm thấy tự hào và trân trọng di sản của tổ tiên cũng như những đồng bào của mình, từ mọi lứa tuổi và hoàn cảnh khác nhau. Các em hãy ngẩng cao đầu, chia sẻ những câu chuyện và thành tựu của mình với bạn bè quốc tế về hòa bình, tinh thần công dân toàn cầu, sự sáng tạo và, tất nhiên, cả về giáo dục”, ông Jonathan Wallace Baker chia sẻ.