Sớm đưa Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại

Đầu tháng 7 vừa qua, thành phố Hà Nội đã đưa vào vận hành thí điểm Trung tâm Điều hành giao thông thông minh (đặt tại số 1 phố Kim Mã, quận Ba Đình). Qua đó, kỳ vọng sẽ góp phần tổ chức, quản lý điều hành hệ thống giao thông vận tải một cách hiệu quả.

Hướng tới hệ thống giao thông thông minh

Đây là một trong những giải pháp quan trọng cụ thể hóa Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 30.12.2022 của Thành ủy Hà Nội về "Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" xác định mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, giao thông thông minh là một trong những nội dung quan trọng trong tổng thể thành phố thông minh.

Trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo các mô hình giao thông thông minh trong và ngoài nước, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tổ chức xây dựng và trình UBND Thành phố "Đề án Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội", trong đó hình thành Trung tâm điều khiển Giao thông thông minh và hệ thống các thiết bị ngoại vi với 12 chức năng, bao gồm: Giám sát giao thông; Cung cấp thông tin giao thông; Điều khiển giao thông; Hỗ trợ xử lý vi phạm Trật tự an toàn giao thông; Quản lý Giao thông công cộng; Quản lý đỗ xe; Quản lý sự cố; Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; Quản lý thanh toán vé điện tử Giao thông công cộng; Quản lý vận tải; Quản lý nhu cầu giao thông; Mô phỏng giao thông trong công tác quản lý, khai thác và điều hành giao thông vận tải.

 Hà Nội lựa chọn thí điểm hệ thống giao thông thông minh tại 2 nút giao trên đường Phạm Văn Bạch (Cầu Giấy). Ảnh: Bích Phương

Hà Nội lựa chọn thí điểm hệ thống giao thông thông minh tại 2 nút giao trên đường Phạm Văn Bạch (Cầu Giấy). Ảnh: Bích Phương

Trung tâm điều hành giao thông thông minh nằm trong Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội. Tại đây được lắp đặt các thiết bị máy tính, màn hình giám sát giao thông, cùng với đó là các phần mềm điều khiển (phần mềm đo đếm lưu lượng, giám sát vi phạm, cung cấp thông tin, điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh…).

Trong giai đoạn đầu, có 9 chức năng sẽ được khai thác là: Hệ thống giám sát giao thông; Cung cấp thông tin giao thông; Điều khiển giao thông; Hỗ trợ xử lý vi phạm Trật tự an toàn giao thông; Quản lý giao thông công cộng; Quản lý sự cố; Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; Quản lý đỗ xe; Quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng.

Theo đó, 2 chức năng Quản lý đỗ xe, Quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng sẽ được tích hợp khi các dự án thí điểm theo chương trình riêng của Thành phố đã sẵn sàng đưa vào vận hành. Hệ thống được thiết kế bảo đảm tính mở, sẵn sàng mở rộng, tích hợp đủ 12 chức năng khi các ứng dụng hoàn thiện, đủ điều kiện kết nối, chia sẻ dữ liệu và từng bước hoàn thiện hệ thống.

Hà Nội lựa chọn thí điểm hệ thống giao thông thông minh tại 2 nút giao trên đường Phạm Văn Bạch (Cầu Giấy). Ghi nhận thực tế cho thấy, khu vực này thường xảy ra tình trạng ùn ứ vào khung giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều...

Bố trí, huy động nhiều nguồn lực tham gia

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã xem xét thông qua Đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội". Đây được đánh giá là đề án quan trọng nhằm hướng đến mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, Hà Nội đề xuất lộ trình phát triển cho hệ thống giao thông thông minh của thành phố theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2024-2026) là hình thành và đưa vào khai thác vận hành Trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội.

Phát triển hệ thống giao thông thông minh để giải quyết vấn đề giao thông đô thị là rất cấp thiết, song các chuyên gia giao thông cũng cho rằng, việc đầu tư sẽ gặp khó khăn, thách thức khi hạ tầng giao thông Hà Nội đang trong giai đoạn xây dựng, chưa hoàn thiện. Chẳng hạn như tỷ lệ đất dành cho giao thông còn ít, vận tải hành khách công cộng chưa phát triển.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành giao thông chưa tập trung, nhiều đơn vị, tổ chức tham gia nhưng thiếu kết nối, chia sẻ; các ứng dụng giao thông thông minh ít, rời rạc, thiếu liên kết. Hạ tầng giao thông thông minh cũng chưa được hình thành, khung tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ đầu tư thiết bị giao thông thông minh chưa đầy đủ...

Do vậy, cần thu hút nhiều nguồn lực ngoài chính phủ cùng tham gia vào hệ thống giao thông thông minh như hệ thống quản lý xe buýt; hệ thống vé liên thông; hệ thống quản lý và thu phí bãi đỗ; hệ thống thu phí đường bộ; hệ thống bảng điện tử điều khiển giao thông; hệ thống đo đếm và phân tích lưu lượng xe lưu thông; hệ thống thu phí không dừng, hệ thống cân tự động; ứng dụng cung cấp thông tin giao thông cho người tham gia giao thông…

Văn Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/som-dua-ha-noi-tro-thanh-thanh-pho-thong-minh-hien-dai-post396258.html