Sôi nổi truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá từ trường học đến ngành y
Theo các chuyên gia, việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và giảm cung cấp các sản phẩm thuốc lá vẫn là biện pháp hiệu quả hàng đầu trong phòng chống tác hại của thuốc lá bởi Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số lượng nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới.
Đa dạng hóa hình thức truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá
Mới đây hội thi Tìm hiểu phòng, chống tác hại của thuốc lá trong ngành Y tế tỉnh Nghệ An năm 2023 Cụm 2 được tổ chức với sự hỗ trợ của Quỹ phòng chống tác của thuốc lá nhằm nâng cao nhận thức để thực thi nghiêm túc Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; tác hại thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế, môi trường; ý thức xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá của cán bộ, công nhân viên chức và người lao động của ngành Y tế tỉnh Nghệ An.
Thông qua hội thi, ngành Y tế đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức và người lao động trong việc truyền thông, vận động phòng, chống tác hại thuốc lá trong cơ quan, gia đình và xã hội. Tạo cơ hội cho cán bộ, công nhân viên chức và người lao động trong ngành trao đổi, chia sẻ kiến thức và thực hành về hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá.
Tham gia hội thi, các đội trải qua 3 phần thi gồm: Phần thi chào hỏi, thi kiến thức chung, hiểu biết, thi tuyên truyền với tiểu phẩm được sân khấu hóa. Cụ thể, ở phần thi chào hỏi, thông qua các tiểu phẩm, thơ, ca, hò, vè…các đội đã giới thiệu về đội thi, ý nghĩa của hội thi, những kiến thức về phòng, chống tác hại thuốc lá, Luật PCTHTL, Nghị định 117/2020/NĐ-CP, Chỉ thị 6036/2014/CT-BGD&ĐT về việc tăng cường thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá, Chỉ thị 11/2023/CT-BYT quy định về việc thực hiện địa điểm cấm hút thuốc lá, Chiến lược Quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030 …
Đặc biệt, tại phần thi tiểu phẩm, các đội không chỉ nêu ra thực trạng xoay quanh vấn đề hút thuốc lá và tác hại của thuốc lá hiện nay, mà còn ca ngợi, biểu dương những cán bộ, viên chức y tế trong quy tắc ứng xử và thực hiện tốt việc phòng, chống tác hại của thuốc lá; trình bày ý tưởng, giải pháp để giải quyết thực trạng đó.
Các ý tưởng được đưa ra đều rất ý nghĩa và thiết thực, tuyên truyền được Luật Phòng, chống tác hại của hại thuốc lá; các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá và việc tuân thủ các quy định về không sử dụng thuốc lá trong cơ sở y tế.
Những câu chuyện đầy cảm xúc đang diễn ra trong đời sống hàng ngày trong các cơ sở khám chữa bệnh; giữa cán bộ, viên chức y tế với người bệnh, người nhà người bệnh; giữa các đồng nghiệp cán bộ, viên chức Y tế; giữa lãnh đạo với cán bộ, viên chức y tế; giữa người bệnh với người bệnh, giữa người nhà người bệnh với nhau.
Tại Thái Bình, Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thi chung kết tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá trường học tỉnh năm 2023. Hội thi chung kết tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá trường học tỉnh năm 2023 có sự tham gia của 8 đội đến từ các trường học trên địa bàn 8 huyện, thành phố.
Đây là những đội đã xuất sắc, đạt kết quả cao trong hội thi tìm hiểu kiến thức về phòng chống tác hại thuốc lá trường học được tổ chức ở cấp huyện, thành phố.
Tham gia hội thi chung kết, các đội trải qua 3 phần thi gồm: Phần thi chào hỏi, kiến thức và hùng biện. Cụ thể, ở phần thi chào hỏi, thông qua các tiểu phẩm, thơ, ca, hò, vè… các đội đã giới thiệu về đội thi, ý nghĩa của hội thi, những kiến thức về phòng, chống tác hại thuốc lá, Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, Nghị định 117/2020/NĐ-CP, Chỉ thị 6036/2014/CT-BGD&ĐT về việc tăng cường thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá và lạm dụng đồ uống có cồn...
Phần kiến thức bằng hình thức trắc nghiệm, các đội lựa chọn đáp án đúng trong 15 câu hỏi Ban tổ chức đưa ra. Phần thi hùng biện, ngoài kiến thức hiểu biết về phòng, chống tác hại của thuốc lá, các em tham gia thi hùng biện còn đưa ra những biện pháp, sáng kiến trong hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá tại địa phương, đơn vị và kêu gọi sự tham gia tích cực trong phong trào xây dựng "môi trường không khói thuốc" từ mỗi cá nhân, gia đình.
Hội thi được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh về tác hại của thuốc lá, việc thực thi Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt không khói thuốc.
Qua Hội thi cũng góp phần xây dựng được đội ngũ tuyên truyền viên tích cực vận động người thân và những người xung quanh nói không với thuốc lá.
Đây không chỉ sân chơi mà còn là một hoạt động ngoại khóa bổ ích cho học sinh, giúp các em có cơ hội được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng môi trường không khói thuốc ngay tại trường học và góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược Quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Tỉ lệ hút thuốc lá điện tử trong giới trẻ gia tăng - nguy cơ thành tựu giảm hút thuốc lá điếu 10 năm qua của Việt Nam bị phá bỏ
Theo ThS Nguyễn Thị Thu Hương, đại diện Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới (trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động).
Còn theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD. Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường.
Theo thống kê của Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, hiện nay tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành trên 15 tuổi đã giảm từ 22,5% năm 2015, xuống 21,7% năm 2020, trong đó nam giới giảm từ 45,3% năm 2015, xuống 42,3% năm 2020.
Tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động) tại các địa điểm công cộng cũng giảm, như: Tại nơi làm việc giảm từ 42,6%, xuống 30,9%; tại nhà giảm từ 59,9%, xuống 56,0%; tại nhà hàng giảm từ 80,7%, xuống 78,1%; tại quán bar/cà phê/trà giảm từ 89,1%, xuống 86,2%.
Trong những năm qua, với những nỗ lực của Bộ Y tế cùng các bộ, ngành và địa phương, đã giúp công tác phòng chống tác hại thuốc lá đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
So với năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới Việt Nam giảm từ 45,3%, xuống 42,3%. Với các kết quả như trên, theo ước tính của WHO, Việt Nam đã phòng tránh được 280 nghìn ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ước tính, chi phí tiết kiệm được do giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015 - 2020 là 1.277 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều tổ chức trên thế giới, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số lượng nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và mức giảm vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 (giảm sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống còn 39%).
Bà Hương cũng cho biết thêm: Hiện nay tỉ lệ hút thuốc lá điện tử trong giới trẻ gia tăng. "Điều này cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ"- bà Hương nhấn mạnh.