Bảo tồn giá trị văn hóa đồng bào dân tộc Thái
Bằng nhiều cách làm linh hoạt, đến nay nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ở huyện Lang Chánh vẫn được gìn giữ, phát huy giá trị trong đời sống hàng ngày. Từ đó, không chỉ làm phong phú thêm đời sống cộng đồng, mà còn là 'đòn bẩy' thúc đẩy du lịch của huyện phát triển.
Đến bản Năng Cát, xã Trí Nang - nơi có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với dòng thác Ma Hao bắt nguồn từ đỉnh Pù Rinh có độ cao hơn 1.000m, du khách được tìm hiểu về một lát cắt trong cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Minh của Anh hùng dân tộc Lê Lợi ở thế kỷ XV, đồng thời khám phá nhiều nét văn hóa của đồng bào dân tộc Thái sinh sống tại đây. Đó là các phong tục tập quán, làn điệu dân ca Thái, cồng chiêng, trò chơi dân gian như ném còn, nhảy sạp, khặp Thái, đến những món ăn truyền thống như cơm lam, gà nướng, tôm sông... Để phục vụ du khách đến tham quan, bản đã thành lập 2 đội văn nghệ của người Thái hoạt động thường xuyên, góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa dân tộc, tạo điểm nhấn thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Phó Chủ tịch UBND xã Trí Nang Hà Văn Lợi, cho biết: Xã có 97% đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Hiện, người Thái trong xã vẫn giữ được những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào, từ những nếp nhà sàn, đến trang phục truyền thống. Người dân vẫn duy trì dệt thổ cẩm để tạo ra những bộ trang phục truyền thống của dân tộc. Thời gian qua, địa phương đã có nhiều cách làm linh hoạt để bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Thái như: Huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo tồn văn hóa, quản lý di tích, phát triển du lịch; lồng ghép giáo dục về truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc trong chương trình học để thế hệ trẻ nhận thức và giữ gìn các giá trị văn hóa của quê hương; huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch trên địa bàn; vận động Nhân dân tham gia thành lập các câu lạc bộ, đội văn nghệ để bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ phục vụ nhu cầu du khách.
Mới đây, UBND huyện Lang Chánh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị giới thiệu, quảng bá về văn hóa dân tộc Thái địa phương; từng bước định hướng, giới thiệu, hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng từ loại hình văn hóa truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc Thái tại bản Năng Cát. Qua đó đã nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Đồng thời, khuyến khích đồng bào bảo tồn, phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình gắn với phát triển du lịch.
Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lang Chánh Trịnh Đức Hùng, cho biết: Đồng bào Thái tại Lang Chánh chiếm khoảng 53% dân số. Để bảo tồn, phát huy giá trị của dân tộc Thái, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp như khảo cứu, sưu tầm các giá trị dân gian của đồng bào Thái, phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực, để từ đó lên kế hoạch cụ thể cho việc bảo tồn và phát huy. Các địa phương phục dựng và tổ chức các lễ hội của người Thái như lễ cúng cơm mới, lễ hội Chá Mùn; các làn điệu hát khặp dân tộc Thái, đánh cồng chiêng, khua luống, các môn thể thao, trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, ném còn cũng được huyện tích cực khôi phục và phát huy giá trị trong đời sống hàng ngày.
Ngày 6/5/2021 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lang Chánh đã ban hành Nghị quyết số 06 về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó tập trung vào việc khôi phục, phát triển các sản phẩm truyền thống, sản phẩm có thế mạnh của đồng bào dân tộc Thái để phát triển du lịch như nghề dệt thổ cẩm, nghề nấu rượu siêu men lá, và tích cực tổ chức các lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian để phục vụ phát triển du lịch. Đồng thời, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp truyền dạy kiến thức và kỹ năng thực hành dân ca, dân vũ, dân nhạc, nghề truyền thống, đan lát, dệt thổ cẩm tại các cộng đồng dân tộc Thái trên địa bàn huyện; trang bị kiến thức cơ bản để nâng cao kỹ năng thực hành và bảo lưu, giữ gìn, phát huy những giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc, nghề truyền thống trong đời sống Nhân dân thông qua hoạt động tại các thiết chế văn hóa, câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, XDNTM, đô thị văn minh...
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/bao-ton-gia-tri-van-hoa-dong-bao-dan-toc-thai-35041.htm