Sớm khắc phục tình trạng bồi lấp ở Cửa Tùng
Luồng lạch ra vào Cửa Tùng ở tỉnh Quảng Trị đã bị bồi lấp nghiêm trọng nhiều năm nay, khiến các tàu cá có chiều dài hơn 12m trở lên không thể cập cảng cá Cửa Tùng và các khu neo đậu gần đó mỗi khi trú tránh bão. Tại cảng cá Cửa Tùng, hằng ngày ngư dân bắt buộc phải dùng thuyền nhỏ trung chuyển hải sản khai thác. Điều này không chỉ gây khó khăn cho ngư dân mà còn ảnh hưởng đến công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) về an toàn tàu thuyền mỗi khi có mưa bão.
Phía trong Cửa Tùng có cảng cá Cửa Tùng và các khu neo đậu tránh trú bão. Trong đó, cảng cá Cửa Tùng là địa điểm phục vụ hoạt động ra khơi đánh bắt, khai thác thủy sản của ngư dân khu vực các xã lân cận thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh và xã Trung Giang, huyện Gio Linh, cũng như ngư dân các tỉnh trong khu vực. Do luồng lạch khu vực Cửa Tùng bị cạn, các tàu cá của ngư dân ra vào cập cảng cá rất khó khăn.
Ông Phan Thanh An, 57 tuổi ở khu phố An Đức 1, thị trấn Cửa Tùng cho biết, cửa biển Cửa Tùng bị bồi lấp nhiều năm nay đã gây khó khăn, tốn kém chi phí cho ngư dân mỗi khi ra biển đánh bắt hoặc cập bờ bán hải sản tại cảng cá Cửa Tùng. Luồng lạch bị sóng đẩy cát cuốn, chỗ cao chỗ thấp như luống khoai vun lên, đường đi không lường được, rất nguy hiểm.
Nhiều hôm, tàu của ông đánh liều ra cửa biển rồi cũng phải vào lại vì mắc cạn. Tại khu vực Cửa Tùng, đoạn từ Km0+00 đến Km2+00 đang bị bồi lấp nghiêm trọng, trong đó đoạn hạ lưu cầu Cửa Tùng có cồn cát bồi lấp chiếm gần hết cửa sông làm luồng chạy tàu biến đổi, khúc khuỷu, chiều rộng luồng có đoạn nhỏ hơn 10m, độ sâu luồng nhiều vị trí chỉ còn 0,5m, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các phương tiện giao thông đường thủy trên tuyến.
Trước tình hình nêu trên, để bán hải sản khai thác được, ngư dân buộc phải neo đậu tàu thuyền ngoài cửa biển, có ngày neo đậu từ 40 đến 50 chiếc rồi dùng thuyền nhỏ bốc dỡ, trung chuyển sản phẩm để đưa vào bờ. Sự bất tiện này ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm, thu nhập của ngư dân và các hộ thu mua hải sản. Bà Phan Thị Tư ở tại khu phố An Hòa 1, thị trấn Cửa Tùng, một trong những tiểu thương đang kinh doanh
tại cảng cá Cửa Tùng cho biết, trước đây cơ sở thu mua hải sản của bà mỗi tháng thu mua từ 20 đến 30 tấn các loại. Từ ngày luồng lạch vào cảng cá bị bồi lấp, các tàu đánh bắt xa bờ không vào cảng được, sản lượng thu mua mỗi tháng của bà giảm, chỉ còn ba đến năm tấn hải sản. Đáng nói là để thu mua, bà phải thuê thuyền nhỏ trung chuyển hải sản vào bờ với chi phí 600 nghìn đồng/chuyến. Vì thế, bà Tư cũng như nhiều ngư dân rất mong các cấp, các ngành quan tâm, khắc phục tình trạng bồi lấp này trong thời gian sớm nhất.
Do luồng lạch vào cảng bị bồi lắng, từ tháng 1/2024 đến nay đã có 12 tàu thuyền trong và ngoài địa phương bị mắc cạn khi vào cảng. Theo thống kê của Ban Quản lý cảng cá Quảng Trị, từ đầu năm đến nay chỉ có 21 lượt tàu cá cập và rời cảng, chủ yếu là tàu cá của ngư dân địa phương phải chờ khi thủy triều lớn nhất mới ra, vào cảng được. Trong khi đó, nếu Cửa Tùng không bị bồi lấp, mỗi ngày có vài chục tàu thuyền ra khơi đánh bắt hải sản.
Mới đây, 22 chủ tàu cá trong và ngoài tỉnh Quảng Trị, cơ sở kinh doanh, dịch vụ hậu cần nghề cá đã có đơn kiến nghị gửi Ủy ban nhân dân thị trấn Cửa Tùng, Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Linh về việc luồng vào cảng bị cạn, ảnh hưởng đến việc đi khai thác hải sản của ngư dân và kinh doanh tại khu vực cảng cá Cửa Tùng.
Để giải quyết khó khăn này, Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Linh đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, các sở, ngành xem xét sớm phê duyệt phương án nạo vét khẩn cấp, khơi thông luồng lạch tại Cửa Tùng, kết hợp thu hồi sản phẩm sau nạo vét làm vật liệu san lấp theo hình thức xã hội hóa. Sản phẩm tận thu được tập kết tại thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh và khu phố Hòa Lý Hải, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh.
Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Quảng Trị Lê Văn Sơn cho biết, việc luồng lạch ở Cửa Tùng bị bồi lấp nghiêm trọng khiến tàu cá không vào ra được không chỉ gây khó khăn rất lớn cho công tác khai thác kinh tế biển của ngư dân mà còn ảnh hưởng đến vấn đề an toàn phòng tránh trú bão khi mùa mưa lũ sắp về. Mỗi năm, có từ 400 đến 500 tàu thuyền của tỉnh Quảng Trị và tỉnh bạn vào Cửa Tùng để tránh trú bão.
Cùng với đó, việc bồi lấp gây khó khăn cho công tác giám sát tàu cá, thu nhận nhật ký khai thác, giám sát sản lượng khai thác, chứng thực tàu cá cập cảng, rời cảng, xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác... trong khi đây là những nội dung quan trọng trong chống khai thác IUU.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, trước mắt khi chưa kịp nạo vét luồng lạch ở Cửa Tùng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý cảng cá Quảng Trị cần phối hợp các cơ quan kịp thời thông báo tình hình luồng lạch, phao tiêu báo hiệu cho tàu cá ra, vào cảng cá Cửa Tùng được an toàn về người và của.
Đồng thời hướng dẫn cho thuyền trưởng tàu cá biết hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn có cảng cá Cửa Việt và cảng cá Bến cá chợ Cửa Việt ở huyện Gio Linh, cách cảng cá Cửa Tùng gần 20 km về phía nam là những cảng cá đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố là cảng cá chỉ định để thuyền trưởng lựa chọn đưa tàu cá cập cảng bốc dỡ sản phẩm thủy sản và thực hiện những thủ tục liên quan khác theo quy định.
“Phương án cấp thiết để chống bồi lắng Cửa Tùng cần giải quyết ngay là đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở liên quan nhanh chóng hoàn thành các thủ tục theo quy định để sớm tổ chức nạo vét thường xuyên việc bồi lấp để tàu thuyền ra vào được thuận lợi, phục vụ phát triển nghề cá”, ông Đồng nhấn mạnh.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/som-khac-phuc-tinh-trang-boi-lap-o-cua-tung-post818258.html