Sôi sục vì Iran ở Syria, kể cả S-300 do người Nga vận hành Israel cũng 'diệt' thẳng tay?
Sau quãng thời gian im ắng, Israel dường như đã sẵn sàng thách thức Nga về mặt quân sự, bất chấp S-300 đang được vận hành bởi người Nga hay người Syria.
S-300 nằm trong tay lực lượng Syria đầy rủi ro?
Nga đã hoàn thành một mạng lưới phòng không phức tạp ở Syria nhằm hạn chế khả năng hoạt động của cả Mỹ và Israel, theo một báo cáo của viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Washington.
Các hệ thống phòng không được triển khai trên khắp Syria bao gồm các biến thể của S-300 và S-400, cùng với các hệ thống tác chiến điện tử và radar tiên tiến khác.
Moscow từ lâu đã đưa các hệ thống này sang quốc gia đồng minh Trung Đông, tuy nhiên chúng vẫn được quân đội Nga vận hành là chủ yếu. Chỉ sau vụ việc lực lượng Syria bắn nhầm một chiếc máy bay trinh sát Nga - một sự cố mà Israel bị đổ lỗi - Tổng thống Nga Vladimir Putin mới “bật đèn xanh” chuyển giao chính thức S-300 cho chính quyền Assad.
Theo nhiều nhà quan sát, động thái này đã tăng xác suất xung đột giữa Nga và Israel, không chỉ vì lực lượng Syria hiện được trang bị tốt hơn để chống lại các hoạt động quân sự của Israel và Mỹ, mà còn vì nguy cơ xảy ra các sự cố không mong muốn gây ra bởi lỗi con người.
"Người Nga đã có những hệ thống này ở Syria ngay cả trước khi trinh sát cơ Il-20 bị bắn rơi, nhưng họ không sử dụng chúng để ngăn chặn các cuộc tấn công của Israel. Vì vậy, vấn đề thực sự việc hệ thống này đang nằm trong quyền kiểm soát của lực lượng Assad", Relik Shafir, một trong những chỉ huy của không quân Israel, giải thích cho The Media Line.
"Điều này cho phép quân đội Syria có khả năng tiêu diệt tên lửa hoặc máy bay địch, trong khi vẫn duy trì khả năng không bị ảnh hưởng bởi tác chiến điện tử và vượt mặt công nghệ tàng hình".
Israel sẵn sàng tấn công cả S-300 do Nga vận hành?
Tin tức về một cuộc tấn công mới nhất của Israel ở Al-Kiswah, phía Nam thủ đô Syria đã trở thành tâm điểm chú ý giữa bối cảnh căng thẳng hiện tại. Theo các nhà phân tích, dường như Israel sẵn sàng gây căng thẳng với Nga để xây dựng môi trường chiến lược mới.
Về phần mình, Mỹ hiện có khoảng 3.000 binh sĩ ở Syria cung cấp hỗ trợ cho các lực lượng người Kurd ở phía Đông. Tổng thống Donald Trump đã có hai lần ra lệnh cho lực lượng hải quân đóng ở Địa Trung Hải phóng tên lửa Tomahawk nhằm vào các cơ sở của Syria để phản ứng với các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học.
Từ những điều này, các nhà phân tích tin rằng cả Washington và Tel Aviv đều đang giữ các “quân bài” để có thể phá vỡ lá chắn phòng thủ của Nga.
"Yếu tố quan trọng để tránh xung đột không đến từ hiệu quả của hệ thống phòng không mà là cách các bên tham gia phản ứng như thế nào", Amos Yadlin, cựu giám đốc tình báo quân sự của không quân Israel nói với The Media Line.
"Miễn là chính quyền Putin vẫn tiếp tục với chính sách không tấn công máy bay của Israel, thì xác suất của một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Israel và Nga là rất thấp. Hơn nữa, Tel Aviv chưa bao giờ nói nó sẽ tấn công binh sĩ Nga”.
"Tuy nhiên, có hai vấn đề mà Moscow tỏ ra rất kiên định: Đó là không được phép có binh sĩ Nga nào bị giết trong khi Israel nhắm vào mục tiêu Iran và quân đội Israel sẽ không hành động để lật đổ chính quyền Assad”, chuyên gia Yadlin nhấn mạnh.
“Miễn là hai điều kiện được giữ nguyên, tôi tin người Nga sẽ trở về lập trường trước đây của họ, rằng người Iran đang xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự không cần thiết và Israel có quyền phản ứng với điều đó", nhà phân tích Israel nói thêm.
Trên thực tế, Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu đã nhiều lần tuyên bố sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu Iran ở Syria, trong khi một số quan chức còn đi xa hơn khi táo bạo khẳng định rằng: Nếu cần thiết họ có thể tiêu diệt luôn tổ hợp phòng không do người Nga vận hành.
Bộ trưởng Bảo vệ Môi trường Ze'ev Elkin, người đồng chủ tịch ủy ban Liên Chính phủ Israel - Nga, đã lặp lại nhiều lần về việc quân đội Syria thiếu kinh nghiệm và kỹ năng để sử dụng hệ thống của Nga một cách thận trọng.
Do đó, ông cảnh báo, nếu lực lượng Damascus vô tình bắn hạ máy bay trên lãnh thổ Israel, "chắc chắn" nước này sẽ tấn công phá hủy hệ thống phóng. "Tôi rất hy vọng sẽ không có các chuyên gia quân sự Nga hiện diện", Elkin nhấn mạnh.
"Trở ngại chính không phải là công nghệ của Nga mà đúng hơn là sự hiện diện của quân nhân Nga trên mặt đất vì sẽ không có lợi gì cho Israel khi khiến họ bị tổn thương", Thiếu tướng Gershon Hacohen, cựu chỉ huy lực lượng phòng vệ Israel ở Syria nói với The Media Line.
Khi xem xét toàn bộ vấn đề, có thể thấy rằng Israel đang duy trì lằn ranh đỏ của riêng mình, tức là ngăn cản Tehran thiết lập một chỗ đứng quân sự vĩnh viễn ở Syria và cung cấp vũ khí tinh vi cho Hezbollah ở Lebanon. Nếu bước qua lằn ranh này, Tel Aviv có thể phải thách thức Nga cả về ngoại giao và quân sự.
"Mặc dù vậy, trong mọi trường hợp, Israel sẽ không muốn nhắm mục tiêu nào của người Nga, vì đây sẽ là một sai lầm nghiêm trọng", chỉ huy Shafir của Israel khẳng định với The Media Line. "Israel vẫn công nhận Moscow là một lực lượng thân thiện trong khu vực và chúng tôi có lợi ích lớn khi vẫn coi họ như vậy”.