Sơn Động (Bắc Giang) tận dụng nét văn hóa độc đáo phát triển du lịch
Sơn Động (Bắc Giang) là huyện vùng cao với 30 thành phần dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 57%. Mỗi dân tộc lại có truyền thống riêng. Vì vậy huyện đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Lệ Viễn là xã có 70% dân số là đồng bào dân tộc Sán Chỉ, với nhiều loại hình văn hóa phi vật thể như: Tiếng nói, chữ viết, thêu thùa, múa, dân ca. Đầu năm nay, Lệ Viễn được hỗ trợ hơn 180 triệu đồng khôi phục, bảo tồn điệu múa Tắc xình, hát dân ca Sọng cô gắn với lễ hội Đình Lạnh. Theo đó, địa phương phối hợp mở lớp truyền dạy điệu múa Tắc xình, điệu hát Sọng cô cho 60 học viên, chủ yếu là học sinh, đoàn viên thanh niên, phụ nữ. Cùng với lớp học này, UBND xã Lệ Viễn phục dựng lễ hội truyền thống Đình Lạnh, tái hiện không gian văn hóa, sinh hoạt đặc trưng của người Sán Chỉ, trong đó có điệu múa Tắc xình.
Lễ cầu mùa là một nghi lễ tâm linh gắn liền với đời sống văn hóa của người Dao đỏ ở xã Vân Sơn. Trải qua nhiều năm, lễ cầu mùa (hay còn gọi là cầu phúc) vẫn được các thế hệ người Dao ở bản Nà Hin (Vân Sơn) lưu giữ nguyên vẹn về các nghi thức. Trước khi tổ chức, mỗi gia đình sẽ đóng góp rượu, gạo, giấy bản, gà, thịt lợn hoặc tiền để mua sắm những thứ cần thiết.
Theo nhiều người cao tuổi trong bản Nà Hin, để trả lễ thần rừng, thần núi, thần trời và thần đất, cứ 3 năm một lần, người Dao dựng ông mặt trời (soi sáng ban ngày), ông mặt trăng (soi sáng ban đêm) cùng dụng cụ lao động sản xuất như: Dao, cuốc, búa, cây rừng. Nghi lễ diễn ra một ngày, một đêm để cầu mong cây cối tươi tốt, sai hoa kết trái, nặng bông trĩu quả, con trâu, bò, lợn, gà lớn nhanh không dịch bệnh, nhà nhà kinh tế khá giả, ấm no.
Được biết, nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc là nhiệm vụ cấp bách, xuyên suốt, lâu dài. Hằng năm, từ các nguồn vốn, UBND huyện ưu tiên đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng, thành lập các tổ đội, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ truyền thống. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Huyện ủy chỉ đạo tập trung bảo tồn, tôn tạo 17 di tích lịch sử, văn hóa; phối hợp tổ chức 13 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể các dân tộc, phục dựng 10 nghi lễ, đám cưới văn minh của các dân tộc Dao, Cao Lan, Tày…
Năm 2022, UBND huyện ban hành Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc huyện Sơn Động giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, ngoài di tích lịch sử và danh thắng Tây Yên Tử đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt, huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu lập hồ sơ đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội bơi chải (thị trấn An Châu); phục dựng huyền tích (Giếng Tiên, Hòn đá Đĩ) trong quần thể Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử; phục dựng Hội hát Sình ca dân tộc Cao Lan; nghệ thuật hóa Lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao. Duy trì Hội hát Then - đàn Tính (dân tộc Tày), hát Sloong hao (dân tộc Nùng) kết hợp với chợ phiên vùng cao; đưa nội dung hát Then - đàn Tính vào đào tạo ngoại khóa ở các trường Tiểu học, THCS: Vân Sơn, An Lạc, Hữu Sản, Lệ Viễn.
Trước mắt, năm 2023, huyện phân bổ gần 5 tỷ đồng vốn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xây dựng điểm du lịch cộng đồng tại thôn Nà Ó (xã An Lạc), bản Mậu (thị trấn Tây Yên Tử), bản Nà Hin (xã Vân Sơn), du lịch sinh thái Hồ Khe Chão (xã Long Sơn), Khe Nương Dâu (xã Tuấn Đạo), Núi Mục - Ba Tia (Tây Yên Tử).
Xác định giá trị văn hóa đặc sắc các dân tộc trong huyện là nguồn lực cho phát triển KT-XH, nhất là phát triển du lịch, huyện đang quan tâm bảo tồn bản sắc văn hóa, tạo sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách.