Sớm khắc phục tình trạng mất cân đối phát triển giữa các loại hình giao thông

Tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023' với Chính phủ, các thành viên Đoàn giám sát chỉ ra thực tế mất cân đối phát triển giữa 5 loại hình giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường hàng không và đường hàng hải.

 Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc làm việc

Bỏ lơi” giao thông đường thủy nội địa

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Quốc Hùng, hiện đang có sự mất đối phát triển giữa 5 loại hình giao thông: đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường hàng không, đường hàng hải. Đơn cử, mạng lưới đường thủy nội địa rất tiềm năng, nhưng chưa được phát triển tương xứng. Năng lực và hiệu quả khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt còn ở mức thấp, chưa tương xứng với quy mô khối tài sản được Nhà nước giao.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công thẳng thắn, “chúng ta đang tập trung vào giao thông đường bộ, mà bỏ lơi giao thông đường thủy nội địa. Việc đầu tư đường thủy nội địa rất èo ọt. Đường thủy nội địa mới tập trung vào vận tải hàng hóa như chuyên chở cát... Trong khi nếu quy hoạch tốt giao thông đường thủy nội địa sẽ giảm áp lực cho giao thông đường bộ, giảm chi phí logistics, phí hàng hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”.

 Toàn cảnh cuộc làm việc

Toàn cảnh cuộc làm việc

Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” cũng cho thấy, nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa còn thấp, chỉ chiếm 2,8% tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho ngành giao thông vận tải và chỉ đáp ứng 68% nhu cầu thực tế cho công tác bảo trì đường thủy nội địa hàng năm. Nguồn vốn phục vụ công tác đầu tư, quản lý, bảo trì hạ tầng luồng, tuyến đường thủy nội địa chủ yếu huy động từ nguồn ngân sách nhà nước.

Do vậy, yêu cầu mà các thành viên Đoàn giám sát đặt ra với Chính phủ là phải thực hiện rà soát, tháo gỡ các bất cập liên quan đến hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông, tăng cường kết nối giữa các loại hình vận tải, nâng cao năng lực vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không nhằm giảm áp lực lên kết cấu hạ tầng đường bộ.

Phát triển hạ tầng giao thông trên 5 loại hình đồng bộ, kịp thời hơn

Giải trình tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, trong thời gian tới Chính phủ sẽ nỗ lực phát triển hạ tầng giao thông trên 5 loại hình đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa, hàng không, đường sắt kịp thời hơn, đồng bộ hơn.

Về đường bộ, Bộ trưởng nhấn mạnh, “chưa nhiệm kỳ nào Quốc hội dành nguồn lực lớn như nhiệm kỳ này để đầu tư, hiện thực hóa các tuyến đường cao tốc theo quy hoạch. Trong kế hoạch, đã phấn đấu hết năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, năm 2030 hoàn thành 5.000 km đường cao tốc. Hiện nay, chúng ta đã hoàn thành 2.021 km, mục tiêu đặt ra là hoàn toàn có thể thực hiện được”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm, dành ngân sách nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường thành đường cao tốc và đang triển khai rất quyết liệt. Chỉ riêng nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng là còn gặp khó khăn, hàng năm chỉ dành được 35 - 40% ngân sách để duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường quốc lộ. Vì vậy, Bộ và các địa phương đều phải đặt ra thứ tự ưu tiên, trước hết là xử lý các "điểm đen", chú trọng một số tuyến quốc lộ có lưu lượng giao thông lớn và một số tuyến đường xuống cấp để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, doanh nghiệp.

 Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu, giải trình làm rõ vấn đề Đoàn giám sát quan tâm

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu, giải trình làm rõ vấn đề Đoàn giám sát quan tâm

Về lĩnh vực hàng không, các cảng hàng không đều được đầu tư theo quy hoạch, nhất là cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được triển khai rất quyết liệt. Dự kiến theo quy hoạch sẽ tiếp tục đầu tư và hoàn thiện 10 sân bay mới ở các địa phương. Bộ và các địa phương đang phối hợp để thu hút các nhà đầu tư, cùng với đó là một phần hỗ trợ của ngân sách Nhà nước.

Trong lĩnh vực hàng hải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng các cảng. Chúng ta có hai cảng biển nằm trong Top 30 cảng của thế giới là: Cảng Lạch Huyện và Cảng Cái Mép - Thị Vải. Một số cảng biển đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư và rất mừng chúng ta không phải dùng ngân sách nhà nước, vì các cảng biển nằm trong quy hoạch đều nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư uy tín trên thế giới.

Nhấn mạnh đường thủy nội địa phải gắn với hàng hải, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận, đúng là trước đây, chúng ta không quan tâm nhiều đến phát triển, hoàn thiện hệ thống đường thủy nội địa, trong khi đây là lợi thế “trời cho”.

Trong nhiệm kỳ này, Bộ Giao thông Vận tải cực kỳ quan tâm đến đường thủy nội địa gắn với phát triển các cảng biển. Trong chỉ đạo của Bộ cũng đã thể hiện rõ quan điểm, tất cả các đường thủy nội địa sẽ được đầu tư để kết nối với các cảng biển. Do đó, tất các cảng biển phải có bến thủy nội địa, cảng thủy nội địa để hàng hóa từ các nơi đi đường thủy sẽ dễ dàng kết nối ra thế giới và ngược lại. Khẳng định quan điểm này song cái khó, theo Bộ trưởng là phải "thực hiện nâng tĩnh không các cầu bắc qua các tuyến sông, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long”.

Lưu ý đầu tư cho đường sắt có đặc thù là chi phí đầu tư rất lớn, Bộ trưởng thừa nhận, dù quy hoạch có, nhưng chúng ta không có đủ nguồn lực. Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28.2.2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Như vậy, về chủ trương là rất thuận lợi để chúng ta triển khai nhiều dự án đường sắt. Tiền đề đầu tư vào nhiệm kỳ tới là tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam và chúng ta cũng hiện thực hóa để mở tuyến đường sắt để kết nối với Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, ở cả 5 lĩnh vực giao thông không thể chỉ dùng ngân sách để hoàn thành quy hoạch mà phải xã hội hóa. Quan tâm có cơ chế, chính sách thu hút nguồn vốn của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt đối với các tuyến đường sắt đô thị, phải "làm tới đâu, chắc tới đó". Chúng ta đã có bài học kinh nghiệm, không thể để mất quá nhiều thời gian như trước.

Trên cơ sở đánh giá, nhìn nhận lại sự phát triển của 5 loại hình giao thông, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Chính phủ sớm khắc phục tình trạng mất cân bằng phát triển giữa 5 loại hình này. Đồng thời, căn cứ vào từng loại hình giao thông để đưa ra các giải pháp đặc thù, cụ thể nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho từng loại hình.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/som-khac-phuc-tinh-trang-mat-can-doi-phat-trien-giua-cac-loai-hinh-giao-thong-post390349.html