Sớm có chế tài trong quản lý thuốc lá điện tử

Hiện nay, tình trạng người sử dụng thuốc lá điện tử (TLÐT) đang có chiều hướng gia tăng từng ngày, nhất là giới trẻ. Việc chưa quản lý chặt mặt hàng này là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng người sử dụng. Bên cạnh đó, các mối nguy hại từ các loại độc tố có trong TLÐT cũng là vấn đề đáng quan ngại, nó đã và đang bào mòn sức khỏe người sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ gây nghiện từ việc pha trộn các chất cấm vào dung dịch TLÐT.

Gõ từ khóa “mua TLÐT” trên Google, chúng ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều trang mạng bày bán, có kèm theo hình ảnh giới thiệu về TLÐT. Chỉ cần vài thao tác nhỏ thì người có nhu cầu khi ngồi tại nhà cũng có thể mua được dễ dàng. Ðiều đáng lo ngại hiện nay là, giới trẻ đang là đối tượng tiếp cận các loại sản phẩm này nhiều nhất, trong đó chủ yếu là học sinh.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế về điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh, nếu năm 2022, tỷ lệ độ tuổi sử dụng TLÐT từ 13-15 tuổi là 3,5%, thì đến năm 2023 tỷ lệ sử dụng ở độ tuổi này tăng lên 8%. Ðiều này cho thấy, tỷ lệ sử dụng TLÐT ở giới trẻ đang gia tăng ở mức báo động.

Độ tuổi hút thuốc ngày càng trẻ hóa ở độ tuổi thanh, thiếu niên (Ảnh chụp tại quán trên đường Bùi Thị Trường, Phường 5).

Độ tuổi hút thuốc ngày càng trẻ hóa ở độ tuổi thanh, thiếu niên (Ảnh chụp tại quán trên đường Bùi Thị Trường, Phường 5).

Bác sĩ Hồ Thanh Ðảm, Trưởng khoa Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: "TLÐT cũng chứa nhiều chất độc hại như thuốc lá thông thường, riêng đối với trẻ em thì ảnh hưởng nặng nề hơn vì các thành phần hóa chất trong TLÐT rất độc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, làm thay đổi lối sống, hành vi của giới trẻ. Sử dụng TLÐT thường xuyên sẽ dẫn đến hậu quả rất lớn đối với sức khỏe, nguy cơ mắc các bệnh lý cấp tính và mãn tính như ung thư, tim mạch, tiêu hóa... Cùng với đó, hàm lượng nicotine trong TLÐT cao hơn rất nhiều lần so với thuốc lá thông thường. Ðây là chất độc, khả năng gây nghiện cao, độc hại và phức tạp hơn cả thuốc lá truyền thống. TLÐT chứa nhiều loại hóa chất độc tính rất mạnh, không khác gì ma túy đá, thậm chí còn phức tạp hơn. Bên cạnh đó, các sản phẩm thuốc lá này còn làm tăng nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá điếu ở giới trẻ, cản trở nỗ lực giảm sử dụng thuốc lá. Các sản phẩm này tiếp cận chủ yếu đến người trẻ, chưa sử dụng thuốc lá bao giờ”.

Tác hại của TLÐT đối với sức khỏe là không thể bàn cãi, tuy nhiên, làm thế nào để quản lý, kiểm soát được TLÐT là vấn đề nan giải đối với ngành chức năng, bởi hiện tại trên thị trường mặt hàng này không bị cấm, các sản phẩm trôi nổi rất khó kiểm soát. Thêm vào đó, việc sử dụng loại sản phẩm này diễn biến phức tạp, khó lường, tỷ lệ sử dụng có xu hướng gia tăng nhanh trong cộng đồng.

Thuốc lá điện tử được bày bán tràn lan và mua dễ dàng trên các trang mạng điện tử.

Thuốc lá điện tử được bày bán tràn lan và mua dễ dàng trên các trang mạng điện tử.

“Do đó, với góc độ ngành, chúng tôi mong muốn cần sớm có chế tài, và việc bổ sung mặt hàng TLÐT vào Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là việc làm cần thiết, nhằm tăng cường quản lý việc quảng cáo bất hợp pháp, rao bán các sản phẩm này trên môi trường mạng”, Bác sĩ Hồ Thanh Ðảm đề xuất.

Ngày 13/5/2024, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 47/CÐ-TTg, yêu cầu các bộ, ngành Trung ương, các địa phương tăng cường quản lý TLÐT, thuốc lá nung nóng. Trong đó yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp và lực lượng chức năng trên địa bàn xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán TLÐT, thuốc lá nung nóng chưa được phép kinh doanh, sử dụng trên thị trường Việt Nam; tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của TLÐT, thuốc lá nung nóng cho người dân.

Lê Chí

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/som-co-che-tai-trong-quan-ly-thuoc-la-dien-tu-a32848.html