Sơn La: nhiều cách làm hay giúp dân thoát nghèo

Theo báo cáo sơ bộ kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 của tỉnh Sơn La, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 14,17% năm 2023 xuống còn 11,1% năm 2024, đạt chỉ tiêu đề ra.

Hỗ trợ xây nhà mới cho hộ dân huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.

Hỗ trợ xây nhà mới cho hộ dân huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.

Ngày 4/3/2024, UBND tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch số 68/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Cấp tỉnh và cấp huyện đã phân bổ, giao kế hoạch vốn năm 2024 với tổng số kinh phí thực hiện 617 tỷ 723 triệu đồng và số kinh phí thực hiện Chương trình năm 2022, năm 2023 còn lại chuyển nguồn sang năm 2024 là hơn 239 tỷ đồng.

Thực hiện vốn đầu tư, tỉnh đã triển khai các dự án về hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững.

Đối với nguồn vốn sự nghiệp, tỉnh đã triển khai các dự án về hỗ trợ phát triển đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; cải thiện dinh dưỡng; hỗ trợ phát triển sản xuất; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Ông Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mai Sơn, cho biết: với quy trình chặt chẽ, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công bằng, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ, không để xảy ra tình trạng lợi dụng, tiêu cực, thất thoát lãng phí, từ năm 2022 đến nay, huyện đã huy động được 57,36 tỷ đồng, xóa được 566 nhà tạm. Phấn đấu đến hết nhiệm kỳ hoàn thành công tác xóa nhà tạm cho hộ nghèo, đảm bảo điều kiện về đất đai.

Tỉnh Sơn La đã triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Tỉnh Sơn La đã triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Quá trình thực hiện, các xã trên địa bàn huyện Mai Sơn làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp rà soát đối tượng thuộc diện được hỗ trợ, hiện trạng nhà ở, nhu cầu của hộ dân, đảm bảo đúng quy trình hướng dẫn. Các tổ công tác của huyện phối hợp với các xã kiểm tra thực tế, đến từng nhà tổng hợp phương án làm nhà, phân công cán bộ phụ trách. Các hộ xây dựng nhà ở mới đảm bảo diện tích sử dụng với tiêu chuẩn “3 cứng”.

Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Châu, Co Mạ phấn đấu năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 34,4%. Ông Thào A Súa, quyền Chủ tịch UBND xã Co Mạ cho biết: cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào vùng cao, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, đời sống của gần 1.500 hộ ở 17 bản đã có nhiều thay đổi. Hàng năm, xã tổ chức đánh giá, rà soát, khảo sát nhu cầu cần hỗ trợ của hộ nghèo, hộ cận nghèo để có định hướng phù hợp. Từ đó, phân tích tiềm năng lợi thế để người dân khai thác trong phát triển kinh tế; xã thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho hội viên, đoàn viên vay vốn phát triển sản xuất.

Để phát triển kinh tế, theo ông Thào A Súa, những năm qua, Nhân dân trong xã tích cực chuyển đổi cây trồng ngắn ngày trên nương sang trồng cây có giá trị kinh tế, gắn với phát triển chăn nuôi đại gia súc. Hiện nay, xã đang triển khai dự án sản xuất sản phẩm OCOP từ sơn tra gắn với phát triển vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết giá trị bền vững cho sản phẩm từ sơn tra. Dự án nhằm thúc đẩy kết nối du lịch thông qua các hoạt động trải nghiệm, lễ hội hái quả và chế biến các sản phẩm từ quả sơn tra, như: trà, nước ép, sơn tra khô, bột sơn tra... Việc triển khai dự án sẽ giúp người dân vùng cao của huyện từng bước thoát nghèo bền vững.

Theo báo cáo sơ bộ kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 của tỉnh Sơn La, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 14,17% năm 2023 xuống còn 11,1% năm 2024, đạt chỉ tiêu đề ra.

Mục tiêu năm 2025, toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 8,17%. Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách, quản lý, điều hành thực hiện chương trình theo quy định.

Đồng thời, phối hợp triển khai hiệu quả các nội dung theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường nắm bắt tiến độ triển khai và những khó khăn, vướng mắc, báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ. Đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư bảo đảm tiến độ xây dựng các dự án; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình hiệu quả.

Tâm Hiền

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/son-la-nhieu-cach-lam-hay-giup-dan-thoat-ngheo.html