Sớm ban hành Danh mục ngành, nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo
Cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị các bộ, ngành chức năng sớm ban hành Danh mục ngành, nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo và mở rộng Danh mục ngành, nghề phải sử dụng lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia để triển khai thực hiện thống nhất trong toàn quốc .
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa với nội dung: "Chỉ đạo các bộ, ngành chức năng sớm ban hành Danh mục ngành, nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo và mở rộng Danh mục ngành, nghề phải sử dụng lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia để triển khai thực hiện thống nhất trong toàn quốc”.
Về nội dung này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Danh mục công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và sức khỏe của cá nhân người lao động hoặc cộng đồng phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (gọi tắt là Danh mục công việc) hiện nay được quy định tại Điều 35 Luật Việc làm năm 2013 và quy định chi tiết tại Điều 28, Điều 29 Nghị định số 31/2015/NĐ- CP.
Theo đó, hằng năm, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý xem xét, đề xuất thay đổi, loại bỏ, bổ sung Danh mục công việc gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để tổng hợp.
Bộ Lao động-Thương binh, và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp và phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổng hội, hiệp hội, hội nghề nghiệp xem xét các đề xuất thay đổi, loại bỏ, bổ sung Danh mục công việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để trình Chính phủ.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ghi nhận kiến nghị của cử tri để nghiên cứu và đề xuất trong quá trình hoàn thiện Luật Việc làm (sửa đổi).
Trong thời gian tới, trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xem xét để sửa đổi, bổ sung Danh mục công việc để triển khai thực hiện thống nhất toàn quốc, bảo đảm lộ trình, có tính khả thi về tăng năng suất, hiệu quả lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với bảo đảm an toàn sức khỏe của người lao động và cộng đồng.