Sớm đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển cà phê chất lượng cao

UBND tỉnh Đắk Lắk quan tâm ban hành chính sách hỗ trợ cụ thể cho tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện tái canh cà phê; nghiên cứu tham mưu, sớm đề xuất ban hành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển cà phê chất lượng cao, đặc sản. Nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích người trồng cà phê hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; liên doanh, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê; khuyến khích hình thành liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê trên địa bản…

Đó là những nội dung Đoàn giám sát HĐND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND ngày 13.7.2017 của HĐND tỉnh về Phát triển cà phê bền vững của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Hình thành các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Đoàn giám sát HĐND tỉnh Đắk Lắk thấy rằng Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND đã được UBND tỉnh triển khai nghiêm túc, cơ bản có hiệu quả, sát với mục tiêu nghị quyết đề ra. Năng suất, chất lượng cà phê ngày càng được nâng cao và đang dần đi vào ổn định, bền vững. Các địa phương đã khai thác hiệu quả lợi thế đất đai, sản lượng cà phê đạt từ 2,5 - 4 tấn/ha; xây dựng vùng trồng cà phê có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc; các mô hình HTX được đầu tư công nghệ chế biến sâu, chất lượng cao; hình thành các liên minh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị... xây dựng, phát triển thương hiệu, bảo hộ cà phê có chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, xây dựng mô hình điển hình tiêu biểu trong sản xuất cà phê; thu hút đầu tư vào hoạt động chế biến sâu...

Tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh phát triển sản xuất cà phê đặc sản. Ảnh: Kim Bảo

Chương trình tái canh cà phê được triển khai thực hiện bảo đảm theo kế hoạch; tổng diện tích cà phê có chứng nhận đạt trên 30.000ha; sản lượng cà phê đạt 535.672 tấn, có khoảng 90% sản lượng cà phê được thu hái, phơi sấy và bảo quản theo đúng quy trình kỹ thuật. 100% cơ sở chế biến cà phê nhân xuất khẩu tuân thủ đúng quy chuẩn kỹ thuật, cà phê đạt điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; cà phê chế biến sâu áp dụng công nghệ và quy trình quản lý tiên tiến, trang thiết bị máy móc của các doanh nghiệp cà phê Đắk Lắk hiện nay đã được đổi mới nhiều và hiện đại hơn, tỷ lệ cà phê chế biến sâu 8,11% so với sản lượng cà phê của bình quân các niên vụ. Kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh tương đối ổn định, đến năm 2023, số lượng cà phê xuất khẩu đạt trên 304 nghìn tấn, kim ngạch đạt trên 760 triệu USD. Công tác xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường được chú trọng, giúp cho việc quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Việt Nam ra thị trường thế giới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số chỉ tiêu Nghị quyết thực hiện chưa đạt so với yêu cầu kế hoạch đề ra, như: việc giảm diện tích cà phê, duy trì ổn định 180.000ha; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chuyển đổi diện tích cà phê không phù hợp sang các loại cây trồng khác; áp dụng quy trình sản xuất cà phê có chứng nhận đạt 80% đến năm 2020… Một số mô hình tái canh có hiệu quả nhưng chưa được nhân rộng, diện tích trồng xen canh với tỷ lệ cao nhưng chưa được quản lý, tư vấn chặt chẽ. Việc huy động vốn, nguồn lực hỗ trợ tái canh cây cà phê còn hạn chế và tỷ lệ rất thấp. Diện tích cả phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh cần tái canh chiếm tỷ lệ lớn. Việc chuyển đổi diện tích cà phê ở những vùng không bảo đảm nguồn nước, kém hiệu quả, không phù hợp thổ nhưỡng, sang các loại cây trồng khác đạt thấp…

Ưu tiên thành lập trung tâm quản lý chất lượng cà phê

Từ thực tế trên, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đề nghị Chính phủ quan tâm bố trí kinh phí cho địa phương để thực hiện Đề án Phát triển cà phê bền vững của tỉnh. Ưu tiên thành lập trung tâm quản lý chất lượng cà phê của khu vực. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu ban hành chính sách cụ thể hỗ trợ kinh phí, thiết bị cho các cơ sở chế biến quy mô nhỏ và vừa; chính sách thu hút đầu tư khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chương trình phát triển cà phê bền vững của tỉnh.

Đối với UBND tỉnh, Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh tổ chức tổng kết đánh giá việc triển khai, thực hiện nghị quyết số 24/2017/NQ- HĐND của HĐND tỉnh, xem xét đề xuất HĐND tỉnh ban hành chính sách phù hợp với tình hình thực tế. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch tái canh cà phê giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn; quan tâm ban hành chính sách hỗ trợ cụ thể cho tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện tái canh cà phê. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, tập huấn vận động người dân tuân thủ quy trình tái canh cà phê; chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích cà phê không đủ nguồn nước tuổi, không đủ điều kiện cho cây cà phê phát triển sang cây trồng khác hiệu quả hơn; hướng dẫn, hỗ trợ và khuyến khích nông dân tập trung thâm canh cà phê theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất cà phê có chứng nhận, mã số vùng trồng để nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình tiếp cận vốn tín dụng để đầu tư tái canh cà phê, đầu tư máy móc thiết bị chế biến... Quan tâm, nghiên cứu tham mưu, sớm đề xuất ban hành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển cà phê chất lượng cao, đặc sản. Nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích người trồng cà phê hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung để thuận lợi cho việc đầu tư hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ; liên doanh, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê; khuyến khích hình thành liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê trên địa bản. Tăng cường công tác quản lý trong kiểm tra, kiểm soát chất lượng giống cà phê.

Bảo Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/som-de-xuat-chinh-sach-ho-tro-phat-trien-ca-phe-chat-luong-cao-i376943/