Sớm xây dựng đề án đưa Đại học Huế thành Đại học Quốc gia
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc trực tuyến với tỉnh Thừa Thiên-Huế vào chiều 30/9 về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW, trong đó gắn nhiều nhiệm vụ liên quan đến Đại học (ĐH) Huế, đặc biệt là xây dựng trung tâm giáo dục .- đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở phát triển ĐH Huế trở thành ĐH Quốc gia, phấn đấu nằm trong tốp 300 các trường ĐH hàng đầu châu Á...
Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế, để thực hiện các nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết 54, ngay trong Đại hội đại biểu Đảng bộ ĐH Huế, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ĐH Huế đã xác định mục tiêu của nhiệm kỳ mới là xây dựng, phát triển ĐH Huế thành ĐH Quốc gia theo định hướng nghiên cứu, phấn đấu đến năm 2025 ở trong tốp 300 các trường ĐH hàng đầu châu Á và 1.000 trường ĐH thế giới, trở thành trung tâm giáo dục đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. ĐH Huế xác định lộ trình cụ thể, đến năm 2025 có từ 150 – 155 ngành đào tạo ĐH, 95 - 100 ngành đào tạo thạc sĩ, 55 - 60 ngành đào tạo tiến sĩ…
Ngoài duy trì tính đa lĩnh vực, đến năm 2021, ĐH Huế đã phát triển lên 146 ngành đào tạo ĐH, 92 ngành đào tạo thạc sĩ và 56 ngành đào tạo tiến sĩ; 63 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và II; 12 ngành đào tạo bác sĩ nội trú.
Sinh viên Đại học Y Dược Huế - Đại học Huế tham gia lấy mẫu xét nghiệm cho người dân TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Nhằm đón đầu nhu cầu xã hội, thời gian gần đây, ĐH Huế đã mở thêm các ngành mới như: Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Kinh tế quốc tế, Quan hệ quốc tế, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Nông nghiệp công nghệ cao, Quản trị và phân tích dữ liệu và Hộ sinh là một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển ngành nghề mới. ĐH Huế cũng đang tập trung phát triển Trường ĐH Y Dược theo mô hình “Trường - Viện” cấp quốc gia và hướng tới đạt chuẩn quốc tế; Bệnh viện Trường ĐH Y Dược đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á, tiến tới đạt chuẩn quốc tế về y tế của các nước phát triển… Lãnh đạo ĐH Huế cho biết, đơn vị đã triển khai nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao; chương trình kỹ sư, cử nhân tài năng; chương trình tiên tiến; đã có 17 chương trình liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH với các đối tác Áo, Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Belarus, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Phần Lan và Ailen… Về đảm bảo chất lượng giáo dục và xếp hạng ĐH, 7/8 trường ĐH thành viên và một số chương trình đào tạo đã được kiểm định đạt chuẩn quốc gia.
Theo kết quả xếp hạng ĐH châu Á 2021 (QS Asia Rankings 2021), ĐH Huế được xếp vào nhóm 401-450 ĐH hàng đầu của châu Á, xếp thứ 6 trong 11 cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam góp mặt trong danh sách. Dù dịch bệnh có tác động đến tâm lý chọn ngành chọn nghề, song 2 năm nay, ĐH Huế vẫn thu hút được số lượng sinh viên và học viên sau ĐH, số lượng tăng khoảng 10-15%.Trong bối cảnh liên kết các vùng kinh tế, hội nhập quốc tế, ĐH Huế có đủ tiềm năng nhân lực để hỗ trợ các trung tâm vùng như ở miền Trung - Tây nguyên để thúc đẩy và phát triển đất nước ở các lĩnh vực: Logistics, tài nguyên biển đảo, năng lượng sạch, công nghệ sinh học biển và rừng, phát triển nông thôn, chế biến nông sản, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế số.
Tại buổi làm việc với ĐH Huế về tiến độ triển khai Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển ĐH Huế thành ĐH Quốc gia vào giữa tháng 9/2021, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế cũng yêu cầu, ĐH Huế cần nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển thành ĐH Quốc gia; chủ động sắp xếp lại các đơn vị thành viên, trực thuộc theo hướng liên thông, kết nối, chia sẻ và sử dụng tối đa, hiệu quả nguồn lực dùng chung; tập trung lãnh đạo thực hiện lộ trình tự chủ đại học đối với các đơn vị trực thuộc. Triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy gắn với phát huy vai trò nòng cốt, hạt nhân trong việc xây dựng trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước; phối hợp với các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan đóng góp, hỗ trợ tích cực trong việc xây dựng, phát triển Thừa Thiên-Huế thành các trung tâm lớn trên các lĩnh vực: Y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ, văn hóa - du lịch. Trong đào tạo cần gắn kết với chất lượng đầu ra, đầu vào hợp lý để tạo sự phát triển bền vững; tập trung nguồn lực đào tạo các ngành trọng điểm, mũi nhọn…