Sơn La phát huy thế mạnh địa phương
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng tới đoàn viên, hội viên và nhân dân trong quá trình chuyển đổi, thành lập mới các Hợp tác xã nông nghiệp và tích cực lựa chọn chuyển đổi cây trồng ăn quả phù hợp nhằm phát huy thế mạnh địa phương là nỗ lực của Ủy ban MTTQ tỉnh Sơn La.
Xác định người dân là nhân tố trung tâm để ban hành chủ trương, chính sách hỗ trợ, tỉnh Sơn La tập trung vận động làm thay đổi tư duy của hộ gia đình, từ đợi Nhà nước hỗ trợ đầu tư, sang chủ động đầu tư phát triển theo định hướng và nhà nước hỗ trợ, giảm dần các khoản hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước. Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Sơn La Vi Đức Thọ cho biết: Để hoàn thành mục tiêu, phát triển kinh tế - xã hội, với nòng cốt là các Hợp tác xã (HTX), thời gian qua MTTQ tỉnh tích cực phối hợp với các tổ chức thành viên và hướng dẫn MTTQ các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng tới đoàn viên, hội viên và nhân dân chuyển đổi, thành lập mới các HTX Nông nghiệp và tích cực lựa chọn chuyển đổi cây trồng ăn quả phù hợp với đất đai, nhất là vùng đất dốc và các tiểu vùng khí hậu của tỉnh. Đồng thời tổ chức các cuộc họp, các kỳ sinh hoạt chuyên đề tới các chi hội để vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia thành lập các HTX, chuyển đổi cây trồng, đưa ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và các kỹ thuật trồng cây ăn quả theo quy trình VietGAP.
Đến nay, việc chuyển đổi, thành lập mới các HTX và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển cây ăn quả đã có ảnh hưởng sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh, số lượng HTX tăng mạnh đã góp phần đa dạng ngành nghề, quy mô, trình độ sản xuất. Hiệu quả hoạt động được nâng lên, phát huy được tiềm năng và thế mạnh ở địa phương.
Ông Vi Đức Thọ chia sẻ: Sơn La những năm trước đây kinh tế chậm phát triển, đời sống sản xuất của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định điểm nhấn quan trọng trong Nghị quyết là mục tiêu “Sớm xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc”. Ðể hiện thực hóa mục tiêu, tỉnh Sơn La đã đề ra 7 chương trình kinh tế trọng tâm, trong đó, nhấn mạnh đổi mới tư duy kinh tế, thực hiện cách nghĩ, cách làm mới. Và rõ nét nhất là đổi mới công tác lãnh đạo, điều hành trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Sau một thời gian nỗ lực, đến thời điểm này, toàn tỉnh Sơn La có 588 HTX, tăng 338% so với số lượng HTX năm 2015, có 201 HTX trồng cây ăn quả, chiếm 41,9% số HTX nông nghiệp, tăng 773% so với số HTX cây ăn quả năm 2015, tổng số thành viên của các HTX nông nghiệp 6.124 người, tăng 184% so với năm 2015, trong đó thành viên của HTX trồng cây ăn quả 2.574 người, tăng 683% so với năm 2015.
Trong tổng số 50 HTX tham gia chuỗi giá trị, có 32 HTX trồng cây ăn quả (chiếm 64% số HTX tham gia chuỗi giá trị). Trong 32 HTX có 17 HTX chuyên trồng Nhãn tiêu chuẩn VietGap (chiếm 53,1% số HTX tham gia chuỗi giá trị); 8 HTX chuyên trồng Cam, Bưởi da xanh, Xoài (chiếm 25% số HTX); 2 HTX chuyên trồng Thanh long ruột đỏ, Na (chiếm 6,3% số HTX); 3 HTX chuyên trồng Mận hậu (chiếm 9,3% số HTX); 2 HTX trồng Chanh leo, quả Dâu tây (chiếm 6,3% số HTX). Có 17 HTX trong toàn tỉnh đang tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho 45 lao động. Tiêu biểu như huyện Yên Châu đang có 41 HTX, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho trên 1.000 thành viên, người lao động, trong đó, có những điển hình hiệu quả cao như HTX Hoa quả Quyết Tâm (xã Tú Nang), HTX Dịch vụ chế biến chè Phiêng Khoài (xã Phiêng Khoài), HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Nà Khái, HTX Hương Xoài (xã Tú Nang), HTX Nông nghiệp Phương Nam, HTX Sản xuất vật liệu xây dựng Tà Vàng (xã Lóng Phiêng), HTX Rau sạch Chiềng Phú (xã Chiềng Pằn), HTX Sơn Lâm (xã Yên Sơn)... Thu nhập thành viên của mỗi HTX đạt 30-45 triệu đồng/ người/ năm. Hiện nay, các sản phẩm rau, củ, quả của HTX Nông nghiệp Chiềng Phú (Chiềng Pằn), HTX hoa quả Quyết Tâm (Tú Nang) đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP.
Về xuất khẩu, năm 2018 các HTX đã tham gia sản xuất và xuất khẩu được 17.511 tấn quả các loại sang 12 thị trường (Australia, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước Trung Đông…). 6 tháng đầu năm 2019 đã xuất khẩu trên 35.000 tấn Xoài, Chanh leo, Mận, Thanh long, Chuối … sang thị trường các nước Trung Quốc, Mỹ, Australia, Anh, Campuchia.
Về xây dựng thương hiệu sản phẩm, năm 2015 quả Xoài tròn Yên Châu được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý. Đến nay có 17 sản phẩm nông sản, thực phẩm mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, 1 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ tại nước Thái Lan. Năm 2019 sản lượng quả các loại khoảng 410.257 tấn, tăng 188,2% so với năm 2018; phấn đấu giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 150 triệu USD, tăng 30% so với năm 2018; tập trung xuất khẩu Xoài 5.000 tấn, Nhãn 8.100 tấn, Chanh leo 2.000 tấn, Thanh long 300 tấn, Sơn tra 1.000 tấn… Đầu tháng 6/2019, tỉnh Sơn La đã tổ chức Lễ công bố lô hàng Xoài xuất khẩu sang 4 thị trường: Anh, Mỹ, Australia và Trung Quốc - đây là những tín hiệu đáng mừng cho sản phẩm quả của tỉnh Sơn La.
Ông Vi Đức Thọ nhấn mạnh: Sau một thời gian MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp tỉnh Sơn La tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh về chuyển đổi, thành lập mới các HTX nông nghiệp và trồng cây ăn quả trên đất dốc, đến nay, việc chuyển đổi, thành lập mới các HTX và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển cây ăn quả đã có ảnh hưởng sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Số lượng HTX tăng mạnh đã góp phần đa dạng ngành nghề, quy mô, trình độ sản xuất; hiệu quả hoạt động được nâng lên, phát huy được tiềm năng và thế mạnh ở địa phương, có đóng góp cho ngân sách nhà nước, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm 2018 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) là 8,59%, bình quân 2016-2018 là 8,8%/năm; hết năm 2018 có 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 3 xã so với Nghị quyết Đại hội đến năm 2010 và huyện Phù Yên, huyện Quỳnh Nhai ra khỏi danh sách huyện nghèo. Cây ăn quả ở Sơn La đã khẳng định ưu thế so với các loại cây trồng khác, góp phần giải quyết được nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình, đời sống tinh thần, vật chất nhân dân được nâng lên.
Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm nông sản an toàn được tỉnh Sơn La quan tâm, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hội chợ xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản. Đồng thời, tỉnh rất chú trọng thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư các nhà máy chế biến để nâng cao khả năng cạnh tranh; từ đó hình thành các mối liên kết khép kín, góp phần đưa các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, GAP mang thương hiệu “Sơn La” vươn tới người tiêu dùng trong cả nước biết đến và xuất khẩu ra nước ngoài.
“Những kết quả đạt được trên đây là những minh chứng thành quả nỗ lực của cấp ủy, chính quyền tỉnh Sơn La sớm ban hành các chủ trương, chính sách về phát triển nông sản an toàn và sự đồng thuận của nông dân đón nhận các chủ trương, chính sách hợp lòng dân” - ông Vi Đức Thọ khẳng định.