Sớm thông qua '1 luật sửa 4 luật': Gỡ nhiều nút thắt về phát triển kinh tế

Các đại biểu cho rằng dự án '1 luật sửa 4 luật' càng sớm được thông qua sẽ giúp tháo gỡ các vướng mắc, nút thắt trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay.

Chiều 21-6, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án “1 luật sửa 4 luật”, tức Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Cả bốn luật trên, đặc biệt là Luật Đất đai phân cấp rất mạnh cho các địa phương, do đó UBND, HĐND sẽ phải ban hành rất nhiều nghị quyết, quyết định để triển khai luật. Tuy nhiên, hiện các địa phương đang chờ Chính phủ, các bộ, ngành liên quan ban hành nghị định, thông tư triển khai luật rồi mới ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của mình. Đây cũng là nội dung được các đại biểu (ĐB) QH quan tâm thảo luận.

 ĐB Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị. Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐB Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị. Ảnh: PHẠM THẮNG

Khắc phục tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh

Góp ý cho dự luật, ĐB Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, chia sẻ từ thực tiễn điều hành ở địa phương thì “chúng tôi càng mong muốn các luật này sớm đi vào cuộc sống”.

ĐB Đồng cho rằng các luật hiện hành có sự chồng chéo, mâu thuẫn hay cách hiểu, cách thực hiện còn quá nhiều bất cập. Nhiều cán bộ nhà nước vi phạm pháp luật, vướng vào vòng lao lý hay tình trạng né tránh, đùn đẩy sợ trách nhiệm… cũng có một phần từ những bất cập đó.

Ông lưu ý những vấn đề được chỉ ra trong báo cáo thẩm tra về dự luật của Ủy ban Kinh tế cần được quan tâm đầy đủ. Đặc biệt là phải nhận diện, đánh giá sự ảnh hưởng, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là phản ứng, tâm lý của xã hội.

Cũng theo ông Đồng, Chính phủ khẳng định có đầy đủ cơ sở để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật được ban hành đảm bảo tiến độ, chất lượng để triển khai thi hành khi có hiệu lực từ ngày 1-8 tới.

“Tất nhiên, đây được coi là điểm tựa để các ĐB bấm nút thông qua việc có hiệu lực sớm. Điều tôi băn khoăn là tiến độ ban hành các văn bản đó phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị của các bộ, ngành” - ông Đồng nói.

Theo ĐB đoàn Quảng Trị, việc Chính phủ đề xuất và phải chịu trách nhiệm là đúng nhưng mỗi ĐBQB khi đã “bấm nút” cũng phải có trách nhiệm với quyết định của mình. “Trước khi thông qua luật, cơ quan soạn thảo nên gửi tới QH những vấn đề có thể phát sinh khi các luật trên có hiệu lực sớm. Nếu có thì giải quyết thế nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết” - ông Đồng đề nghị.

Các địa phương cần chủ động hơn

Ủng hộ dự án “một luật sửa bốn luật” sớm được thông qua, tuy nhiên ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng Chính phủ cần làm rõ tiến độ, lộ trình xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành thuộc trách nhiệm của địa phương.

Đồng thời, đánh giá rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh, khoảng trống pháp lý hoặc có thể xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, ảnh hưởng đến đối tượng bị tác động của việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực và điều khoản chuyển tiếp.

“Tờ trình của Chính phủ khẳng định có đầy đủ cơ sở để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn đúng tiến độ. Tuy nhiên, đến nay đã hơn một tháng, chưa có thêm văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành” - ông Hòa băn khoăn và đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, chất lượng.

 Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) tại phiên thảo luận chiều 21-6. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) tại phiên thảo luận chiều 21-6. Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cũng ủng hộ việc sớm đưa luật đi vào cuộc sống, tuy nhiên cũng bày tỏ băn khoăn khi đến ngày 18-6 mới chỉ có một nội dung được quy định chi tiết, còn 28 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản chưa được ban hành. Bên cạnh đó, nhiều nội dung giao chính quyền địa phương quy định chi tiết trong khi văn bản của Trung ương chưa ban hành.

ĐB này cũng đề nghị đánh giá tác động lợi ích, rủi ro, phương án giải quyết khi dự án luật này có hiệu lực sớm hơn, lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động, ảnh hưởng trực tiếp, nhất là các doanh nghiệp, tổ chức và các địa phương.

“Tôi kiến nghị Ủy ban Thường vụ QH có hai phương án khảo sát, lấy ý kiến ĐBQH trước khi QH thông qua” - bà nói và đề xuất QH có thể họp bất thường theo hình thức trực tuyến sau kỳ họp thứ bảy để xem xét, thông qua nội dung này một cách chất lượng và khả thi.

 ĐB Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương). Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐB Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương). Ảnh: PHẠM THẮNG

Dự trù những rủi ro và phương án ứng phó

ĐB Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho rằng hiện có những doanh nghiệp FDI muốn mở rộng sản xuất nhưng phải dừng lại vì vướng luật. Các doanh nghiệp FDI đã có kế hoạch bố trí vốn, chỉ cần chậm trễ có thể dẫn tới tái cơ cấu hoặc chuyển đổi khu vực đầu tư. “Bởi vậy, việc ban hành luật càng sớm sẽ càng tốt” - ông Huân khẳng định.

Tuy nhiên, ông cũng đặt vấn đề là nếu Trung ương chưa hướng dẫn thì địa phương lấy đâu căn cứ để thực hiện? Từ đó, ông đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành các nghị định để các địa phương yên tâm, tổ chức tập huấn đồng loạt để hoàn thành hướng dẫn ở địa phương.

“Chính phủ cũng nên dự trù các rủi ro nảy sinh và cách ứng phó. Không thể nói chung chung rằng Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm. Khi thực hiện có thể có những cái vướng, phải ứng phó rủi ro. Cả QH, Chính phủ, địa phương cần chung tay vào giải quyết” - ông Huân cho hay.

Chính phủ đã chuẩn bị kỹ lưỡng

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh các ý kiến thảo luận tại tổ của các ĐB hết sức tâm huyết và trách nhiệm. Đa số ý kiến của các ĐB đồng tình cao với hồ sơ Chính phủ trình và mong muốn các dự luật sớm có hiệu lực. “Các luật này với nhiều chính sách mới sẽ góp phần giải quyết những tồn đọng, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội lâu nay” - ông Khánh nói.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh tại phiên thảo luận chiều 21-6. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng Bộ TN&MT nói khi làm luật đã chỉ rõ những nội dung gì triển khai được ở địa phương, cơ sở thì cho thực hiện ngay. Hiện đa số các điều luật của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã quy định khá cụ thể. Có nhiều nội dung trước đây nằm trong thông tư, nghị định thì bây giờ đã cụ thể hóa trong luật. Vì vậy rất nhiều nội dung thực hiện ngay mà không phải văn bản hướng dẫn.

“Song song với quá trình hoàn chỉnh, chỉnh lý các luật, chúng ta đã dự thảo các nghị định, văn bản hướng dẫn luật đi cùng” - bộ trưởng Bộ TN&MT nói.

Liên quan đến các nghị định, quy định hướng dẫn của các địa phương, ông Khánh cho biết ngay từ khi QH bấm nút thông qua Luật Đất đai từ tháng 1-2024, Chính phủ và đặc biệt là Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, cơ quan soạn thảo bắt tay vào việc hoàn chỉnh các nghị định, thông tư.

“Có nghĩa là từ khi QH bấm nút thông qua Luật Đất đai, cơ quan soan thảo và các cơ quan đã làm các nghị định, thông tư theo quy định. Cho nên ở đây không rút gọn quy trình. Chỉ rút gọn về mặt hiệu lực thời gian, còn quy trình và chất lượng của các nghị định, thông tư không rút gọn” - ông Khánh nhấn mạnh.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/som-thong-qua-1-luat-sua-4-luat-go-nhieu-nut-that-ve-phat-trien-kinh-te-post796809.html