Sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh kinh tế thế giới giảm tốc, thu hẹp thị trường xuất khẩu đã dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải giãn việc, nghỉ việc, dừng sản xuất. Sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang là yêu cầu cấp bách, cần thiết để doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn này.
Doanh nghiệp đang “kiệt sức”
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp thành lập mới của tỉnh là 113 doanh nghiệp (giảm 22,6% so với cùng kỳ năm 2022) với tổng số vốn đăng ký là 879,419 tỷ đồng (giảm 33,95% so với cùng kỳ năm 2022); 12 doanh nghiệp giải thể, bằng cùng kỳ năm 2022; doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 127 doanh nghiệp, tăng 6,72% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế đến thời điểm 15-6-2023, trên địa bàn tỉnh có 2.474 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 28.419,85 tỷ đồng (bao gồm 15 doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài). Số doanh nghiệp ngừng hoạt động lớn hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Nhưng đó không phải là dấu hiệu đáng lo ngại duy nhất.
Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cho biết: Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, nhu cầu từ thị trường nước ngoài cũng như trong nước thấp, dẫn tới số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh. Giá trị tăng thêm các ngành công nghiệp quý I giảm 0,82% so với cùng kỳ năm 2022, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011 - 2023.
Tuyên Quang cũng thế, các doanh nghiệp đang “kiệt sức” vì thiếu đơn hàng xuất khẩu, thị trường tiêu thụ trong nước, trong tỉnh ảm đạm; thiếu vốn, lãi suất ngân hàng cao; một số cơ chế chính sách vướng mắc, thủ tục hành chính và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp triển khai chậm…dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải giãn việc, nghỉ việc, ngưng sản sản xuất, rút lui khỏi thị trường.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thì đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 1/3 doanh nghiệp giải thể, 1/3 thua lỗ, chỉ 1/3 doanh nghiệp có đóng góp vào ngân sách Nhà nước.
Những ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính ở Hoa Kỳ, EU,.. như dệt may, da giày, gỗ, thủy sản có mức sụt giảm nhiều nhất. Ngoài ra, một số ngành hàng như thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại. Vấn đề chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao cũng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Trong khi ấy, doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu nhỏ và siêu nhỏ nên thị trường “rung lắc”, doanh nghiệp cũng “chao đảo”.
Sớm có hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp
Theo Cục thống kê tỉnh, 5 tháng đầu năm 2023, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: Điện thương phẩm tăng 3,85%, bột ba rít tăng 9,4%, bột Felspat tăng 15,18%, nước máy thương phẩm tăng 4,68%, giấy in viết, photo thành phẩm tăng 26,45%, gỗ tinh chế tăng 6,54%, thép cây, thép cuộn đạt tăng 40,02%,... Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu giảm so với cùng kỳ năm trước như: Điện sản xuất giảm 31,31%, hàng may mặc xuất khẩu giảm 29,43%, xi măng giảm 15,36%, chè chế biến giảm 4,72%g, giày da giảm 1,67%...
Ông Lê Danh Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần xi măng Tân Quang cho biết, sản xuất 6 tháng của đơn vị không đạt kế hoạch, dự kiến hụt khoảng 80.000 tấn do không có đầu ra. Hiện đơn vị nghỉ sản xuất để bảo dưỡng máy móc. Sản xuất chỉ ổn định trở lại khi thị trường xây dựng ấm lên và đầu tư công phải được đẩy mạnh hơn nữa. Mong rằng Chính phủ cũng như tỉnh sớm triển khai những hỗ trợ theo Nghị Quyết 58/NQ-CP ngày 21- 4 - 2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục vụ nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Không chỉ khó đầu ra, mà các điều kiện sản xuất cũng đang gặp khó. Ông Lê Văn Quyền, Giám đốc Công ty TNHH Long Thắng (Sơn Dương) chia sẻ, chưa khi nào mà hoạt động doanh nghiệp cùng lúc gặp nhiều khó khăn như bây giờ. Cả 3 lĩnh vực hoạt động của đơn vị đều có những vướng mắc. Sản phẩm gạch tuynel không có đầu ra, sản xuất ván ép công nghiệp xuất khẩu thiếu vốn và logistics...
Duy trì được hoạt động của doanh nghiệp đang là thách thức. Lúc này, doanh nghiệp rất cần sự giúp sức từ các cấp chính quyền, tháo gỡ những vướng mắc như xem xét việc dùng sản phẩm vật liệu xây dựng địa phương vào các công trình đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn; có những giải pháp giải quyết về mỏ đất đắp cho các công trình và cải cách mạnh hơn nữa về thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí không cần thiết, tập trung khôi phục sản xuất.
Đứng trước những khó khăn chung, khó khăn riêng, các doanh nghiệp đang gồng mình để duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Theo ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chính phủ và các bộ ngành phải thống nhất, chuẩn hóa các quy định pháp luật, bảo đảm không chồng chéo để doanh nghiệp không vướng mắc về chính sách. Đồng thời triển khai sớm các chính sách hỗ trợ về dòng tiền, giãn nợ, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất kịp thời, kéo dài thời gian trả nợ. Có như vậy, doanh nghiệp mới có đủ sức đầu tư duy trì sản xuất.