Sơn La: bảo tồn các trò chơi dân gian

Tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp, tổ chức các hoạt động nhằm khuyến khích việc bảo tồn các trò chơi dân gian có tính khơi dậy tinh thần dân tộc và tình đoàn kết cộng đồng, phát triển thành các môn thể thao thi đấu ở các giải đấu các cấp.

Sơn La có 12 dân tộc cùng sinh sống, với nhiều nét văn hóa bản sắc riêng, các trò chơi dân gian phong phú, đa dạng. Các trò chơi đều xuất phát từ cuộc sống lao động, sản xuất hàng ngày, không cầu kỳ, tốn kém, nên có thể chơi mọi lúc, mọi nơi, dụng cụ dễ kiếm, dễ làm, chủ yếu lấy trong tự nhiên.

Hầu hết các trò chơi dân gian đều được chơi theo hình thức tập thể. Có những trò cần vận dụng trí tuệ, quan sát nhanh, phán đoán đường đi, nước bước như: đánh cờ Mường, đánh mảng, đố lá, đánh cúi cái (đánh lợn cái). Có trò thiên về thể thao, rèn luyện sức khỏe, đó là: đẩy gậy, bắn nỏ, vật Mường đè khà, đè chân, đè tay.

Chơi tó mák lẹ đòi hỏi từng thành viên và từng đội chơi phải thực sự khéo léo trong động tác cá nhân cũng như phải biết cách hiệp đồng, đoàn kết trong toàn đội.

Chơi tó mák lẹ đòi hỏi từng thành viên và từng đội chơi phải thực sự khéo léo trong động tác cá nhân cũng như phải biết cách hiệp đồng, đoàn kết trong toàn đội.

Đồng bào dân tộc Thái Sơn La có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như tung còn, đi cà kheo, tó mák lẹ, thi bắt cá. Trong đó, không khó để bắt gặp hình ảnh đồng bào chơi tó mák lẹ (bắn quả lẹ) đông vui trên sân nhà, ngoài ngõ xóm.

Trong tiếng Thái, “tó” nghĩa là “chọi” hoặc “đánh”, còn “mák lẹ” là hạt của một loại quả mọc trên rừng, thuộc họ dây leo, có hình tròn, màu nâu đậm, chắc.

Cách chơi tó mák lẹ đơn giản, ai cũng có thể tham gia, không phân biệt già trẻ, đàn ông hay phụ nữ. Sân chơi là những bãi đất bằng phẳng hoặc có thể ngay dưới gầm sàn. Trò chơi này không cần nhiều sức mạnh, nhưng đòi hỏi người chơi có sự khéo léo, tỉ mỉ, dẻo dai, yêu cầu độ chính xác cao. Trò này dễ chơi, dễ tạo tiếng cười vui vẻ cho tất cả mọi người, giúp bà con trong bản gắn chặt tình đoàn kết, tạo không khí vui tươi, sôi nổi, thi đua lao động, sản xuất hiệu quả.

Đối với dân tộc Mông, các trò chơi dân gian như thi giã bánh dày, đánh tu lu, đẩy gậy thường được tổ chức trong ngày hội văn hóa dân tộc. Trong đó, đánh tu lu là trò chơi dân gian đặc sắc thể hiện tinh thần thượng võ của đồng bào Mông. Trước hết, người chơi cần chuẩn bị con quay và dây quay. Con quay thường được đẽo, gọt bằng những loại gỗ cứng, như gỗ nghiến, gỗ lim. Còn dây quay thường được se bằng sợi lanh. Khi đánh quay độ khó tăng dần theo độ xa, đánh trúng quay của người khác mà con quay của mình vẫn xoay là thắng. Đơn giản vậy nhưng đòi hỏi người chơi phải có sức khỏe và kỹ thuật điêu luyện, bởi vậy khi chơi, khi xem ai cũng thích thú với những con quay, với từng đường đánh dứt khoát, chắc nịch và không ngừng thán phục, trầm trồ với những cú đánh hay, chính xác.

Thi ném pao của đồng bào dân tộc Mông thường được tổ chức trong lễ hội như Ngày hội Hoa đào tại xã Lóng Luông (huyện Vân Hồ), thu hút đông đảo du khách tham gia, trải nghiệm. Ném pao là nét văn hóa thể hiện tình yêu đôi lứa từ xa xưa của đồng bào dân tộc Mông; người chơi chia làm hai đội nam - nữ đứng đối diện cách nhau từ 5 - 7 m, mỗi bên từ 3 - 10 người. Quả pao được ném qua lại, những người chơi phối hợp nhuần nhuyễn để bắt quả pao. Theo quan niệm xưa, tiêu chuẩn tìm vợ của người đàn ông dân tộc Mông là con gái biết làm quả pao, vì thông qua quả pao sẽ biết người con gái đó có biết dệt vải, thêu thùa hay không.

Theo ông Đỗ Thế Công, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sơn La, các trò chơi dân gian trên địa bàn tỉnh vốn dĩ là những hoạt động vui chơi giải trí xuất phát từ lịch sử, lao động và văn hóa đời sống, do cộng đồng các dân tộc sáng tạo và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Hiện nay, nhiều trò chơi đã được phát triển thành bộ môn thể thao nằm trong danh sách các môn thi tại các giải thi đấu thể thao các cấp, các kỳ đại hội thể dục thể thao cấp tỉnh.

Tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp, tổ chức các hoạt động nhằm khuyến khích việc bảo tồn các trò chơi dân gian có tính khơi dậy tinh thần dân tộc và tình đoàn kết cộng đồng, phát triển thành các môn thể thao thi đấu ở các giải đấu các cấp. Trong đó, “Đề án phát triển thể dục thể thao quần chúng giai đoạn 2021-2030” đang được ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh triển khai thực hiện đã tạo động lực để phát triển các môn thể thao dân tộc lên một tầm mới.

Hiền Lương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/son-la-bao-ton-cac-tro-choi-dan-gian.html