Soi tài sản 'khủng' của cựu Tổng giám đốc TISCO
Có 2 lô đất của ông Trần Văn Khâm đã được chuyển nhượng cho người khác trước khi khởi tố vụ án và 1 căn nhà là gia đình đang ở. Hiện luật sư đang đề nghị giải tỏa kê biên các tài sản này.
Viện KSND tối cao truy tố đối với 19 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) gồm ông Mai Văn Tinh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam – VNS), Đậu Văn Hùng (cựu Tổng giám đốc VNS), Trần Trọng Mừng (cựu Tổng giám đốc TISCO), Trần Văn Khâm (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TISCO)… về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Trong vụ án, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra lệnh kê biên tài sản của các bị can trên. Trong đó, đối với ông Trần Văn Khâm, cơ quan điều tra đã kê biên tổng cộng 6 nhà, đất nằm rải rác tại Thái Nguyên và Hà Nội.
Cụ thể, năm 2019, kê biên 2 tài sản nhà, đất tại Thái Nguyên; căn hộ tại chung cư 165B Thái Hà (Hà Nội); nhà, đất tại Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội); căn hộ tại khu đô thị mới Cầu Giấy (Hà Nội).
Năm 2020, kê biên thửa đất diện tích 252m2 tại Thái Nguyên đứng tên vợ ông Khâm.
Luật sư Trần Văn Tạo và Trần Thị Thùy Trang bào chữa cho ông Khâm có đơn đề nghị giải tỏa kê biên 2 lô đất do đã được chuyển nhượng cho người khác trước khi khởi tố vụ án và 1 căn nhà là nơi ở của gia đình ông Khâm với lý do là cả gia đình cùng tạo lập.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng kê biên 5 tài sản là nhà, đất của ông Đậu Văn Hùng ở TPHCM. Kê biên 1 nhà đất của ông Trần Trọng Mừng; 1 nhà đất của ông Mai Văn Tinh; 1 nhà đất của ông Ngô Sỹ Hán.
Cơ quan điều tra còn tiến hành phong tỏa, tạm dừng giao dịch một số tài khoản ngân hàng của các bị can.
Cáo buộc thể hiện, ông Trần Trọng Mừng phải chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả dự án.
Ông Mai Văn Tinh có trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo thực hiện dự án. Khi nhà thầu MCC vi phạm, ông Tinh phải có trách nhiệm chỉ đạo xem xét dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, áp dụng điều khoản phạt hợp đồng, xem xét hủy đấu thầu, tổ chức đấu thầu lại nhưng không thực hiện. Bị can còn chỉ đạo, đàm phán tách hợp đồng EPC số 01, chấp nhận và giao cho người đại diện vốn của VNS tại TISCO phê duyệt điều chỉnh cơ cấu dự án…
Còn ông Trần Văn Khâm là người kế nhiệm ông Mừng chỉ đạo dự án. Mặc dù biết rõ hợp đồng EPC số 01 là trọn gói nhưng bị can vẫn ký quyết định điều chỉnh cơ cấu tổng mức dự án, khí phụ lục điều chỉnh thống nhất tách hợp đồng, trực tiếp ký hợp đồng ba bên và giao cho Vinaincon không đủ năng lực thực hiện hợp đồng theo đơn giá.
Hành vi của các bị can dẫn đến dự án chậm tiến độ, đội vốn, không hoàn thành, gây thiệt hại cho TISCO 830 tỷ đồng.