Sơn La: Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng
Các tỉnh phía Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng đang bước vào cao điểm mùa nắng nóng. Để đảm bảo công tác PCCC rừng đạt hiệu quả cao, các chủ rừng và lực lượng chức năng tại tỉnh Sơn La đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp.
TP Sơn La có diện tích đất rừng sản xuất trên 2.100 ha, diện tích rừng phòng hộ trên 7.000 ha, diện tích rừng đặc dụng là 40,77 ha. Vào những thời điểm thời tiết hanh khô, nắng nóng, gió Lào cùng với tình trạng người dân canh tác nương rẫy gần rừng, dẫn đến nguy cơ cháy rừng ngày càng cao.
Theo Đại tá Nguyễn Khắc Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Sơn La, để chủ động ứng phó với các tình huống cháy xảy ra, Phòng đã tham mưu cho Công an tỉnh ban hành kế hoạch, công văn chỉ đạo triển khai thực hiện công tác bảo vệ rừng và tăng cường các biện pháp cấp bách PCCC rừng. Phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông tăng cường thời lượng phát sóng, thông tin tuyên truyền cảnh báo nguy cơ cháy rừng, yêu cầu chủ rừng, người dân sinh sống, hoạt động gần khu vực rừng nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác PCCC rừng; quản lý chặt chẽ trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Xây dựng các bài thu âm tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng gửi cho các địa phương để tuyên truyền bằng xe thông tin lưu động và loa truyền thanh của các bản, tiểu khu, tổ dân phố. Phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tăng cường cảnh báo và dự báo nguy cơ cháy rừng. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH toàn tỉnh tăng cường huấn luyện kỹ, chiến thuật chữa cháy rừng cho cán bộ, chiến sĩ; tổ chức thường trực chiến đấu 24/24h, đảm bảo lực lượng sẵn sàng phối hợp với các lực lượng ứng phó với các vụ cháy rừng trên địa bàn.
Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận, xử lý 3 vụ cháy rừng, trong quá trình tham gia, cán bộ, chiến sĩ lực lượng PCCC đã phối hợp với chính quyền các cấp cùng nhân dân tích cực tham gia chữa cháy, không để cháy lan sang các khu vực khác, bảo đảm tính mạng và tài sản của nhà nước và nhân dân. Điển hình vào khoảng 16h56 ngày 23/2/2024 đã xảy ra 1 vụ cháy rừng tại bản Giảng Lắc, phường Quyết Thắng, TP Sơn La. Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an tỉnh Sơn La đã điều 2 xe chữa cháy, 1 xe chở quân cùng 23 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường vụ cháy phối hợp cùng với các lực lượng, nhân dân khoanh vùng, tạo đường băng cản lửa và dập tắt đám cháy. Đến 19h cùng ngày, đám cháy được dập tắt hoàn toàn, diện tích cháy khoảng 1.400 m2.
Ngoài ra, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã chủ động tham mưu thành lập đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh do lãnh đạo Công an tỉnh làm trưởng đoàn, tiến hành kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng tại địa bàn huyện Yên Châu, Bắc Yên. Trong đó, tập trung kiểm tra Ban Chỉ đạo cấp huyện, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo một số xã tại huyện Yên Châu và Bắc Yên về công tác chỉ đạo điều hành, công tác quản lý, bảo vệ và PCCC rừng; công tác quản lý hồ sơ sổ sách, sử dụng, bảo dưỡng trang thiết bị, dụng cụ PCCC rừng; kiểm tra việc sử dụng nguồn kinh phí phục vụ cho công tác bảo vệ rừng và PCCCR năm 2023; kế hoạch sử dụng kinh phí được giao năm 2024 và kiểm tra thực địa các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy cao...
Đại tá Nguyễn Khắc Ngọc thông tin thêm: Qua công tác kiểm tra đã kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc ở cơ sở để kịp thời có các biện pháp xử lý, phòng ngừa hiệu quả, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức chủ động của các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương và chủ rừng trong công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCC rừng; hạn chế tối đa các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; thực hiện tốt các khâu chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó và giảm thiểu thiệt hại khi cháy rừng xảy ra.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia và Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc, tình trạng nắng nóng, hanh khô sẽ tiếp tục kéo dài dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao ở hầu hết các địa bàn trong tỉnh, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ tăng cường lực lượng thường trực 24/24 giờ, bảo đảm điều kiện hậu cần và phương tiện phục vụ chữa cháy, đặc biệt là các phương tiện chữa cháy cơ động; phối hợp với các lực lượng tham gia chữa cháy rừng, xử lý kịp thời không để xảy ra cháy lan, cháy lớn khi có cháy rừng; phối hợp tập huấn, nâng cao năng lực cho lực lượng bảo vệ và PCCC rừng chuyên trách, các chủ rừng là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình... giảm thiểu đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/son-la-chu-dong-phong-chay-chua-chay-rung-i725705/