Sơn La: phát triển du lịch xanh và bền vững

Với tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa đa dạng và độc đáo, Sơn La hiện có khoảng 30 điểm khai thác các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn, trong đó phần lớn đang được khai thác theo mô hình du lịch cộng đồng, mô hình trải nghiệm du lịch vườn sinh thái.

Tạo ra sản phẩm du lịch xanh, tỉnh Sơn La đang thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, khám phá và trải nghiệm.

Du khách trải nghiệm tại thác 7 tầng, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ.

Du khách trải nghiệm tại thác 7 tầng, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ.

Huyện Vân Hồ có lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu mát mẻ, đồng bào các dân tộc nơi đây còn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

Đặc biệt, huyện chú trọng bảo tồn và phục dựng các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các nghề truyền thống phục vụ phát triển du lịch, như: ngày hội Văn hóa các dân tộc; lễ hội Hoa ban, xã Chiềng Khoa; ngày hội Hoa đào, xã Lóng Luông...

Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng hơn 100 đội văn nghệ quần chúng tại các tổ, bản, tiểu khu, thường xuyên luyện tập, biểu diễn giao lưu, liên hoan, hội thi, hội diễn. Nhờ đó, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng của Vân Hồ ngày càng phát triển, tạo môi trường tốt để bảo tồn những điệu múa, dân ca, nhạc cụ truyền thống, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân và phục vụ du khách.

Những nét văn hóa đặc trưng, riêng biệt của các dân tộc đã tạo tiền đề quan trọng để Vân Hồ phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay, nhiều bản du lịch cộng đồng được nhiều người biết đến, như bản Bướt, Nà Bai, Phụ Mẫu, xã Chiềng Yên; bản Hua Tạt, Chiềng Đi, xã Vân Hồ... Đến đây, du khách được tham gia sinh hoạt cộng đồng, trải nghiệm làm nông nghiệp và thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị núi rừng và hòa mình vào điệu múa chuông, nhảy khèn rộn rã.

Từ việc tạo được bứt phá trong phát triển du lịch cộng đồng, huyện Mai Châu trở thành cái tên đầy sức hút đối với du khách và đứng trước nhiều vận hội mới để vươn tầm phát triển... Toàn huyện có gần 150 cơ sở lưu trú du lịch, 7 điểm du lịch cộng đồng, 12 khách sạn, 28 nhà nghỉ, 106 homestay, thu hút, tạo việc làm cho trên 1.200 lao động trong lĩnh vực du lịch.

Trên địa bàn huyện Mai Châu có 15 dự án du lịch, thương mại được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, tổng vốn đăng ký trên 1.178 tỷ đồng. Các dự án đều có quy mô, khả năng đáp ứng nhu cầu về nghỉ dưỡng chất lượng cao cho khách du lịch. Từ những nỗ lực đó đã đưa ngành thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của huyện (chiếm 37% năm 2024), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu huyện lần thứ XXVI đề ra.

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của Sơn La cho phát triển du lịch bền vững, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định 3 khâu đột phá và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó lĩnh vực du lịch được xác định là nhóm nhiệm vụ trọng tâm quan trọng.

Nhận định phát triển du lịch với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại, bền vững, trong những năm qua, Sơn La chú trọng phát triển du lịch nhanh bền vững gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và sản vật địa phương; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với bảo vệ, tôn tạo cảnh quan môi trường. Lấy du lịch văn hóa với giá trị cốt lõi là bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc làm nền tảng để hình thành các loại hình du lịch khác; phát triển du lịch thiên nhiên là sản phẩm đặc thù để tăng năng lực cạnh tranh. Khuyến khích mở rộng phát triển du lịch cộng đồng, tạo việc làm và gắn với xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn mới; lấy lợi thế về nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Hiền Lương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/son-la-phat-trien-du-lich-xanh-va-ben-vung.html