Chủ Circle K muốn mua công ty đứng sau 7-Eleven

Đây có thể là thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn nhất của một doanh nghiệp nước ngoài với công ty Nhật Bản.

 7-Eleven là chuỗi cửa hàng tiện lợi có mặt tại nhiều quốc gia. Ảnh: Reuters.

7-Eleven là chuỗi cửa hàng tiện lợi có mặt tại nhiều quốc gia. Ảnh: Reuters.

Nguồn tin của Nikkei Asia cho hay Seven & i Holdings (Nhật Bản), đơn vị điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven, đã nhận được lời đề nghị mua lại từ Alimentation Couche-Tard (trụ sở tại Canada).

Alimentation Couche-Tard có các cửa hàng tiện lợi khắp Bắc Mỹ, Thụy Điển, Phần Lan, Ireland, Ba Lan và các quốc gia khác dưới các thương hiệu Couche-Tard và Circle K. Công ty hiện sở hữu khoảng 17.000 cửa hàng tại 30 quốc gia trên toàn thế giới.

Seven & i xác nhận rằng họ đã nhận được đề xuất sơ bộ từ Alimentation Couche-Tard để mua lại tất cả cổ phiếu đang lưu hành của công ty. Hội đồng quản trị đã thành lập một ủy ban đặc biệt để xem xét đề xuất này.

Vốn hóa thị trường của Seven & i tính đến thời điểm kết thúc tuần trước (ngày 16/8) là khoảng 4.600 tỷ yen (31,5 tỷ USD). Nikkei Asia cho rằng nếu công ty Canada mua 100% doanh nghiệp này, giá trị thương vụ sẽ ở mức ít nhất 5.000 tỷ yen (34,5 tỷ USD).

Nếu giao dịch thành công, đây sẽ là thương vụ M&A lớn nhất của một doanh nghiệp nước ngoài với công ty Nhật Bản.

Tuy nhiên, ngay sau khi có thông tin này, giá cổ phiếu của Seven & i đã tăng vọt 23% trong phiên giao dịch đầu tuần, lên mức 2.161 yen/đơn vị, đưa vốn hóa thị trường của công ty lên 5.600 tỷ yen (38,6 tỷ USD).

Hướng dẫn tiếp quản doanh nghiệp do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đưa ra vào năm 2023 kêu gọi các đề xuất tiếp quản phải được hội đồng quản trị xem xét. Nếu hội đồng quản trị từ chối lời đề nghị, Alimentation Couche-Tard có thể tìm cách khác.

Các công ty Nhật Bản thường quyết định về các đề xuất M&A trong các cuộc thảo luận không chính thức của các giám đốc điều hành cấp cao, mà không tham khảo ý kiến của hội đồng quản trị.

Phản hồi của Seven & i cho thấy sự thay đổi trong các hoạt động M&A tại Nhật Bản, nhằm đảm bảo tính công bằng và minh bạch cho các cổ đông, sau khi METI ban hành hướng dẫn.

Về Alimentation Couche-Tard, công ty này hiện niêm yết trên sàn chứng khoán Toronto với vốn hóa 80 tỷ CAD (tương đương khoảng 58,5 tỷ USD). Họ từng tiếp cận Seven & i và đặt vấn đề mua lại năm 2020.

Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 4 vừa qua, Alimentation Couche-Tard đạt doanh thu 69,2 tỷ USD. Doanh thu của Seven & i trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 2 là 11.000 tỷ yen (tức 75 tỷ USD). Như vậy, nếu sáp nhập thành công, đây sẽ là một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới, với mảng kinh doanh cốt lõi là cửa hàng tiện lợi.

Mục tiêu của Alimentation Couche-Tard dường như là mở rộng khu vực kinh doanh và mạng lưới cửa hàng tại châu Á.

Trong khi đó, Seven & i có 85.000 cửa hàng tiện lợi tại 20 quốc gia và khu vực, và có kế hoạch mở rộng lên 100.000 cửa hàng tại 30 quốc gia và khu vực vào năm 2030. Năm 2021, Seven & i đã mua lại Speedway, công ty điều hành các cửa hàng tiện lợi có trạm xăng tại Mỹ.

Diệu Thanh

Nguồn Znews: https://znews.vn/chu-circle-k-muon-mua-cong-ty-dung-sau-7-eleven-post1492822.html