Sớm nghiên cứu đầu tư tuyến metro kết nối TP.HCM - Bình Dương
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm. Trong đó, hoàn thành thủ tục đầu tư dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, lựa chọn nhà đầu tư trước ngày 30/4/2025; sớm nghiên cứu đầu tư tuyến tàu điện ngầm (metro) kết nối TP.HCM - Bình Dương…
![Thông báo kết luận của Thủ tướng yêu cầu bộ, ngành địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm - Ảnh minh họa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_3_51484258/b8a8391e0a50e30eba41.jpg)
Thông báo kết luận của Thủ tướng yêu cầu bộ, ngành địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm - Ảnh minh họa.
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 43/TB-VPCP ngày 13/2/2025 kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc kiểm tra các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
ĐẨY NHANH LOẠT DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM
Theo đó, Thủ tướng có ý kiến về một số dự án trọng điểm, cụ thể: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân TP.HCM và Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh hoàn thành thủ tục đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư để triển khai trước ngày 30/4/2025.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai và Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu phương án nâng cấp Quốc lộ 51 thành đường cao tốc đô thị để nâng cao năng lực thông hành, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.
Về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan xây dựng đường găng (gantt) tiến độ tổng thể của dự án theo mục tiêu yêu cầu để chào mừng Đại hội XIV của Đảng, các ngày lễ lớn của đất nước. Trong đó, các đơn vị tư vấn tham mưu chủ đầu tư triển khai đồng thời công tác nghiệm thu, kiểm toán dự án.
![Sớm nghiên cứu đầu tư tuyến tàu điện ngầm kết nối TP.HCM - Bình Dương (Hình minh họa do AI thực hiện).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_3_51484258/1a369d80aece47901edf.jpg)
Sớm nghiên cứu đầu tư tuyến tàu điện ngầm kết nối TP.HCM - Bình Dương (Hình minh họa do AI thực hiện).
Đối với dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 31/TB-VPCP ngày 26/1/2025 của Văn phòng Chính phủ về khẩn trương bố trí vốn ngân sách trung ương, các nguồn vốn hợp pháp khác.
Trong đó, nghiên cứu thực hiện các thủ tục rút gọn để sớm khởi công và đưa dự án vào khai thác đồng bộ với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ủy ban nhân dân TP.HCM chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc biệt đầu tư tuyến đường tàu điện ngầm kết nối Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với Cảng hàng không quốc tế Long Thành (nghiên cứu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức "chìa khóa trao tay").
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân TP.HCM, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, triển khai tuyến đường sắt kết nối giữa TP.HCM và Long Thành; Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương sớm nghiên cứu đầu tư tuyến tàu điện ngầm (metro) kết nối TP.HCM từ nhà ga đường sắt Suối Tiên đến Bình Dương.
Ngoài ra, đối với nút giao Tân Vạn (dự án đường Vành đai 3 TP.HCM), Thủ tướng yêu cầu Bình Dương phối hợp TP.HCM và các bộ, ngành lập phương án đầu tư nút giao Tân Vạn, nâng cấp 15,3 km đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đảm bảo đồng bộ với Vành đai 3. Ủy ban nhân dân TP.HCM rà soát, tính toán kỹ các chi phí thực hiện dự án hoàn chỉnh gửi Bộ Giao thông vận tải trước 28/2/2025 để xem xét, quyết định điều chỉnh dự án đầu tư tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025).
HOÀN THIỆN CAO TỐC TỪ CAO BẰNG ĐẾN CÀ MAU CUỐI NĂM 2025
Theo Thông báo số 43/TB-VPCP, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) và dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng là 2 dự án quan trọng với mục tiêu tháo gỡ nút thắt về hạ tầng của tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn.
Thông báo kết luận chỉ đạo của Thủ tướng nêu rõ: “Cao tốc kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc tạo thành hành lang kinh tế cửa khẩu; có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, đặc biệt là các tỉnh biên giới”.
Đồng thời, phải bảo đảm mục tiêu xuyên suốt là thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Nội đến TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau trong năm 2025. Do vậy, 2 dự án này phấn đấu nhất định phải hoàn thành thông tuyến trước ngày 31/12/2025.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn bộ 2 tuyến đường và bàn giao để thi công trong quý 1/2025. Cùng với đó, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng chủ đầu tư, nhà đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng, vệ sinh, an toàn, đảm bảo môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch đẹp.
Theo Bộ Giao thông vận tải, trong thời gian qua, hệ thống đường bộ cao tốc khu vực phía Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, trước khi bước vào nhiệm kỳ 2021 - 2025, toàn khu vực chỉ có 91 km đường cao tốc. Đến nay, các tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, Phan Thiết - Dầu Giây đã được đưa vào khai thác, nâng tổng chiều dài đường cao tốc trong khu vực lên 223km (tăng 132km), đang triển khai xây dựng các tuyến Vành đai 3 - TP.HCM, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, An Hữu - Cao Lãnh, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cần Thơ - Cà Mau, Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi với tổng chiều dài 712 km. Dự kiến đến năm 2026, tổng chiều dài hệ thống đường cao tốc khu vực sẽ đạt 935 km.