Thiệt hại kinh tế 'không tưởng' từ ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí ở Việt Nam đang diễn biến rất phức tạp, gây hại trực tiếp đến sức khỏe con người và thiệt hại gián tiếp về kinh tế trong trung và dài hạn.

Ô nhiễm môi trường không khí, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh vẫn luôn là vấn đề nhức nhối

Ô nhiễm môi trường không khí, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh vẫn luôn là vấn đề nhức nhối

Môi trường không khí thêm quá tải

Ô nhiễm môi trường không khí, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh vẫn luôn là vấn đề nhức nhối. Ô nhiễm không khí nặng đến mức, người dân có thể cảm nhận bằng đa giác quan.

Sống trên tầng 21 của tòa nhà cao tầng trên đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội), chị Hoàng Thị Trang cho biết, chị gần như không dám mở cửa vào mỗi buổi sáng sớm, ngay cả khi đang ở giữa mùa hè nóng nực. Nhiều lần mở cửa để đón nắng, chị thất vọng trước một bầu không khí đặc quánh, hít vào cảm giác ngột ngạt và rất khó chịu. Ở trong nhà dù có đóng cửa kín nhưng chỉ cần vài ngày không vệ sinh là chị có thể nhìn thấy lớp bụi phủ tràn trên mặt bàn, ghế, tủ…

Cách đó gần 1.700km, TP. Hồ Chí Minh cũng chẳng “kém cạnh” về mức độ ô nhiễm không khí. Từ sáng sớm đến tận trưa, đi trên các tuyến đường, người dân thành phố dễ dàng cảm nhận một “Hà Nội thu nhỏ” với bầu không khí được bao phủ trong một lớp sương mù đặc quánh.

Theo Báo cáo thường niên về chỉ số môi trường, do tổ chức Môi trường Mỹ thực hiện, Việt Nam hiện nằm trong top 10 quốc gia ô nhiễm môi trường không khí hàng đầu châu Á, trong đó đáng kể nhất với ô nhiễm bụi PM 10 và PM 2.5. Đỉnh điểm như trong ngày 25 - 26/3, theo ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới (IQAir), có những thời điểm, Hà Nội đứng đầu thế giới về mức độ ô nhiễm không khí.

Hiện có nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí trầm trọng tại các khu đô thị lớn. Theo đó, hoạt động xây dựng diễn ra nhiều và nguồn khí thải từ các địa phương lân cận cũng đã làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm và suy giảm chất lượng không khí đô thị. Nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị chưa được giải quyết triệt để là do chính quyền địa phương chưa quyết liệt và chưa dành đủ nguồn lực tài chính để triển khai đồng bộ các giải pháp. Việc lập và triển khai quy hoạch phát triển cũng chưa đồng bộ, thiếu các giải pháp khả thi để bảo vệ môi trường.

Nguyên nhân gây ô nhiễm vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng thực tế, ô nhiễm không khí đã tạo gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm, gây ra các thiệt hại về kinh tế do phải chi trả chi phí khám, chữa bệnh, chi phí gián tiếp. Ước tính, thiệt hại về kinh tế - xã hội do ô nhiễm không khí ở Việt Nam lên đến hơn 13 tỷ USD/năm, tương đương với 4%GDP của đất nước. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, ước tính tỷ lệ thiệt hại khoảng 20% thu nhập. Giai đoạn 2011-2015, chi phí khám, chữa bệnh hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm... đối với dân cư nội thành Hà Nội, tính trung bình là hơn 1.500 đồng/người/ngày, tương đương 2.000 tỷ đồng/năm với 3,5 triệu dân nội thành. Nếu không giải quyết vấn đề bền vững quan trọng này thì chi phí và thiệt hại tài chính sẽ ngày càng lớn.

Cần hành động khẩn cấp

Để khắc phục tình trạng này, trước mắt, theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cần tổ chức giám sát các công trình xây dựng. Quy hoạch tuyến đường cho xe tải, kiểm soát xe cũ, tăng cường giao thông công cộng, rửa đường, quét bụi, lắp đặt hệ thống giàn phun nước tại các tuyến giao thông chính; siết chặt quản lý đốt rác, đốt rơm rạ sau thu hoạch, khuyến khích tái chế; phân công và giám sát thực thi trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp huyện, xã. Giám sát tự động khí thải từ các nhà máy, xử lý nghiêm vi phạm. Tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ô nhiễm không khí và các biện pháp giảm thiểu.

Xếp hạng chất lượng không khí ở các thành phố lớn trên thế giới trong ngày 7/4/2025

Xếp hạng chất lượng không khí ở các thành phố lớn trên thế giới trong ngày 7/4/2025

Về lâu dài, cần tập trung hoàn thiện các chính sách về kiểm soát khí thải, chuyển đổi xanh. Hoàn thành kiểm kê nguồn thải, tổ chức giám sát chặt chẽ; vận hành hệ thống cảnh báo - chỉ huy trên nền tảng cơ sở dữ liệu về nguồn thải, giải pháp kỹ thuật, công nghệ giám sát tự động các nguồn thải lớn và kết nối trực tuyến; phát triển hệ thống giao thông công cộng thông minh, thân thiện môi trường, giao thông xanh. Tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo chất lượng không khí; kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin, kết quả thực hiện các nhiệm vụ giữa các bộ, ngành, địa phương.

Theo bà Chiara Rogate, chuyên gia năng lượng cao cấp của Wold Bank (WB), Việt Nam cần được xem xét toàn diện hơn và có thể ưu tiên thực hiện trên ngành giao thông. Bởi ngành năng lượng là ngành gây phát thải chủ yếu tại Việt Nam, trong đó giao thông đóng vai trò quan trọng, chiếm tỷ lệ 10,7% trong khí thải ngành năng lượng và 7,2% lượng khí thải của toàn nền kinh tế (năm 2021). Tính đến năm 2050, lượng khí thải này có thể tăng gấp 10 lần, nên cần có các giải pháp giảm khí thải ngành giao thông thông qua đầu tư cho ngành này. Ðể giảm phát thải ngành giao thông, Việt Nam có thể chuyển hướng sang xe điện nhằm đạt các lợi ích kinh tế, vừa cải thiện an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, tạo thêm việc làm và tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh được xem là nguyên chính làm cho tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng nên doanh nghiệp cần có trách nhiệm hơn trong vấn đề này. Theo đó, lãnh đạo doanh nghiệp nhận thức về tầm quan trọng của việc quản lý môi trường, từ đó xây dựng phương châm quản lý môi trường không khí; tăng cường đầu tư các thiết bị kiểm soát ô nhiễm, đồng thời, bố trí đội ngũ cán bộ phụ trách và thực hiện nhiệm vụ kiểm soát môi trường không khí. Mọi thành viên của doanh nghiệp cần nhận thức đúng về rủi ro ô nhiễm và có kế hoạch để phòng chống ô nhiễm môi trường không khí. Khi xuất hiện các hiện tượng gây ảnh hưởng đến việc kiểm soát môi trường không khí, cần nhanh chóng đưa ra biện pháp xử lý phù hợp, đồng thời tìm ra nguyên nhân và xác định phương châm phòng chống.

Hương Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thiet-hai-kinh-te-khong-tuong-tu-o-nhiem-khong-khi-162388.html