'Soi' tình hình thực hiện 'khoán tăng trưởng' của các địa phương

Quý I/2025, có 26 địa phương đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng GRDP theo kịch bản, 37 địa phương không đạt, trong đó có nhiều địa phương đóng vai trò là động lực tăng trưởng.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025, lần đầu tiên, Chính phủ đã thực hiện việc “khoán tăng trưởng”. Các mức “khoán” cụ thể đã được giao tại Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.

Câu hỏi đặt ra là, sau quý đầu năm, tình hình thực hiện “khoán tăng trưởng” của các địa phương như thế nào?

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, qua đánh giá tình hình thực hiện kịch bản tăng trưởng của các địa phương, thì trong quý I/2025, có 26 địa phương đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng GRDP theo kịch bản.

Các địa phương này bao gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Phú Thọ, Lai Châu, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thành phố Huế, Thành phố Đà Nẵng, Bình Định, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang.

Bắc Ninh là địa phương duy nhất đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng ở 4 khu vực kinh tế

Bắc Ninh là địa phương duy nhất đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng ở 4 khu vực kinh tế

Trong đó, có 4 địa phương đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng ở cả 4 khu vực kinh tế. Bắc Ninh có thể coi là địa phương dẫn đầu về thực hiện “khoán tăng trưởng”, với tăng trưởng GRDP quý I/2025 ước đạt 9,05% so với cùng kỳ, vượt 2,75 điểm phần trăm so với kịch bản.

Bắc Ninh cũng là địa phương duy nhất đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng cả 4 khu vực. Trong đó, khu vực dịch vụ là động lực tăng trưởng chính, đạt mức tăng trưởng 9,78%.

Hà Nam cũng là địa phương đạt tốc độ tăng trưởng GRDP khá cao, đạt 10,54%, vượt 1,94 điểm phần trăm so với kịch bản. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng là động lực tăng trưởng chính, đạt mức tăng trưởng 11,98% (tăng trưởng công nghiệp đạt 12,84%).

Hà Tĩnh tuy chỉ đạt tăng trưởng 6,5% trong quý I nhưng lại vượt 3 điểm phần trăm so với kịch bản. Trong khi đó, TP. Huế đạt mức tăng trưởng GRDP 9,9%, vượt 1,8 điểm phần trăm so với kịch bản.

Trong khi đó, Hà Nội có tăng trưởng GRDP ước đạt 7,35%, vượt 0,15 điểm phần trăm so với kịch bản. Tỉnh Quảng Ninh có mức tăng trưởng GRDP ước đạt 10,91%, tăng 0,41 điểm phần trăm so với kịch bản.

Bắc Giang - địa phương có mức tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước có mức tăng trưởng GRDP ước đạt 13,82% trong quý I/2025, vượt 0,82 điểm phần trăm so với kịch bản.

Bên cạnh các địa phương đạt và vượt kịch bản đề ra, theo báo cáo của Bộ Tài chính, đáng chú ý có tới 37 địa phương không đạt. Các địa phương này bao gồm Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Như vậy, trong số các địa phương không đạt kịch bản, có nhiều địa phương đóng vai trò là động lực tăng trưởng.

TP.HCM là ví dụ điển hình. Mặc dù đầu tàu kinh tế cả nước tuy đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 6 năm qua, với 7,51%, nhưng lại thấp hơn kịch bản 1,03 điểm phần trăm.

TP.HCM tuy đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 6 năm qua nhưng vẫn chưa đạt kịch bản đề ra

TP.HCM tuy đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 6 năm qua nhưng vẫn chưa đạt kịch bản đề ra

Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu có mức tăng trưởng GRDP thấp nhất, đạt 2,48%, thấp hơn 7,52 điểm phần trăm so với kịch bản. Nghệ An tăng trưởng 8%, thấp hơn 0,9 điểm phần trăm so với kịch bản.

Tương tự, Thanh Hóa tăng trưởng 7,57%, thấp hơn 2,2 điểm phần trăm so với kịch bản. Hải Dương tuy tăng trưởng 10,87%, thấp hơn 0,12 điểm phần trăm; Hải Phòng tăng trưởng 11,07%, thấp hơn 0,81 điểm phần trăm; Đồng Nai tăng trưởng 6,84%, thấp hơn 1,46 điểm phần trăm; Bình Dương tăng trưởng 6,74%, thấp hơn kịch bản là 1,1%...

Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo 37 địa phương không đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP theo kịch bản, đặc biệt là 8 địa phương động lực tăng trưởng (bao gồm TP.HCM, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu) rà soát, đánh giá các khu vực không đạt mục tiêu tăng trưởng so với kịch bản quý I đã đề ra, trên cơ sở đó làm rõ các nguyên nhân, đề xuất giải pháp để thực hiện trong các tháng, quý còn lại của năm 2025.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương này phối hợp với Bộ để điều chỉnh lại kịch bản tăng trưởng GRDP và các khu vực cho các quý còn lại của năm 2025 trên cơ sở ước thực hiện của quý I, để bảo đảm đạt mục tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 25/NQ-CP.

Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương tiếp tục nghiên cứu, rà soát các nguồn lực, động lực, năng lực mới cho tăng trưởng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Hà Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/soi-tinh-hinh-thuc-hien-khoan-tang-truong-cua-cac-dia-phuong-d263158.html