Sớm hiện thực hóa nội dung đã ký kết với các đối tác tại Nhật Bản
Từ ngày 21 - 26/4, tỉnh Lào Cai đã có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, đặc biệt là tổ chức thành công Hội thảo xúc tiến đầu tư và du lịch tại Nhật Bản với chủ đề 'Lào Cai - điểm đến thành công', thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn của Nhật Bản tìm hiểu để đầu tư vào Lào Cai.
Thực tế, Lào Cai đã sớm hợp tác với các đối tác Nhật Bản thông qua các chương trình, dự án ODA, NGO. Tuy nhiên, Lào Cai chưa thu hút được các dự án FDI lớn đến từ Nhật Bản. Điều này cho thấy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh chưa đến được các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản. Hiện Nhật Bản có vai trò then chốt trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và chiến lược toàn cầu với các thế mạnh về công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, thương mại. Đây là những ngành, lĩnh vực mà Nhật Bản có kinh nghiệm, thế mạnh, trong khi Lào Cai có nhu cầu, tiềm năng để hợp tác.
Với tinh thần cầu thị, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, việc Lào Cai sang tận Nhật Bản để tổ chức hội thảo với mong muốn đưa Lào Cai đến gần hơn với các doanh nghiệp Nhật Bản. Trên cơ sở đó, cùng chia sẻ, hợp tác và cùng nhau biến tiềm năng, thế mạnh, ý tưởng thành hiện thực, giúp Lào Cai phát triển nhanh, tăng trưởng xanh và bền vững trong thời gian tới.
Tỉnh Lào Cai đã giới thiệu về những tiềm năng, lợi thế, đồng thời chia sẻ về cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp, tổ chức của Nhật Bản xem xét hợp tác về: Phát triển về du lịch, giao lưu văn hóa, tổ chức lễ hội, sự kiện; đầu tư xây dựng trung tâm logistics phục vụ các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu; phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao, khai thác chế biến sâu khoáng sản; ứng dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản phục vụ xuất khẩu; lao động - đào tạo nghề, đưa lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc.
Đặc biệt, kết thúc hội thảo đã trao 5 biên bản ghi nhớ (MOU), gồm Biên bản ghi nhớ về việc thực hiện dự án Nhà máy điện sinh khối Bảo Thắng (Lào Cai) giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai với Công ty Cổ phần Erex Co.,Ltd., Nhật Bản; Biên bản ghi nhớ hợp tác về du lịch giữa Sở Du lịch tỉnh Lào Cai với Chi nhánh Vietnam Airlines tại Nhật Bản; Biên bản ghi nhớ về tiếp nhận lao động Lào Cai (Việt Nam) sang Nhật Bản làm việc giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai với Công ty Cổ phần Happy Life Corporation, Nhật Bản; Biên bản ghi nhớ về hợp tác tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng giữa Trường Cao đẳng Lào Cai với Công ty Cổ phần Tsukuba Kogyo, Nhật Bản; Biên bản ghi nhớ về chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trồng nấm giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai với Công ty Cổ phần OGAWA KINOKOEN, Nhật Bản.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hội thảo xúc tiến đầu tư và du lịch tại Nhật Bản đạt được mục tiêu đề ra. Trên cơ sở các biên bản ghi nhớ đã được ký kết, các ngành của tỉnh sớm xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực tế.
Hỗ trợ, phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư
- Đồng chí PHAN TRUNG BÁ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc thực hiện dự án Nhà máy điện sinh khối Bảo Thắng (Lào Cai) giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai với Tập đoàn EREX (Nhật Bản) là 1 trong 5 MOU được trao tại hội thảo. Đặc biệt, sau khi làm với Tập đoàn EREX, tại Tokyo (Nhật Bản), Chủ tịch Tập đoàn EREX đã thống nhất cao và hứa sẽ đưa dự án tại Lào Cai vào danh sách ưu tiên đầu tư cao nhất.
Diện tích rừng sản xuất của tỉnh Lào Cai năm 2023 khoảng 90.000 ha, đến năm 2030 sẽ ổn định khoảng 110.000 ha. Mỗi năm khai thác 6.000 - 7.000 ha, cho sản lượng 450.000 - 500.000 m3 gỗ tròn và tận thu được 500.000 ster củi, tương đương 150.000 tấn. Gỗ tròn sau khi chế biến tạo ra khoảng 150.000 ster bìa bắp, đầu mẩu..., tương đương 45.000 tấn và mỗi năm khai thác khoảng 150.000 - 200.000 tấn cành, lá quế, 70% số này dùng để để đốt lò chưng cất tinh dầu còn thừa khoảng 50.000 tấn. Như vậy, tổng phụ phẩm ngành lâm nghiệp có thể thu gom để sản xuất than viên nén hoặc điện sinh khối là 245.000 tấn, khả năng thu mua tối đa được 60 - 70%, tương đương 140.000 - 150.000 tấn.
Việc triển khai dự án Nhà máy điện sinh khối Bảo Thắng do Tập đoàn EREX nghiên cứu đầu tư khi đi vào vận hành dự án sẽ mang lại nhiều lợi ích. Trước hết, việc tận dụng các phế phẩm từ sản xuất, chế biến lâm nghiệp được sử dụng làm nhiên liệu cho mục đích phát điện, giúp giảm được lượng chất thải ra môi trường. Bằng việc sử dụng các công nghệ hiện đại và hiệu quả, quá trình xử lý các nguồn năng lượng sinh khối trên sẽ ít thải ra khí gây hiệu ứng nhà kính và giải quyết một phần đáng kể lượng rác thải từ sản xuất lâm nghiệp trong tỉnh, góp phần bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, với việc sử dụng nguồn năng lượng sinh khối, dự án còn góp phần làm đa dạng hóa các nguồn điện trong tỉnh, giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn điện truyền thống gây ảnh hưởng tới dòng chảy của sông, suối và mất cân bằng sinh thái.
Nhà máy sẽ đóng góp một lượng công suất lớn cho hệ thống điện của tỉnh, góp phần đảm bảo cân bằng điện năng và công suất của tỉnh cũng như của khu vực.
Nhà máy được xây dựng cũng đồng nghĩa với việc phát triển và mở rộng các cơ sở hạ tầng về lưới điện, giao thông, giúp nâng cao đời sống người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai và khu vực lân cận, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Nhà máy khi đi vào vận hành cũng sẽ đóng góp một phần đáng kể cho ngân sách của tỉnh, thu hút và tạo thêm việc làm cho người dân lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhà máy điện sinh khối Bảo Thắng (Lào Cai) có công suất 50 MW, tổng mức đầu tư dự kiến là 2.629 tỷ đồng (tương đương 115 triệu USD), địa điểm thực hiện tại lô CN5, Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
Trên cơ sở biên bản ghi nhớ, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã bắt tay triển khai ngay các nội dung. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cam kết hỗ trợ, phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện công việc, đồng thời chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn liên quan hỗ trợ, phối hợp với nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu, thực hiện các thủ tục theo quy định để đầu tư dự án.
Trong phạm vi quyền hạn của mình và trong khuôn khổ luật pháp của Việt Nam cũng như các quy định khác có liên quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tạo các điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, bao gồm các nội dung: Phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ nhà đầu tư trong thời gian khảo sát, nghiên cứu tiền khả thi/chủ trương đầu tư và thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án; phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan cung cấp thông tin có liên quan, sắp xếp các buổi gặp mặt, khảo sát thực tế, hướng dẫn và hỗ trợ khi nhà đầu tư có yêu cầu; áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất đối với dự án (nếu có).
Đồng thời, đề nghị nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện các công việc: Nỗ lực tối đa để sớm hoàn thành việc nghiên cứu, khảo sát các dự án; thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà đầu tư theo quy định pháp luật; chủ động lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án; nỗ lực tối đa để triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ và chất lượng theo chủ trương đầu tư được chấp thuận trong trường hợp được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định pháp luật; kinh phí thực hiện các nội dung nêu trên bằng nguồn kinh phí của nhà đầu tư và không yêu cầu Nhà nước phải bồi hoàn trong mọi trường hợp.
Bố trí cán bộ tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất nấm
- Đồng chí ĐỖ VĂN DUY, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Biên bản ghi nhớ về chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trồng nấm giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai với Công ty Cổ phần OGAWA KINOKOEN (Nhật Bản) đã nêu rõ: Công ty Cổ phần OGAWA KINOKOEN có thể chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trồng nấm, tiêu thụ sản phẩm, đào tạo lao động trong ngành sản xuất nấm cho tỉnh Lào Cai.
Trên thế giới có khoảng 2.000 loài nấm, trong đó có khoảng 80 loài có thể ăn được và nuôi trồng thành công như nấm mỡ, nấm bào ngư, nấm rơm, nấm mộc nhĩ, nấm kim châm, nấm đùi gà… và nấm sử dụng trong lĩnh vực dược liệu như nấm linh chi, nấm phục linh, nấm đầu khỉ… Có hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trồng nấm; sản lượng nấm thế giới đạt khoảng 25 triệu tấn/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 7 - 10%/ năm. Các nước sản xuất nấm hàng đầu thế giới là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã khẳng định: Nấm được xếp vào loại siêu thực phẩm trong tương lai vì giá trị dinh dưỡng cao, đồng thời còn là dược liệu rất tốt cho sức khỏe và được nghiên cứu để sản xuất mỹ phẩm. Nếu chúng ta biết tận dụng lợi thế từ nguồn lực trong nước sẽ có được một ngành hàng có thể tạo ra được sinh kế, việc làm cho rất nhiều người dân.
Kinh tế nông nghiệp của Lào Cai tương đối phát triển nên có nguồn nguyên liệu (rơm, rạ, thân cây ngô, gỗ…) để làm nấm rất dồi dào, phong phú về chủng loại. Thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh nấm có hiệu quả ở quy mô hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác đã và đang tham gia sản xuất nấm, tuy nhiên công nghệ sản xuất nấm vẫn là thủ công, bán công nghiệp. Các giống sản xuất mới chủ yếu tập trung vào 4 loại nấm là nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ, nấm mỡ, còn các loại khác chưa thực sự phát triển. Vì vậy, việc ký kết Biên bản ghi nhớ về việc chuyển giao công nghệ - kỹ thuật trồng nấm của Nhật Bản có ý nghĩa rất quan trọng, giúp ngành nông nghiệp tỉnh tiếp cận với quốc gia có công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực phát triển sản xuất nấm, tạo thêm một ngành hàng mới có giá trị và giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động.
Để sớm hiện thực hóa các nội dung biên bản ghi nhớ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp bàn, triển khai các nội dung đến các cơ quan chuyên môn, đồng thời giao cho Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh bố trí cơ sở vật chất, rà soát các thiết bị và cán bộ tiếp nhận chuyển công nghệ để phát triển ngành sản xuất nấm. Mục tiêu của ngành nông nghiệp tỉnh đặt ra là sau khi tiếp nhận thành công công nghệ sản xuất nấm sẽ tập trung phát triển ngành hàng nấm ăn và nấm dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô công nghiệp, từng bước ứng dụng công nghệ cao; gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ, tạo thương hiệu nấm trên trường trong nước và quốc tế; góp phần giải quyết việc làm, bảo vệ môi trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tạo ra nguồn hàng hóa lớn có giá trị kinh tế cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Xây dựng kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực lao động, đào tạo nghề
- Đồng chí NGUYỄN THỊ HẢI ANH, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai và Công ty Cổ phần HAPPYLIFE CORPORATION (Nhật Bản) đã ký kết Biên bản ghi nhớ về tiếp nhận lao động Lào Cai (Việt Nam) sang Nhật Bản làm việc.
Đưa người lao động đi làm việc tại Nhật Bản là hình thức đưa người lao động sang Nhật Bản làm việc theo chương trình ký kết giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Người lao động đi làm việc tại Nhật Bản hợp pháp phải thông qua một trong hai đơn vị quản lý là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc công ty phái cử.
Ngày 23/4/2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty Cổ phần HAPPYLIFE CORPORATION của Nhật Bản với các điều khoản liên quan đến việc tiếp nhận và phái cử người lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc.
Việc ký kết Biên bản ghi nhớ về tiếp nhận lao động của Lào Cai sang làm việc tại Nhật Bản có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là đào tạo được một thế hệ thanh niên có tay nghề giỏi trong các lĩnh vực sản xuất, gia công, chế tạo; có tác phong công nghiệp; có năng lực ngoại ngữ. Người lao động có thể tích lũy một số vốn nhất định để lập nghiệp tại địa phương sau thời gian thực tập tại Nhật Bản. Người lao động sau khi về nước có cơ hội làm việc trong các công ty, nhà máy của Nhật Bản tại Việt Nam, tiếp tục phát triển những kiến thức, kỹ năng đã học trong thời gian làm việc tại Nhật Bản và xây dựng sự nghiệp bản thân, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Những người lao động này phát huy đúng cơ hội một cách triệt để sẽ trở thành sứ giả, cầu nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, tiến tới chuyển giao kỹ thuật - công nghệ sản xuất vào Việt Nam nói chung và Lào Cai nói riêng.
Việc ký kết Biên bản ghi nhớ về việc đưa lao động tỉnh Lào Cai sang làm việc tại Nhật Bản sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm mới cho lao động của tỉnh, góp phần gắn kết giữa lao động với đào tạo, giữa thị trường lao động trong nước với thị trường lao động Nhật Bản. Đó còn là động lực để thúc đẩy giao lưu, hợp tác, nhất là trong lĩnh vực hợp tác lao động, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ giữa Lào Cai và Nhật Bản.
Để sớm hiện thực hóa nội dung biên bản ghi nhớ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai xây dựng kế hoạch hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực lao động, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp - việc làm.
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ và các sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục tăng cường kết nối, trao đổi để tìm kiếm cơ hội hợp tác với tỉnh Nagano, tỉnh Shizuoka của Nhật Bản để đưa lao động sang làm việc; tăng cường giao lưu, trao đổi để xúc tiến thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Sở Lao động – Thương binh và Xã hội với công ty phái cử để đưa lao động sang làm việc tại 2 tỉnh nói trên.
Hai bên cũng xây dựng các cơ quan đầu mối để triển khai thực hiện. Phía Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Lào Cai là Phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh; phía Nhật Bản là Công ty Cổ phần HAPPYLIFE CORPORATION.
Hai bên thống nhất việc chia sẻ và công khai thông tin về cơ quan tổ chức được phép phái cử hoặc tiếp nhận lao động thực tập sinh kỹ năng sang làm việc tại Nhật Bản. Đưa vào cam kết của hai bên trong việc phối hợp quản lý, giám sát nhằm loại bỏ khỏi chương trình phái cử và tiếp nhận lao động thực tập sinh kỹ năng những cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm luật pháp của hai nước và các quy định nêu trong biên bản ghi nhớ hợp tác.
Triển khai 3 nội dung hợp tác trọng tâm
- Đồng chí LẠI VŨ HIỆP, Phó Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai
Sở Du lịch tỉnh Lào Cai và Vietnam Airlines tại Nhật Bản ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về du lịch với mục tiêu tăng cường các hoạt động hợp tác, xúc tiến quảng bá, mở rộng thị trường du lịch, thu hút lượng khách du lịch quốc tế Nhật Bản đến Lào Cai.
Vietnam Airlines hiện đang khai thác tổng cộng 100 đường bay kết nối 21 điểm nội địa và 30 điểm quốc tế với các loại máy bay tiên tiến nhất thế giới. Đối với thị trường Nhật Bản, Vietnam Airlines đang khai thác các đường bay thẳng từ 5 sân bay: Narita, Haneda, Nagoya, Osaka và Fukuoka đến Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và từ Narita đến Đà Nẵng, là hãng có tần suất khai thác lớn nhất giữa Nhật Bản và Việt Nam. Đặc biệt, Vietnam Airlines cũng là đối tác quan trọng của các công ty du lịch của Nhật Bản.
Việc Sở Du lịch Lào Cai ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về du lịch với Vietnam Airlines tại Nhật Bản là cơ hội để du lịch Lào Cai vào được thị trường Nhật Bản thông qua hệ thống truyền thông, quảng bá, kết nối của Vietnam Airlines, qua đó tiếp cận được các công ty du lịch của Nhật Bản.
Thực tế, thị trường khách du lịch Nhật Bản được đánh giá rất tiềm năng, khả năng chi tiêu cao. Tuy nhiên, năm 2023 chỉ có 2.435 lượt khách Nhật Bản đến Lào Cai và quý I/2024 có 475 lượt. Đây là con số rất khiêm tốn so với tiềm năng du lịch của Lào Cai.
Do vậy, việc sớm hiện thực hóa các nội dung Biên bản ghi nhớ hợp tác về du lịch với Vietnam Airlines tại Nhật Bản là hết sức cần thiết. Hiện Sở Du lịch Lào Cai đã xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai biên bản ghi nhớ hợp tác về du lịch với Vietnam Airlines tại Nhật Bản.
Theo đó, 3 nội dung trọng tâm đã được Sở Du lịch xác lập và triển khai. Đó là hợp tác trong công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch - hàng không. Sở Du lịch Lào Cai cung cấp cho Vietnam Airlines tại Nhật Bản các thông tin, hình ảnh, clip về tỉnh để thực hiện quảng bá trên các ấn phẩm, các kênh truyền thông, quảng cáo của Vietnam Airline tại Nhật Bản. Hỗ trợ quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của Vietnam Airlines trên các trang thông tin điện tử du lịch của tỉnh, trang thông tin điện tử của sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và tại các sự kiện ngoại giao, xúc tiến, quảng bá đầu tư, thương mại, du lịch trong và ngoài nước do tỉnh tổ chức cũng như tại một số sự kiện lễ hội quan trọng của tỉnh. Kết nối, hỗ trợ quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của Vietnam Airlines trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lào Cai; hỗ trợ Vietnam Airlines một số vị trí quảng cáo ngoài trời (trên một số biển quảng bá du lịch tấm lớn của tỉnh). Phối hợp với Vietnam Airlines tại Nhật Bản trong tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá thị trường du lịch - hàng không tại Lào Cai và Nhật Bản.
Phối hợp nghiên cứu và hình thành các sản phẩm, điểm du lịch. Sở Du lịch phối hợp tổ chức các đoàn Famtrip bao gồm đại diện các doanh nghiệp lữ hành, các đoàn phóng viên Presstrip Nhật Bản, các cơ quan báo chí địa phương, các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch lớn khảo sát, giao lưu, hợp tác, tham gia các sự kiện tổ chức tại tỉnh Lào Cai do Vietnam Airlines tại Nhật Bản tổ chức. Phối hợp với Vietnam Airlines tại Nhật Bản tổ chức các sự kiện giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch mang tầm quốc gia và khu vực. Giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh và danh sách các đơn vị đầu mối cung cấp để Vietnam Airlines tại Nhật Bản nghiên cứu khả năng hợp tác, quảng bá.
Phối hợp tổ chức các sự kiện đối ngoại, giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch mang tầm quốc gia và khu vực. Sở Du lịch chủ động trao đổi thông tin, mời Vietnam Airlines tại Nhật Bản tham gia các sự kiện, hoạt động xúc tiến, quảng bá văn hóa, thể thao, du lịch tại tỉnh Lào Cai. Hợp tác cùng Vietnam Airlines tại Nhật Bản tổ chức các hoạt động, sự kiện giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch, ẩm thực, lễ hội... tại tỉnh Lào Cai.
Chú trọng đào tạo song song giữa dạy nghề và dạy tiếng Nhật
- Đồng chí PHẠM ĐỨC BÌNH, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai
Biên bản ghi nhớ về hợp tác tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng giữa Trường Cao đẳng Lào Cai với Công ty Cổ phần TSUKUBA KOGYO (Nhật Bản) là một trong những nội dung chính trong chiến lược phát triển chung của tỉnh, nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế giữa tỉnh Lào Cai và các công ty tại Nhật Bản, đồng thời cụ thể hóa mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Việc ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng giữa Trường Cao đẳng Lào Cai với Công ty Cổ phần TSUKUBA KOGYO (Nhật Bản) có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tăng tỷ lệ người lao động được giải quyết việc làm sau đào tạo. Với ngành nghề cơ khí, sinh viên của trường sẽ có cơ hội được làm việc trong môi trường kỷ luật, chuyên nghiệp, tiếp thu những kiến thức mới tại Nhật Bản, khi trở về tiếp tục cống hiến, xây dựng cho quê hương.
Hiện Trường Cao đẳng Lào Cai đang tập trung xây dựng kế hoạch, nội dung hợp tác về việc tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng giữa nhà trường với Công ty Cổ phần TSUKUBA KOGYO (Nhật Bản), trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Để chương trình hợp tác quốc tế đạt hiệu quả, nhà trường sẽ chú trọng đào tạo song song giữa dạy nghề và dạy tiếng Nhật, nhằm hỗ trợ sinh viên có đầy đủ điều kiện để sang Nhật Bản làm việc.
Trong hành trình xây dựng Trường Cao đẳng Lào Cai trở thành trường chất lượng cao vào năm 2025, việc đẩy mạnh các chương trình hợp tác quốc tế thông qua đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo, nâng kỹ năng nghề cho sinh viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường.