Sớm có giải pháp cung cấp nước hợp lý
Kênh bồi lấp, cộng với việc điều tiết nước bất hợp lý, khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất. Thậm chí, nhiều diện tích lúa phải bỏ hoang, hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng...
Dù đã được xây dựng kiên cố vào năm 2019, với tổng vốn đầu tư hàng tỷ đồng, đảm bảo năng lực tưới tiêu cho các cánh đồng của 3 xã Đức Nhuận, Đức Thắng và Đức Lợi (Mộ Đức), nhưng theo phản ánh của người dân, hiện tuyến kênh S18-2 vẫn tiếp tục “làm khổ” họ.
Tuyến kênh S18-2 đã được kiên cố nhưng chưa phát huy hiệu quả, do công tác điều tiết nước chưa hợp lý.
“Hồi còn kênh đất, nước thất thoát đã đành, giờ kênh đã được bê tông, mà ruộng ở cuối kênh vẫn thiếu nước, nhất là vụ hè thu”, ông Nguyễn Hoàng Thu, xã Đức Thắng phản ánh. Theo ông Thu, thời gian đầu sau khi được kiên cố, kênh S18-2 tưới tiêu nước rất tốt, nhưng sau này, phần vì nước rò rỉ, phần do cuối kênh bị bồi lấp, khiến nước... chảy ngược! Chính vì vậy, cứ đến cuối vụ sản xuất đông xuân, những hộ dân có ruộng ở cuối kênh như ông Thu phải nộp tiền (100.000 đồng/sào) để hợp tác xã (HTX) mở nước trạm bơm “cứu” lúa. Ngay như vụ đông xuân 2020 - 2021, nhiều diện tích lúa ở cuối kênh S18-2 xã Đức Thắng phải mở nước trạm bơm để phục vụ sản xuất, khiến người dân bức xúc.
Trong khi đó, tuyến kênh B-32, B7-3b đoạn qua thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) cũng bị rò rỉ, thất thoát nước. Còn cống tiêu nước qua kênh N2 Liệt Sơn quá nhỏ, nên mỗi khi mưa lớn đã gây ngập nhà của nhiều hộ dân ở thôn Xuân Thành, xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ).
Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho rằng: “Sở sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và chỉ đạo các đơn vị liên quan, chủ yếu là Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi tiến hành kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nông dân. Riêng tuyến kênh S18-2, sẽ kiểm tra cụ thể là do kênh không tải đủ nước, hay vì điều tiết nước chưa phù hợp”. Xảy ra tình trạng “đầu thừa, đuôi thiếu” nước ở một số tuyến kênh cấp 1, cấp 2 và kênh nhánh là do việc điều tiết tưới tiêu bất hợp lý. Thậm chí, tại một số địa phương ở đầu kênh thì nước chảy... tự do tràn ra đường, gây ngập, còn khu vực ở xa kênh, hồ chứa, thì người dân phải đi sớm về khuya để chắt chiu nước tưới cho cây trồng.
Nguyên nhân là do các HTX nông nghiệp rơi vào cảnh “thu không đủ chi”, nên cũng không duy trì và tổ chức hoạt động cho đội dẫn thủy. Khi đề cập đến nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí, lãnh đạo nhiều HTX cho rằng, kinh phí này chỉ để tu sửa, nạo vét các tuyến kênh mương cấp 1, cấp 2, còn các tuyến kênh nhánh thì phải “nhờ” vào nguồn thu từ người dân, với mức 12.000 đồng/sào/vụ. Dù vậy, phần lớn các HTX đều không thực hiện được việc này, nên mới xảy ra tình trạng kênh bồi lấp, nước chảy ngược.