Sớm hoàn thiện khung pháp lý về quản lý tài sản công
Bên cạnh đánh giá cao những điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm 2024, các ĐBQH thuộc Tổ 17 (gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, Gia Lai và An Giang) cho rằng, Chính phủ cần đưa ra những giải pháp căn cơ hơn nữa để tăng cường 'sức khỏe' nội sinh cho nền kinh tế. Đồng thời, sớm hoàn thiện khung pháp lý để tháo gỡ những nút thắt trong công tác quản lý tài sản công.
Nâng cao "sức khỏe" cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Thảo luận tại Tổ 17, các ĐBQH cơ bản tán thành với Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH và NSNN năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm là những thành tựu nổi bật, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, một trong những băn khoăn của các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đó chính là “sức khỏe” của các doanh nghiệp khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (86,4 nghìn doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (81,3 nghìn doanh nghiệp).
Do đó, các đại biểu đề nghị, Chính phủ cần đưa ra được các nhóm giải pháp để động viên, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, lành mạnh; cắt giảm thủ tục hành chính để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận tín dụng và tạo đầu ra thông thoáng cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần phải thực thi hiệu quả, thực chất hơn nữa các giải pháp về cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, có các giải pháp mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính.
Một số đại biểu cũng phản ánh, việc quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng biến động mạnh, chênh lệch lớn giữa giá trong nước và thế giới, dẫn đến buôn lậu vàng diễn biến phức tạp, làm chảy máu ngoại tệ, có khả năng tác động tiêu cực đến việc ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, cần có giải pháp dài hạn để quản lý ổn định thị trường vàng.
Về chính sách tiền lương, các đại biểu cho rằng, thời điểm mùng 1.7 đang đến gần, việc thông tin chính thức về thang bảng lương là hết sức cần thiết. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền trước khi ban hành bảng lương chính thức, cần thông tin để các đối tượng hưởng lương nắm bắt một cách rõ ràng, chính xác; thấy được việc cải cách tiền lương là đúng đắn và yên tâm công tác...
Sớm tháo gỡ điểm nghẽn đầu tư công
Một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận nhiều đó chính là về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. ĐBQH Giàng Páo Mỷ (Lai Châu) và ĐBQH Siu Hương (Gia Lai) nhấn mạnh, thực hiện tốt vấn đề này sẽ góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Các đại biểu đánh giá, thời gian quan việc triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương quan tâm và đạt được những kết quả tích cực. Tuy vậy, không phải không còn những tồn tại. Trong đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của một số bộ, cơ quan Trung ương chỉ đạt dưới 10% kế hoạch vốn. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục bị chậm, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Chậm giải ngân vốn đầu tư công cho thấy, hiệu quả sử dụng nguồn vốn chưa hiệu quả và ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, gây lãng phí nguồn lực…
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng mong muốn, Chính phủ có các giải pháp để giải quyết tình trạng một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; chưa phân cấp kiểm tra hiện trạng nhà, đất; còn chậm chạp trong lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất...
Đặc biệt, hiện nay, ở nhiều địa phương vẫn còn tình trạng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng... để hoang hóa, lãng phí. Việc xử lý, sắp xếp sử dụng tài sản công ở các đơn vị hành chính sau sắp xếp, đặc biệt tại các huyện, xã thuộc khu vực miền núi còn nhiều lãng phí nhưng thiếu cơ chế, chính sách, pháp luật để xử lý… Các đại biểu nhấn mạnh, đã đến lúc phải hoàn thiện khung khổ pháp luật liên quan đến vấn đề này và cơ chế xử lý trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng lãng phí...