Sớm giải bài toán thị trường
Một nghịch lý là trong khi yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng trái cây xuất khẩu ngày càng khắt khe thì khâu sản xuất vẫn chạy theo phong trào, chưa thật sự quan tâm đầu tư nâng cao về mặt chất lượng.
Để có đầu ra bền vững cho nông sản nói chung, mặt hàng trái cây nói riêng, Đồng Nai không ngừng nhân rộng diện tích cây trồng đạt chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GAP) như: VietGAP, GlobalGAP... đạt chuẩn xuất khẩu. Tỉnh cũng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành chế biến để có thêm kênh tiêu thụ ổn định cho mặt hàng này.
* Gỡ rào cản tư duy
Một trong những rào cản lớn hiện nay cho thị trường xuất khẩu trái cây là nông dân vẫn chưa có sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy sản xuất. Họ vẫn quen chạy theo sản lượng và lợi nhuận trước mắt vì còn mù mờ về nhu cầu thị trường hiện nay, ngay cả thị trường dễ tính là Trung Quốc cũng đang siết chặt hàng rào kỹ thuật với những đòi hỏi cao hơn về truy xuất nguồn gốc cũng như chất lượng nông sản.
Theo TS.Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, không chỉ các nước đang dần siết chặt về hàng rào kỹ thuật cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu mà người tiêu dùng trong nước cũng ngày càng đòi hỏi cao hơn về an toàn thực phẩm. “Nếu nông dân không thay đổi về tư duy sản xuất, vẫn sử dụng phân, thuốc hóa học và chạy theo sản lượng thì họ sẽ thua ngay trên sân nhà chứ không chỉ riêng ở thị trường xuất khẩu” - TS.Nghĩa khẳng định.
Cùng quan điểm, ông Ngô Văn Sơn, nông dân trồng bưởi VietGAP tại xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) lo ngại: “Nhiều vườn bưởi bây giờ khai thác chưa đến chục năm là cây thoái hóa phải chặt bỏ. Nguyên nhân là do nông dân lạm dụng phân, thuốc hóa học để ép cây cho trái sớm, cho năng suất cao gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và uy tín thương hiệu giống bưởi đặc sản Tân Triều”.
* Ngừng chạy theo phong trào
Toàn tỉnh hiện có trên 573 hécta cây trồng được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Đồng Nai đang xây dựng những dự án cánh đồng lớn VietGAP cho nhiều loại trái cây có thế mạnh về xuất khẩu như: thanh long, bưởi, xoài, sầu riêng... để mở rộng thị trường xuất khẩu vào những nước khó tính. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã đang xuất khẩu tốt các loại trái cây như: chuối già, thanh long ruột đỏ... đi nhiều nước.
Tuy nhiên, đa số trái cây VietGAP vẫn bán cho thương lái với giá hàng thường. Đây là nguyên nhân khiến nông dân vẫn chưa mặn mà gắn bó với chương trình sản xuất an toàn. Theo đó, nhiều vùng nông sản được Nhà nước hỗ trợ làm chứng nhận VietGAP, GlobalGAP... hầu như không được tái chứng nhận. Tiêu biểu như trái chôm chôm Long Khánh vừa được cấp chỉ dẫn địa lý, vừa xây dựng được vùng chôm chôm VietGAP với hàng trăm hécta tại xã Bình Lộc nhưng hiện chủ yếu vẫn bán trôi nổi cho thương lái. Vùng bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu) cùng từng được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP với mục tiêu xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Nhưng đến nay, đa số nông dân đã bỏ việc tái chứng nhận vì nhà vườn vẫn bán cho thương lái và họ không hề quan tâm đến những loại chứng nhận này.
Ông Võ Văn Vịnh, đại diện Ban Quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất) nhận xét, trái cây Đồng Nai rất nhiều, rất ngon nhưng chủ yếu chỉ bán được sang Trung Quốc. Nhưng đây chưa thể gọi là xuất khẩu vì vẫn đi theo đường tiểu ngạch theo kiểu được chăng hay chớ. Nhiều doanh nghiệp đến Đồng Nai đặt vấn đề xuất khẩu trái cây nhưng rồi đều bỏ cuộc vì không tìm được nguồn cung đạt yêu cầu cả về sản lượng và chất lượng.
Theo ông Vịnh, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay cần khai thông là nông dân phải bỏ thói quen sản xuất chạy theo phong trào. Nội dung được doanh nghiệp quan tâm nhất chính là việc nông dân nghiêm túc tuân theo quy trình sản xuất an toàn và ghi lại nhật ký sản xuất từ khâu xuống giống; loại phân, thuốc và thời điểm sử dụng; thu hoạch như thế nào... chứ không phải dựa vào tờ chứng nhận. “Để tránh lãng phí, nông dân không nên đầu tư làm chứng nhận GAP một cách tràn lan rồi để đó. Quan trọng là nông dân thực hiện đúng cam kết về chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp” - ông Vịnh nói.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, giai đoạn 2019-2020, Đồng Nai sẽ tập trung phát triển ngành chế biến nông sản, thực phẩm để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, phát triển nông nghiệp bền vững. Từ đề xuất của các địa phương, Đồng Nai đã chọn Cụm công nghiệp Phú Túc (huyện Định Quán) và Cụm công nghiệp Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) thực hiện thí điểm mời gọi nhà đầu tư xây dựng cụm công nghiệp điểm trong lĩnh vực chế biến nông sản. Ngoài ra, các cụm công nghiệp đã và đang được đầu tư tại các địa phương cũng phải ưu tiên dành quỹ đất cho ngành chế biến nông sản.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201912/som-giai-bai-toan-thi-truong-2976797/