Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
Sỏi tiết niệu là một trong những nguyên nhân chính gây ra các căn bệnh đường tiết niệu. Khi sỏi không gây bế tắc đường tiết niệu, thì chúng không gây triệu chứng gì trầm trọng. Tuy nhiên, khi sỏi gây tắc, sẽ làm bệnh nhân đau đớn, nhiễm trùng và suy giảm chức năng thận.
1. Nguyên nhân của sỏi tiết niệu
Sỏi tiết niệu hay sỏi niệu là những viên sỏi được hình thành do sự kết tinh tự nhiên của các tinh thể vô cơ trong nước tiểu. Đa phần chúng bắt đầu hình thành từ thận, di chuyển dọc theo đường đi của hệ tiết niệu và bài tiết ra ngoài nên nhiều người quen gọi là sỏi thận.
NỘI DUNG::
1. Nguyên nhân của sỏi tiết niệu
2. Triệu chứng sỏi tiết niệu
3. Ai dễ mắc bệnh sỏi tiết niệu
4. Phòng bệnh sỏi tiết niệu
5. Cách điều trị sỏi tiết niệu
Nguyên nhân dẫn tới sỏi tiết niệu:
Sự hòa tan của các muối khoáng trong nước tiểu: oxalat, canxi, urat,...
Uống không đủ lượng nước trung bình mỗi ngày và thường xuyên nhịn không đi tiểu. Khi nước tiểu bị đọng lại quá lâu sẽ hình thành nên sỏi.
Người mắc các bệnh lý liên quan tới đường tiết niệu: nhiễm trùng đường tiết niệu, u tiền liệt tuyến,...
Ảnh hưởng từ yếu tố di truyền,...
Ăn uống không khoa học, quá nhiều muối, hấp thụ quá nhiều canxi,...
Sỏi sẽ kết tụ lại khi việc hòa tan các hoạt chất bị ứ đọng lại, thường là do độ PH trong nước tiểu thay đổi, hoặc nước tiểu bị cô đặc.
2. Triệu chứng sỏi tiết niệu
Thông thường bệnh sỏi tiết niệu sẽ có những triệu chứng cơ bản sau:
Những bất thường khi đi tiểu: nước tiểu biến màu, đau buốt khi đi tiểu; đái khó, đái ra máu, đái ngắt quãng,...
Xuất hiện các cơn đau, quặn thắt theo nhiều mức độ ở vùng lưng, vùng hông. Ban đầu có thể nhẹ nhàng, sau đó lan ra các bộ phận khác (bẹn) và đau âm ỷ. Mang lại cảm giác có chịu cho người bệnh, ảnh hưởng trực tiếp tới việc sinh hoạt.
Trong trường hợp bệnh nhân nhiễm khuẩn, cơ thể sẽ phát sốt kèm cảm giác chóng mặt, buồn nôn.
Khám bụng thấy bệnh nhân bụng chướng nhẹ, ấn đau nhiều vùng hông lưng bên thận có sỏi.
Vì rất khó nhận biết vào thời điểm đầu, nên nhiều trường hợp khi phát hiện thì bệnh đã để lại nhiều biến chứng như:
Ứ đọng nước tiểu: Sỏi to khiến ống dẫn tiểu xảy ra tình trạng tắc nghẽn. Điều này khiến thận bị tổn thương chức nặng.
Suy thận: do sỏi bị tắc nghẽn quá lâu.
Viêm nhiễm ở đường tiết niệu do sự cọ xát của sỏi khiến niêm mạc bị rách, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
Sỏi gây ra những cản trở nghiêm trọng cho công việc bài tiết. Nặng hơn, sỏi làm cho chức năng lọc và đào thải ở thận giảm, thậm chí là biến mất hoàn toàn.
Một số biến chứng khác: thận bị phù nề, viêm thận kẽ, nhiễm trùng,...
3. Ai dễ mắc bệnh sỏi tiết niệu
Ai cũng có thể mắc sỏi tiết niệu, theo nghiên cứu ở Mỹ, hằng năm có hơn 400.000 bệnh nhân nhập viện vì sỏi niệu. Đa số bệnh nhân có tuổi từ 30 – 50 tuổi. Nam có tỉ lệ mắc bệnh gấp 3 lần nữ. Người da trắng nhiều hơn gấp 4 – 5 lần so với người da đen.
Các nghiên cứu cho thấy ở nước ta có từ 2 - 12% dân số mắc phải căn bệnh sỏi tiết niệu. Con số được đưa ra đã chỉ rõ mức độ phổ biến của sỏi tiết niệu.
Tuy vậy, ghi nhận cho thấy phần lớn, sỏi tiết niệu thường gặp ở những người từ độ tuổi 40 - 60 tuổi do các cơ quan dần lão hóa, khó vận động, không đảm bảo dinh dưỡng,…
Sỏi tiết niệu còn hay gặp người có công việc thường xuyên phải ngồi nhiều như công nhân, thợ may, nhân viên văn phòng,… Môi trường làm việc tiếp xúc nhiều với nhiệt độ cao cũng có khả năng tạo sỏi trong cơ thể.
Yếu tố di truyền đóng một vai trò quan trọng đối với sự hình thành của sỏi cystin và sỏi axit uric. Ngoài ra, sỏi canxi còn có khả năng bởi sự di truyền kiểu đa gen.
Các dị tật đường tiết niệu là nguyên nhân thuận lợi để làm ứ đọng, gây tạo sỏi và nhiễm khuẩn như hẹp vùng bể thận - niệu quản, hẹp/phình niệu quản, hẹp cổ bàng quang, thận móng ngựa, đa nang, bệnh Cacchi - Ricci,…
Khí hậu khô nóng, môi trường làm việc thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ cao như đầu bếp, làm vườn, công nhân chế biến thực phẩm, cơ khí,…cũng dễ mắc sỏi tiết niệu. Ngoài ra, người thường xuyên nhịn tiểu, lười vận động, ăn ít rau xanh và trái cây hằng ngày, vệ sinh cá nhân không đảm bảo sạch sẽ,… đều có thể là tác nhân gây bệnh sỏi tiết niệu.
4. Phòng bệnh sỏi tiết niệu
Để phòng tránh sỏi tiết niệu cần uống đủ nước, nhất là khi thời tiết quá nóng bức hoặc làm việc nặng trong môi trường có nhiệt độ cao; chế độ ăn hợp lý, tránh thức ăn quá nhiều canxi, protein, oxalat, purin, thức ăn mặn...
Đặc biệt, bệnh rất dễ tái phát, bệnh nhân bị sỏi phải chú ý chế độ ăn; không nên nhịn khi buồn đi tiểu, uống khoảng 1,5-2 lít nước/ngày.
Cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh, điều trị kịp thời tránh các biến chứng. Khi người bệnh có những dấu hiệu như đau âm ỉ vùng thắt lưng, tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu ra máu… cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị kịp thời.
Tránh các trường hợp bất động lâu ngày. Việc chăm chỉ hoạt động thể chất luôn là một cách dự phòng tốt nhất để có một cơ thể khỏe mạnh. Hãy thực hiện một chế độ ăn giảm nari và tăng kali, hạn chế đạm động vật…
5. Cách điều trị sỏi tiết niệu
Tùy từng trường hợp mà có điều trị thích hợp.
Điều trị nội khoa
Sử dụng thuốc giảm đau, dùng kháng sinh, nếu có dấu hiệu nhiễm trùng.
Giải quyết nguyên nhân gây tắc nghẽn niệu quản (sỏi, dị dạng đường niệu gây ứ nước).
Một số trường hợp sỏi niệu quản gây cơn đau quặn thận không đáp ứng với điều trị nội khoa thì cần chỉ định can thiệp phẫu thuật sớm để giải quyết tắc nghẽn. Tùy theo cơ địa bệnh nhân, số lượng, kích thước sỏi và tình trạng chức năng thận từng bên để quyết định dẫn lưu tối thiểu bể thận qua da hay có thể can thiệp lấy sỏi bằng mổ cấp cứu.
Điều trị nội khoa sau phẫu thuật mổ lấy sỏi.
Những yếu tố cho sự tái phát sỏi gồm: Còn sót sỏi sau phẫu thuật; Tồn tại chỗ hẹp trên đường tiết niệu; Nhiễm trùng niệu không điều trị dứt điểm: Cần phải điều trị dứt điểm nhiễm trùng niệu, tốt nhất điều trị theo kháng sinh đồ.
Điều trị ngoại khoa
Ngày nay y học hiện đại đã có nhiều bước tiến, thay bằng phương pháp mổ mở với nhiều rủi ro là các kỹ thuật mới, an toàn hơn, ít xâm lấn hơn như: nội soi tán sỏi thận qua da chuẩn thức (Standard PCNL), nội soi tán sỏi thận qua da tối thiểu (Mini PCNL), nội soi niệu quản (Ureteroscopy), tán sỏi ngoài cơ thể (ESWL)...
Tùy vào tình trạng và mức độ nghiêm trọng của sỏi tiết niệu, các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh nên điều trị bằng phương pháp nào.
Sỏi đường tiết niệu hay sỏi tiết niệu thường để lại nhiều biến chứng nguy hiểm khi trở nặng. Vì thế, ngay khi nhận thấy có dấu hiệu, hãy đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám.