Sớm có cơ chế đặc thù để 'Tây Nguyên bình yên và phát triển'
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, nói tới vùng đất này không chỉ nói đến phát triển kinh tế đơn thuần mà nói tới bình yên và phát triển. Trên tinh thần đó, các cơ quan ban ngành nỗ lực, phấn đấu cuối năm nay sẽ có cơ chế đặc thù cho vùng đất 'phên dậu phía Tây của Tổ quốc'.
Đầu tư hạ tầng giao thông để tạo liên kết vùng
Tại Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên diễn ra sáng nay (20/9) tại Lâm Đồng, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đã trình bày ngắn gọn các tham luận, trong đó tập trung vào những khó khăn, vướng mắc của địa phương, đồng thời kiến nghị các giải pháp tháo gỡ. Một trong những nội dung được các địa phương phản ánh, kiến nghị là hạ tầng giao thông còn hạn chế, các địa phương chủ yếu vẫn hợp tác song phương, tính liên kết vùng và liên kết với các khu vực khác chưa cao.
Theo lãnh đạo các địa phương, để phát triển vùng Tây Nguyên cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tạo thành mạng lưới giữa các vùng mới tạo tính liên kết vùng mạnh mẽ.
Đơn cử, Chủ tịch tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười lấy ví dụ, chỉ cần một cây cầu, từ TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) sang TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) chỉ 65km, khi đó hai địa phương bên cạnh phát triển du lịch sẽ có nhiều cơ hội lưu thông nông sản…. Đó cũng là cơ hội để các tỉnh Tây Nguyên đẩy mạnh phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh; xây dựng chuỗi giá trị nông sản, tập trung vào một số loại nông sản có thế mạnh như cao su, cà phê, sầu riêng…
Cùng quan điểm, ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng cho rằng, để các tỉnh vùng Tây Nguyên kết nối với các vùng Đông Nam bộ, duyên hải miền Trung cần xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông. Theo đó cần tập trung nguồn lực từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, kết hợp với huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm có sức lan tỏa, tạo đột phá chiến lược trong phát triển vùng Tây Nguyên, đó là: các Tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn thành, Dầu Giây - Liên Khương,…; mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không; đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ như: Quốc lộ 27 (đoạn K’Rông Nô - Phi Nôm), 55, 27C, đường Trường Sơn Đông...
Đối với tỉnh Lâm Đồng, hiện đang đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các hồ sơ, thủ tục để khởi công dự án đường cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc (quy mô dài 66km, tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng) trong năm 2023; khởi công đoạn Bảo Lộc - Liên Khương (quy mô chiều dài 73,7km, tổng mức đầu tư 19.500 tỷ đồng) vào quý I/2024 và quyết tâm hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2026.
Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ quan tâm ưu tiên đầu tư, nâng cấp đường Quốc lộ 27. Hiện nay tuyến QL27 kết nối các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Ninh Thuận (nhất là đoạn từ cầu K’Rông Nô đến ngã ba Liên Khương) xuống cấp trầm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Phấn đấu cuối năm có cơ chế đặc thù cho Tây Nguyên
Sau khi nghe lãnh đạo các địa phương, bộ, ban, ngành trung ương trình bày những vướng mắc, khó khăn cũng như đề xuất phương án tháo gỡ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã kết luận hội nghị, định hướng những giải pháp trước mắt và lâu dài cho Tây Nguyên.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các nội dung bàn thảo tại hội nghị không mới nhưng vì thiếu cơ chế nên nhiều cơ chế liên kết vùng chưa mang lại kết quả cao. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu cần có cách tiếp cận mới, cách làm mới và hội nghị là sự khởi động cho cách tiếp cận mới với lộ trình thực chất hơn, chậm mà chắc.
“5 địa phương Tây Nguyên như năm anh em trong một ngôi nhà chung, cùng có chung những khó khăn, kiến nghị cũng gần nhau…Nói tới Tây Nguyên không chỉ nói đến phát triển kinh tế mà là nói tới bình yên và phát triển…”- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói, đồng thời nhấn mạnh đây là vùng đất còn nhiều dư địa để phát triển, nhất là nguồn lực đất đai, bề dày văn hóa…Cùng với những lợi thế đó, nếu có thêm cơ chế đặc thù thì hoàn toàn tin tưởng vào khả năng Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ.
“Vậy Hội đồng vùng cần làm gì? Hội đồng vùng trước tiên là tiếng nói chung, vang hơn, to hơn như tiếng cồng chiêng Tây Nguyên và khẳng định vai trò của vùng; xây dựng cơ chế đặc thù để Tây Nguyên bình yên và phát triển, trong đó Trung ương tháo gỡ cơ chế, bố trí nguồn vốn cơ bản và xử lý các vướng mắc”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước mắt, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu tập trung triển khai ba nhóm nội dung chính:
Thứ nhất, tăng cường kết nối giao thông giữa 5 tỉnh Tây Nguyên và kết nối với vùng phụ cận như TP HCM, khu vực ven biển Miền Trung… theo nguyên tắc Trung ương tạo cơ chế, bố trí vốn cơ bản, địa phương chủ động bố trí thêm phần vốn.
Thứ hai, phối hợp thu hút đầu tư, chẳng hạn như các tỉnh cùng đi xúc tiến đầu tư chung. Trong đó lưu ý tính toán nhà đầu tư mong muốn đầu tư cái gì chứ không phải đầu tư theo mong muốn của địa phương và khả năng đáp ứng của địa phương đối với nhà đầu tư. Đồng thời chú trọng tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi vượt qua ranh giới địa phương. Phó Thủ tướng lấy ví dụ nhà máy chế biến trái cây ở Sơn La được đầu tư bài bản nhưng chỉ hoạt động được thời gian ngắn do thiếu nguyên liệu. Hay như nhà máy hiện đại bậc nhất Đông Nam Á về Tây Ninh đầu tư nhưng cũng thiếu nguyên liệu là chanh dây…do đó các tỉnh cần phối hợp với nhau để phát triển.
Với những nội dung chưa tạo được sự đồng thuận, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh các tỉnh cần chia sẻ với nhau trên tinh thần lợi ích khu vực lớn hơn lợi ích địa phương, nếu cần Trung ương sẽ ngồi ở giữa. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lấy ví dụ về kết nối giao thông là tuyến đường liên kết hai địa phương, lợi ích kết nối vùng rất lớn nên địa phương nào có điều kiện có thể làm chiều dài lớn hơn địa phương khó khăn…
Thứ ba, các tỉnh Tây Nguyên cần lưu ý 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, nỗ lực triển khai đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra. Hiện nay hành lang pháp lý với 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia đã đầy đủ, các tỉnh cần nghiên cứu kỹ lưỡng để triển khai hiệu quả, đảm bảo quy định.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên cũng yêu cầu các địa phương chú ý đến vấn đề sinh kế người dân gắn với bảo tồn văn hóa và phong tục tập quán lành mạnh của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung triển khai quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, trong quy hoạch cần lưu ý đến yếu tố biến đổi khí hậu, rừng. Đồng thời chú trọng hơn nữa tới chuyển đổi số vì lợi ích chuyển đổi số rất lớn….
Đối với các kiến nghị của các địa phương như gỡ vướng đầu tư QL27 của Lâm Đồng, vướng mắc đất đai liên quan tới tài nguyên bô xít; khó khăn trong vấn đề di dân tự do…Phó Thủ tướng ghi nhận, chia sẻ và sẽ cho rà soát để tìm giải pháp tháo gỡ sớm nhất trên tình thần vì Tây Nguyên bình yên và phát triển.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các địa phương, bộ ngành liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung về hoàn thiện quy hoạch vùng Tây Nguyên; đánh giá toàn diện cũng như các cơ chế chính sách để vùng phát triển.
Dự kiến trong tháng 10, 11 sẽ tổ chức một Hội nghị để thống nhất các nội dung trên, phấn đấu cuối năm nay có cơ chế đặc thù cho Tây Nguyên, đầu năm 2024 bắt tay triển khai.