Sớm hoàn thành hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là Di sản văn hóa thế giới
Việc lập hồ sơ đề cử Di sản văn hóa thế giới cho Óc Eo - Ba Thê là bước đi chiến lược, thể hiện quyết tâm của tỉnh An Giang và Việt Nam trong việc bảo tồn, tôn vinh giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc của vùng đất Nam Bộ.
Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo vừa tổ chức hội nghị triển khai công tác xây dựng hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê tỉnh An Giang, trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Khách tham quan tại Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo. (Nguồn: Báo Văn hóa)
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Khắc Nguyên, Phó Trưởng ban Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo cho biết, việc xây dựng hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới được Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) chỉ đạo thực hiện từ năm 2012, 2013.
Đến năm 2021, Thủ tướng Chính phủ có kết luận chính thức, giao cho Bộ VHTT&DL hướng dẫn tỉnh An Giang chủ trì xây dựng hồ sơ.
Được sự hỗ trợ của Bộ VHTT&DL, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, báo cáo tóm tắt giai đoạn 1 của hồ sơ được hoàn thành và đến ngày 1/4/2022, Khu di tích Óc Eo - Ba Thê chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách dự kiến lập hồ sơ Di sản văn hóa thế giới.
Sau quá trình chuẩn bị kéo dài, đến cuối năm 2024, đề cương nhiệm vụ và dự toán xây dựng hồ sơ được phê duyệt. Các gói thầu đã được hoàn thiện thủ tục đấu thầu và chọn được đơn vị thực hiện.
Hội nghị đã công bố liên danh Viện Bảo tồn Di tích - Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng địa chất, di sản và môi trường - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) là nhà thầu chính thức trúng gói thầu số 3: “Lập hồ sơ đề cử và kế hoạch quản lý Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê tỉnh An Giang trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới”.
Gói thầu được triển khai từ tháng 4/2025 đến tháng 1/2026. Nội dung công việc gồm điều tra, khảo sát, hệ thống hóa tư liệu, khai quật bổ sung, xây dựng bản đồ phân bố di tích và phân tích vật liệu, hiện vật… nhằm xác định rõ giá trị nổi bật toàn cầu của di tích.
Hội nghị cũng là dịp để các bên thống nhất nhiệm vụ, ký kết hợp đồng và triển khai kế hoạch chi tiết với sự cam kết hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo khẩn trương của Thủ tướng Chính phủ và tỉnh An Giang.
Theo Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê, tỉnh An Giang phấn đấu trong năm 2026 sẽ hoàn thành và bảo vệ hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là Di sản văn hóa thế giới.
Đây là bước đi quan trọng trong việc nỗ lực bảo tồn và quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của Di tích Óc Eo - Ba Thê ra thế giới.
Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê nằm tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cách TP Long Xuyên khoảng 40km. Di tích trải rộng trên diện tích 433,2 ha, bao gồm 2 khu vực chính: Khu A ở sườn và chân núi Ba Thê (143,9 ha) và Khu B ở cánh đồng Óc Eo (289,3 ha).
Di tích này có khoảng 40 di chỉ văn hóa thuộc các loại hình di tích kiến trúc tôn giáo, di tích mộ táng, di chỉ cư trú… đã được phát hiện, thám sát, khai quật từ đầu những năm 40 thế kỷ XX đến nay.
Đây là quần thể khảo cổ phản ánh dấu tích một đô thị cổ và trung tâm tôn giáo của Vương quốc Phù Nam. Nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy khu vực này từng phát triển rực rỡ, là đầu mối thương mại, giao lưu văn hóa quốc tế quan trọng trong lịch sử.