Sớm nâng hạng thị trường chứng khoán, 'hút' nhà đầu tư nước ngoài

Thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức xếp hạng, nhà đầu tư quốc tế lớn và các thành viên thị trường để triển khai giải pháp sớm nâng hạng thị trường chứng khoán để thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo dự báo mới nhất của SHS Research, trường hợp tích cực nếu VN-Index phục hồi tốt ở vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.270 - 1.275 điểm, thì khả năng quay trở lại kiểm tra vùng khá 1.300 điểm vẫn có thể xảy ra.

Theo dự báo mới nhất của SHS Research, trường hợp tích cực nếu VN-Index phục hồi tốt ở vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.270 - 1.275 điểm, thì khả năng quay trở lại kiểm tra vùng khá 1.300 điểm vẫn có thể xảy ra.

Niềm tin của nhà đầu tư dần khôi phục

Tại Hội nghị sơ kết Bộ Tài chính diễn ra ngày 15/7, đại diện Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước cho biết: Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) đã trải qua nhiều phiên tăng giảm đan xen, nhìn chung tiếp tục xu hướng phục hồi so với năm 2023.

“Điều này có được là nhờ công tác điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ được kỳ vọng sẽ hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo hiệu ứng tích cực đối với thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, việc quản lý hoạt động chứng khoán và các giải pháp nâng hạng thị trường tích cực được triển khai khiến niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường dần khôi phục”, đại diện UBCK cho biết.

Điểm đáng chú ý trong thời gian qua là có phiên ngày 29/3, chỉ số VN-Index đạt 1.284,09 điểm, tăng 13,6% so với cuối năm 2023; chỉ số HNX-Index đạt 242.58 điểm, tăng 5% so với cuối năm 2023.

Giao dịch khối ngoại vẫn là một “nốt trầm” của thị trường chứng khoán từ ngày 8 - 12/7.

Giao dịch khối ngoại vẫn là một “nốt trầm” của thị trường chứng khoán từ ngày 8 - 12/7.

Tuy nhiên, bước sang quý II/2024, TTCK Việt Nam lại trải qua nhiều phiên giảm điểm đặc biệt trong giai đoạn từ đầu tháng 4 đến hết ngày 23/4, trước tác động của nhiều yếu tố trong và ngoài nước. Trên thế giới, tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì ở mức thấp, đặc biệt khu vực EU; căng thẳng chính trị, xung đột quân sự leo thang tại Trung Đông.

Theo UBCK, tại thị trường trong nước, chênh lệch lãi suất USD-VND vẫn ở mức cao, áp lực tỷ giá gia tăng trong thời gian qua làm gia tăng lo ngại về khả năng đổi chiều chính sách tiền tệ. Dưới góc độ kỹ thuật, chỉ số VN-Index ở mức 1280 – 1300 vẫn đang là rào cản tâm lý đối với các nhà đầu tư trên thị trường.

Sau những phiên giảm điểm điều chỉnh ngắn hạn theo chu kỳ kinh tế của TTCK dưới các áp lực kinh tế - chính trị trên thế giới đầu quý II/2024, TTCK Việt Nam đã hồi phục tích cực trở lại trước sự khởi sắc của các TTCK thế giới, kết quả kinh doanh Quý I tăng trưởng tích cực của các doanh nghiệp niêm yết trong nước được công bố.

Kết thúc phiên ngày 28/6, chỉ số VN-Index đạt 1.245,32 điểm, tăng 10,2% so với cuối năm 2023; chỉ số HNX-Index đạt 237,59 điểm, tăng 2,8% so với cuối năm 2023.

Song song với diễn biến của điểm chỉ số, thanh khoản thị trường liên tục tăng trưởng trong quý I/2024 với giá trị giao dịch bình quân đạt 23.895 tỷ đồng/phiên, tăng 35,5% so với năm 2023. Thanh khoản thị trường tháng 4/2024 giảm nhẹ so quý I/2023 và hồi phục trở lại từ tháng 5/2024. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị giao dịch bình quân đạt 24.598 tỷ đồng/phiên, tăng 39,9% so với bình quân năm 2023.

Thị trường chứng khoán trong nước trong tuần qua (từ ngày 8 – 12/7) diễn biến giằng co trong biên độ hẹp. Chỉ số VN-Index điều chỉnh giảm không đáng kể so với tuần trước dù trong tuần có 3 phiên giảm liên tiếp. Thị trường đang cho thấy sự tích lũy khá tích cực trong bối cảnh nhà đầu tư ngóng chờ thông tin kết quả kinh doanh quý II/2024. Nếu không có thông tin tiêu cực bất thường, nhiều ý kiến dự báo: VN-Index vẫn có nhiều cơ hội hướng trở lại mốc 1.300 điểm. Tuy nhiên vấn đề bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK trong thời gian qua được dư luận đặc biệt quan tâm.

Từng trả lời vấn đề này, ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch UBCK cho biết: Đúng là có hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài bỏ cổ phiếu trên thị trường. Hiện, số lượng tỉ lệ nắm giữ của nhà đầu tư ngoài trên thị trường Việt Nam là 46 - 49 tỉ USD, trên 16% tổng vốn hóa trên thị trường. Việt Nam là thị trường có hạn chế về đầu tư nước ngoài nhưng tổng sở hữu vốn hóa của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tin tưởng, nắm nhiều nhất quanh khu vực Đông Nam Á.

“Hiện tượng rút vốn thời gian qua không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà còn có Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan… Có thể thấy rõ, lãi suất đồng USD duy trì quá cao, khi đồng USD tăng giá, đồng Việt Nam hoặc các đồng tiền khác trong khu vực có sự mất giá. Do vậy, một số quỹ thay đổi kế hoạch, chiến lược, để đầu tư vào thị trường ít rủi ro hơn, có cơ hội lớn hơn trong ngắn hạn”, ông Bùi Hoàng Hải cho biết.

Lý do thứ hai được đại diện UBCK lý giải là: Tỷ giá trên thị trường tương đối cao so với thị trường trong khu vực. Do vậy, giá trị bán ròng không bằng giá trị cổ phiếu của TTCK tăng từ đầu năm. Một số quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi, họ sẽ duy trì tỉ trọng nào đó với thị trường. Khi giá trị thị trường tăng lên, họ sẽ bán để đảm bảo mục tiêu đầu tư của quỹ. Ngoài ra, một số quỹ hết thời gian nên họ rút ra. “Câu chuyện bán ròng, rút vốn chưa phải hiện tượng tạo ra dư luận tiêu cực”, lãnh đạo UBCK khẳng định.

Bệ đỡ quan trọng nhất của thị trường chứng khoán là tính ổn định vĩ mô

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, bệ đỡ quan trọng nhất của TTCK là tính ổn định vĩ mô của nền kinh tế. “Nhìn ra kinh tế khu vực và toàn cầu với những biến động và khó khăn trong những năm qua, kinh tế Việt Nam vẫn giữ ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô. Vì vậy, không có cơ sở nào khiến TTCK của Việt Nam lại có rủi ro cao”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Ông Nguyễn Đức Chi cho rằng: Hiện tượng các quỹ nước ngoài có sự điều chỉnh cơ cấu danh mục đầu tư là chuyện bình thường. Việt Nam vẫn tiếp tục giữ được kinh tế vĩ mô và sự phát triển hoạt động kinh doanh ổn định của doanh nghiệp niêm yết.

Đề cập về TTCK phát triển thời gian tới, ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng Phòng Phân tích chiến lược, Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng: Nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi và phục hồi khá tốt. kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có sự cải thiện trong giai đoạn tới.

“Các ngành có thể ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng có thể kể đến như: Vật liệu xây dựng, hàng không, công nghệ thông tin, dầu khí… Tuy nhiên, giá cổ phiếu một số ngành đã phản ánh sự tích cực này nên cơ hội đã bị thu hẹp đi khá nhiều. Một số nhóm cố phiếu có thể bứt phá trong những tháng cuối năm 2024 có thể là vật liệu xây dựng, hàng không, bất động sản khu công nghiệp. Thêm vào đó, việc tăng cường đầu tư công cũng sẽ là động lực không nhỏ với ngành này”, đại diện Công ty KIS Việt Nam nhận định.

Nhiều ý kiến cho rằng: Sự phục hồi của nền kinh tế là động lực chính giúp TTCK tiếp tục sự tăng trưởng từ nay tới cuối năm. Nhằm đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt, ổn định, minh bạch của TTCK, thời gian tới, UBCK sẽ hoàn thiện khung pháp lý về chính sách phát triển thị trường, trong đó tập trung rà soát Luật Chứng khoán, các Nghị định và Thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực chứng khoán

“Tăng cường giám sát chặt chẽ thông tin, chống các tin đồn thất thiệt trên TTCK, đặc biệt các tin đồn, tin xấu nhằm trục lợi, gây bất ổn tâm lý trên thị trường; xử nghiêm một số vụ việc điển hình nhằm tạo tính răn đe, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường”, đại diện UBCK chia sẻ.

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/som-nang-hang-thi-truong-chung-khoan-hut-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-20240715160333414.htm