Sớm tháo gỡ những khác biệt trong quản lý thuốc lá thế hệ mới
Đã 6 năm trôi qua kể từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương đề xuất chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới vào năm 2017, nhưng đến nay, chính sách này vẫn đang dừng lại ở bước thảo luận giữa các bộ, ngành.
Theo giới chuyên gia, rào cản dẫn đến sự chậm trễ này nằm ở sự khác biệt quan điểm giữa các cơ quan tham mưu cho Chính phủ. Do vậy, để sớm quản lý thuốc lá thế hệ mới, không thể thiếu sự thống nhất quan điểm giữa các bên.
Cấm hay quản lý?
Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2020, Bộ Công Thương đã đề xuất phương án quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) bao gồm thuốc lá làm nóng (TLLN), thuốc lá điện tử (TLĐT), tuy nhiên giữa các bộ, ngành vẫn còn có một số ý kiến khác nhau. Cụ thể, có nhiều ý kiến ủng hộ việc cho phép thương mại hóa TLTHM dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Luật Đầu tư, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL). Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng đây là những sản phẩm có hại không kém so với thuốc lá điếu, nên cần cấm.
Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên đối diện với vấn đề này. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có 184 trong 193 quốc gia thành viên của WHO công nhận và quản lý TLLN theo luật hiện hành, 79 nước đồng ý hợp pháp hóa TLĐT. Do đó, để quyết định cấm hay quản lý, cần tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước, kết hợp với đánh giá điều kiện thực tiễn trong nước.
Bài học điển hình gần đây nhất là Thái Lan - quốc gia đang cân nhắc gỡ bỏ lệnh cấm suốt 9 năm qua với TLTHM sau khi ghi nhận nhiều hệ lụy từ chính sách này. Cụ thể, khi bị cấm, số vụ buôn lậu TLTHM trực tuyến đã tăng 97% chỉ trong quý 3 năm ngoái. Chính sách cấm của Thái Lan còn gây trở ngại cho ngành du lịch nước này khi nhiều du khách vô tình mang theo TLĐT lúc nhập cảnh.
Tình trạng buôn lậu TLTHM cũng xảy ra tương tự tại Singapore. Theo Cơ quan Quản lý Sức khỏe (HSA), số người vi phạm lệnh cấm sử dụng và sở hữu TLĐT đã tăng cao gấp 4 lần trong vòng 3 năm qua.
Ngược lại, các quốc gia đưa TLTHM vào quản lý dưới sự kiểm soát của Chính phủ đã gặt hái được một số kết quả đáng ghi nhận.
Cơ quan y tế của Chính phủ và hiệp hội nghề nghiệp tại Anh và New Zealand khẳng định, các sản phẩm TLTHM dù không hoàn toàn vô hại, nhưng có thể đóng góp tích cực vào mục tiêu sức khỏe cộng đồng.
Ngoài Anh và New Zealand, Chính phủ nhiều nước khác tại châu Âu, Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… cũng ủng hộ và đưa TLTHM vào quản lý từ lâu.
Đặc biệt tại Nhật Bản, kể từ khi TLLN được đưa vào kinh doanh chính thức vào năm 2015, lượng thuốc lá điếu tiêu thụ tại Nhật Bản đã giảm 44% trong 5 năm, biến Nhật Bản trở thành quốc gia điển hình thực hiện thành công chiến lược “thuốc lá không khói”.
Nhiều cơ quan y tế công cộng trên toàn cầu đã nghiên cứu và công bố nhiều bằng chứng cho thấy các sản phẩm thuốc lá không khói giúp giảm hơn 95% hàm lượng các tác nhân gây ung thư so với các sản phẩm đốt cháy .
Nếu không thể cấm, cần sớm thống nhất quan điểm để quản lý
Theo các chuyên gia, Luật Đầu tư đã nêu rõ, thuốc lá là ngành hàng kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam. Do đó, nếu TLTHM được xác định là thuốc lá thì cấm là điều không khả thi, chưa kể pháp luật kiểm soát cũng đã sẵn sàng điều chỉnh, cụ thể là Luật PCTHTL.
Theo ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, bất kỳ sản phẩm TLTHM nào đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của một sản phẩm thuốc lá như quy định của Luật hiện hành, thì có thể quản lý ngay mà không cần phải thí điểm, bằng việc sửa đổi Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá.
Trong vai trò quản lý thị trường, ông Kiều Dương, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương góp ý : “Khi chưa có quan điểm dứt khoát thì việc xử lý TLTHM trong nội địa tương đối khó khăn. Trong bối cảnh hiện nay, nên có cách tiếp cận mở hơn, phải tìm cách quản lý, có khung pháp luật phù hợp để điều chỉnh”.
Cách tiếp cận cởi mở mà ông Dương đề cập đã được minh chứng, khi ngày càng có nhiều nước bãi bỏ lệnh cấm và tiến tới quản lý TLTHM. Cụ thể, vào tháng 1 vừa qua, Đài Loan đã thông qua đề xuất sửa đổi Đạo luật PCTHTL, trong đó cho phép và yêu cầu các sản phẩm TLLN phải tuân thủ luật quản lý hiện hành, đồng thời nâng độ tuổi hợp pháp để mua thuốc lá lên 20. Đạo luật sửa đổi này cũng nêu rõ, những người sử dụng các sản phẩm TLLN hoặc TLĐT không được chính quyền phê duyệt trước sẽ bị phạt từ 2.000-10.000 Đài tệ (tương đương khoảng 2-8 triệu đồng).
Những thực tiễn trên cho thấy, việc kiểm soát và giám sát nghiêm ngặt mới là “hàng rào thép” kiên cố để ngăn chặn tình trạng lạm dụng TLTHM, phòng tránh tội phạm buôn lậu, ngăn chặn giới trẻ tiếp xúc cũng như sớm đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá mà WHO đề ra.
Vì vậy, nhiều bộ, ngành đã lên tiếng mong mỏi các bên liên quan cần thống nhất quan điểm, đề ra phương án quản lý phù hợp để sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành. “Khi chúng ta có luật, sẽ thôi lăn tăn giữa hai quan điểm”, ông Lê Đại Hải đúc kết.