Sớm rà soát bất cập để hoàn thiện quy hoạch không gian ngầm
Nhằm tận dụng tối đa nguồn tài nguyên đất đai để phát triển thành phố xanh, sạch, đẹp và bền vững, TP Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch không gian ngầm trung tâm thành phố.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng quy hoạch không gian ngầm liên quan đến nhiều yếu tố, có những yếu tố có thể thay đổi lớn trong tương lai, do đó không thể hoàn chỉnh trong bản quy hoạch lần đầu. Chính vì vậy, cần sớm rà soát những bất cập, khó khăn để đưa ra hướng giải quyết trong các lần quy hoạch bổ sung sau này.
Đô thị đầu tiên phê duyệt quy hoạch không gian ngầm
Ngày 15/3/2022 UBNDTP Hà Nội đã phê duyệt đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cho đến thời điểm hiện nay TP Hà Nội đã là đô thị đầu tiên trong cả nước phê duyệt quy hoạch không gian ngầm.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho hay, bản Quy hoạch được lập trên cơ sở nghiên cứu, điều tra khảo sát điều kiện địa chất, thủy văn, đánh giá hiện trạng công trình ngầm trên địa bàn 20 quận, huyện (diện tích 756km2) trong phạm vi đô thị trung tâm với 615 công trình xây dựng có tầng hầm và 7 lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật.
Quy hoạch đã dự báo nhu cầu sử dụng không gian xây dựng ngầm, phân vùng chức năng để nghiên cứu xây dựng công trình ngầm. Đồng thời, đã định hướng bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm, hệ thống công trình công cộng ngầm tại các khu vực đầu mối giao thông công cộng.
Đặc biệt để đảm bảo tính khả thi, bản quy hoạch cũng đã đề xuất các nguồn lực thực hiện, phân kỳ đầu tư hợp lý và xác định được các yêu cầu quản lý quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị.
Quy hoạch không gian ngầm có vai trò rất quan trọng trong việc mở rộng không gian của thành phố đáp ứng các nhu cầu công năng của thành phố trong điều kiện quỹ đất hạn hẹp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gian cho rằng, quy hoạch không gian ngầm là bài toán khó hơn quy hoạch không gian trên mặt vì liên quan đến rất nhiều yếu tố.
Nhất là trong điều kiện dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch còn thiếu; thể chế, chính sách, pháp luật về khai thác phát triển không gian ngầm, bảo đảm tính đồng bộ với hệ thống pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch cũng chưa đầy đủ; thiếu các hướng dẫn, quy định, tiêu chuẩn quy hoạch không gian ngầm, các quy định sở, ban ngành liên quan.
Chính những bất cập này nên dù thành phố Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch không gian ngầm nhưng cũng chưa thể hoàn thiện ngay mà cần phải tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.
Ưu tiên phát triển giao thông công cộng ngầm
PGS.TS. Đào Viết Đoàn - Khoa Xây dựng, (trường Đại học Mỏ - Địa chất) cho hay, việc khai thác phát triển không gian ngầm là quá trình diễn ra trong khoảng thời gian dài có liên quan đến nhiều yếu tố như điều kiện địa hình, địa chất cấu tạo, địa chất công trình, địa chất thủy văn, Luật Đất đai, mật độ dân số, điều kiện kinh tế - xã hội, các công trình hiện hữu trên mặt và dưới ngầm, các chính sách định hướng phát triển của thành phố, điều kiện mưa lũ, biến đổi khí hậu, dân phòng…
Vì vậy trong quá trình xây dựng phát triển không gian ngầm cần tập hợp nhiều lĩnh vực chuyên môn tham gia trong các giai đoạn, từ đánh giá trữ lượng nguồn tài nguyên, quy hoạch, xây dựng, sử dụng đến phát triển mở rộng sửa chữa cải tạo sau này.
Theo PGS.TS Đào Viết Đoàn, để tháo gỡ những khó khăn trong khai thác phát triển không gian ngầm trước hết cần tiến hành rà soát lại các quy định về Luật Đất đai, về đền bù giải phóng mặt bằng, quy định về đánh giá trữ lượng, quy hoạch, xây dựng, sử dụng, quản lý, sửa chữa, khôi phục, cải tạo không gian ngầm để xây dựng thể chế chính sách, pháp luật, ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn, tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Ngoài ra, việc khai thác phát triển không gian ngầm thành phố Hà Nội là bài toán khó, vì tính đặc thù của thành phố nên không thể áp dụng khuôn hình mẫu đã có trên thế giới.
“Khi điều chỉnh, bổ sung quy hoạch không gian ngầm thành phố Hà Nội cần bố cục tổng thể không gian ngầm của thành phố để hài hòa giữa không gian trên mặt và không gian ngầm, thuận lợi khai thác các công năng trên mặt và công năng dưới ngầm, ưu tiên phát triển các loại hình công trình ngầm phục vụ giao thông công cộng như: hệ thống đường hầm tàu điện ngầm và hệ thống thoát nước mặt” - PGS.TS. Đào Viết Đoàn nêu khuyến nghị.
Hà Nội đang lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Theo TS.KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh, trong các bản quy hoạch cần xem xét không gian ngầm là một nội dung trọng điểm, nhấn mạnh phát triển hạ tầng ngầm, từ giao thông đến hệ thống thương mại, dịch vụ. Đây là một không gian rất quan trọng phát triển Hà Nội trong tương lai, nhất là giải pháp chính cho vấn đề giao thông của TP.
Cùng bàn đến phát triển không gian ngầm, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục hạ tầng đô thị, Bộ Xây dựng nêu góp ý, tại các đồ án quy hoạch lớn Hà Nội đang lập nên xác định cụ thể vùng cấm, vùng hạn chế xây dựng các công trình ngầm.
Cùng đó, xây dựng chiến lược tổng thể quản lý, khai thác sử dụng không gian ngầm; xây dựng hoặc hoàn thiện các cơ chế, chính sách tài chính huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển không gian ngầm.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/som-ra-soat-bat-cap-de-hoan-thien-quy-hoach-khong-gian-ngam.html