Sơn Hòa hướng đến nền nông nghiệp an toàn và bền vững
Với tiềm năng tài nguyên đất đai rộng lớn, hàng chục năm qua huyện miền núi Sơn Hòa (Phú Yên) không chỉ chú trọng khai thác hiệu quả các loại cây lúa, mía, sắn mì, keo… là những cây chủ lực trong nông – lâm nghiệp để tiếp tục góp phần đổi mới và nâng cao đời sống của người dân, mà còn chú trọng khuyến khích, hỗ trợ hình thành những vùng chuyên canh cây ăn trái như mắc ca, xoài, nhãn, mít…
1. Ông Lê Văn Quy, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách do thời tiết bất thường, môi trường cạnh tranh gay gắt, giá cả nông sản biến động, trong khi chi phí sản xuất tăng cao… Thế nhưng Huyện ủy, UBND huyện Sơn Hòa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp linh hoạt, cơ cấu cây trồng – vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu gắn với nhu cầu thị trường, kết hợp với những nỗ lực tích cực của các địa phương và người dân, nên những năm qua hoạt động sản xuất nông – lâm nghiệp trên địa bàn huyện luôn chuyển động hiệu quả.
Theo ông Phan Văn Đoan, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp bà Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Sơn Hòa, mía là cây trồng chủ lực lớn nhất ở địa phương này và cũng là huyện đứng đầu về diện tích, năng suất và sản lượng mía – đường của tỉnh Phú Yên. Chỉ riêng niên vụ 2023-2024 diện tích cây mía toàn huyện 16.471ha, năng suất bình quân gần 63 tấn/ha, tổng sản lượng hơn 1 triệu tấn. Còn diện tích gieo trồng hai vụ lúa nước trong năm nay 2.515ha, tổng sản lượng 14.301 tấn thóc, năng suất bình quân 68 tạ/ha; tăng hơn so với năm trước về diện tích, năng suất và sản lượng.
Ngoài cây mía và lúa, năm 2024 toàn huyện còn có 6.211ha sắn, khoai lang; 620ha đậu phộng, mè, dưa hấu, 514ha rau đậu các loại, 245ha cây dừa, cà phê, cao su, điều, tiêu và 675 cây ăn quả các loại. Bên cạnh cây trồng là vật nuôi với tổng đàn bò 23.676 con, đàn heo 23.800 con và đàn gia cầm 162.000 con.
Để tạo thế chủ động về giao thông – thủy lợi trong sản xuất nông – lâm nghiệp, những năm qua huyện Sơn Hòa đã sử dụng nhiều nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đầu tư xây dựng nhiều tuyến kênh mương, trạm bơm nước, đường giao thông nội đồng, đảm bảo nguồn nước tưới cho hơn 2.100ha lúa nước và hơn 100km đường giao thông phục vụ vận chuyển nông sản.
Nếu như cây mía ở Sơn Hòa được tiêu thụ chủ yếu tại hai nhà máy đường của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam và Công ty TNHH Rượu Vạn Phát tại xã Sơn Hà, thì hàng trăm ngàn tấn nguyên liệu cây keo mỗi năm cũng được đưa vào nhà máy chế biến lâm sản của các doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Phú Yên ở xã Sơn Long; Công ty TNHH Đức Hải ở xã Sơn Hà. Bên cạnh đó là một số doanh nghiệp chế biến lâm sản đang triển khai các thủ tục đầu tư để chuẩn bị đi vào hoạt động thời gian tới như Công ty TNHH Hào Hưng ở xã Sơn Định; Công ty TNHH SXTM Vạn Lộc Hưng, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Phú ở Cụm công nghiệp Ba Bản…
2. Nói về những vườn cây ăn trái đã và đang được nhân rộng hiệu quả trên địa bàn huyện Sơn Hòa, ông Phan Văn Đoan hồ hởi cho biết, không riêng vùng đất cao nguyên Vân Hòa có khí hậu quanh năm dịu mát, trong lành, được ví như Đà Lạt ở Phú Yên, mà tính chất thổ nhưỡng tại các xã khác trong huyện đều “chịu” được nhiều cây ăn quả như mãng cầu xiêm, mãng cầu ta, mắc ca, bưởi da xanh, mít Thái… Đặc biệt là một số cây trồng khó tính như nhãn, chà là cũng đã khẳng định vị thế ở Sơn Hòa.
Tại xã Krông Pa hơn 4 năm qua, nông dân Phạm Văn Ninh đã đầu tư trồng gần 1.000 cây mít Thái đã thu hoạch mùa thứ hai, tạo nguồn thu mỗi năm 50 - 60 triệu đồng; nông dân Hồ Xuân Vân đã đầu tư trồng vườn nho 2000m2 từ năm 2021, bình quân mỗi năm thu nhập 45- 50 triệu đồng. Còn chị Kiều Thị Hạnh, trú ở xã Sơn Long cho biết, năm 2012 gia đình chị trồng thử nghiệm hơn 1ha mắc ca, đến năm thứ ba bói quả mùa đầu, từ đó đến nay mỗi năm thu hoạch trên dưới 1 tấn mắc ca, thu nhập 80-100 triệu đồng. Tại xã Sơn Nguyên có vườn mãn cầu gần 1 ha của ông Phạm Một đã cho trái với sản lượng mỗi năm 8 tấn, được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao với thu nhập mỗi năm trên 260 triệu đồng.
Vườn nhãn đầu tiên trên địa bàn tỉnh Phú Yên gần 8,5ha của ông Ma Văn Hòa ở xã Sơn Phước gồm 1.300 cây sum suê trái ngọt mùa đầu với năng suất mỗi cây 30-40kg, giá bán tại vườn 25.000 đồng/kg. Cạnh đó là 5 sào mãng cầu sẽ kết trái dịp Tết Nguyên đán sắp đến và 3 sào mít Thái. Ngoài ra, ông Hòa vận dụng phương châm “lấy ngắn, nuôi dài”, khai thác quỹ đất còn lại để trồng gần 2ha ớt sừng, mỗi vụ thu gần 20 tấn, mỗi năm trồng hai vụ với thu nhập hơn 200 triệu đồng. Nguồn thu từ vườn cây nông nghiệp không chỉ đảm bảo ổn định đời sống gia đình, mà giúp cho ông Hòa có đủ điều kiện chăm lo hai người con đang học đại học, trung học phổ thông tại TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai.
“Dự báo mùa nhãn năm sau cùng với nguồn thu từ ớt sừng, mãng cầu, mít Thái, gia đình tôi sẽ thu hồi vốn đầu tư mà vẫn còn quỹ đất hơn 10ha đang sử dụng cùng nguồn thu nhập cây trái” – ông Hòa bộc bạch.
“Bên cạnh những cây trồng chủ lực, huyện Sơn Hòa đã và đang hướng đến những vùng chuyên canh cây ăn quả với mô hình trồng trọt nói “không” với thuốc bảo vệ thực vật, thay đổi phương thức canh tác, bảo vệ môi trường, hướng đến nền nông nghiệp an toàn, bền vững; đồng thời nỗ lực thu hút các dự án đầu tư sản xuất chế biến, tạo thành chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương” – ông Lê Văn Quy cho biết thêm.