Sớm có giải pháp để hạn chế thấp nhất tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH
Trong khuôn khổ Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023-2028, diễn ra từ ngày 16-17/10, nhiều ý kiến, kiến nghị của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) Thủ đô gửi tới Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong đó có đề xuất sớm có biện pháp để giải quyết, hạn chế thấp nhất tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), chăm lo cải thiện điều kiện lao động, phòng, chống tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Về ý kiến, kiến nghị của CNVCLĐ với Đảng, Nhà nước, đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô rất mong muốn Đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương (Khóa X) về “Xây dựng giai cấp Công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”; Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về: “Đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Nhiều ý kiến, kiến nghị của CNVCLĐ Thủ đô cũng đề nghị Đảng quan tâm, lãnh đạo tốt hơn nữa công tác cán bộ Công đoàn; cử những cán bộ có uy tín, năng lực, phẩm chất để phụ trách, lãnh đạo, chỉ đạo phong trào CNVCLĐ và hoạt động ở các Công đoàn các cấp; Quan tâm công tác phát triển Đảng, Đảng viên trong doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; Đồng thời Đảng cũng cần tăng cường giác ngộ, bồi dưỡng, kết nạp nhiều công nhân vào Đảng; bồi dưỡng nhiều cán bộ Công đoàn trẻ để bổ sung vào hàng ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước.
Đề nghị Đảng tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, Đảng viên về nền tảng tư tưởng của Đảng, về giai cấp công nhân; tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Các cấp ủy đảng, cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, chính quyền cần lắng nghe và giải quyết kịp thời ý kiến của CNVCLĐ và của tổ chức công đoàn; quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động, làm cho công đoàn thực sự là cầu nối giữa CNVCLĐ với Đảng, Nhà nước.
CNVCLĐ Thủ đô cũng mong muốn Nhà nước sớm ban hành và thực hiện tốt các chính sách về đào tạo, đào tạo lại công nhân, góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh cả về tổ chức và trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, đáp ứng được các yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hoàn thiện chính sách tiền lương; quan tâm đầu tư, hoàn thiện chính sách nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp, đặc biệt là CNLĐ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đề nghị các cấp chính quyền cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật Lao động, Luật Công đoàn, các chính sách bảo hiểm xã hội cho công nhân; chăm lo cải thiện điều kiện lao động, phòng, chống tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Đặc biệt Nhà nước cần có biện pháp giải quyết hạn chế thấp nhất tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Đối với kiến nghị, đề xuất với Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, CNVCLĐ Thủ đô mong muốn và đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, tham gia với Nhà nước xây dựng ban hành các chính sách pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động; đặc biệt là Luật BHXH (Sửa đổi), dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới, với quan điểm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH của người lao động.
Đề nghị Tổng Liên đoàn tham gia với Nhà nước triển khai, thực hiện tốt Luật Dân chủ tại cơ sở; tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với CNVCLĐ; Quan tâm dành nguồn lực chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo…; Có cơ chế tham gia với Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên, người lao động thuộc đối tượng được thuê, thuê mua ổn định cuộc sống; đặc biệt các địa phương có nhiều công nhân thuê trọ.