Sơn Nguyên - chặng đường 40 năm hình thành và phát triển

Sau 40 năm hình thành và phát triển, xã Sơn Nguyên ngày càng trù phú. Ảnh: CTV

Ngày 19/7/1983, xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) chính thức được thành lập. Sau 40 năm, Sơn Nguyên đã có nhiều bứt phá, xây dựng thành xã nông thôn mới với nhiều tiềm năng, thế mạnh vượt trội; đời sống người dân ngày càng ổn định và phát triển.

Tiền thân của xã Sơn Nguyên là điểm kinh tế mới Hòa Nguyên với 55 hộ dân sinh sống.

Hành trình 40 năm vượt khó

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, Đảng và Nhà nước có chủ trương “Đưa dân trở về thôn, xóm cũ”; tập trung mở rộng các vùng sản xuất, phát triển các vùng kinh tế ở những nơi còn khó khăn, các huyện vùng trung du, miền núi.

Thực hiện chủ trương này, tỉnh Phú Khánh đã vận động 25 hộ dân xóm phường Bà Tám (thuộc thôn Ngân Điền, xã Sơn Hà, nay là thôn Nguyên Hà, xã Sơn Nguyên) và 30 hộ dân xóm Hòa Nguyên (thôn Xuân Sơn, xã Sơn Xuân, nay là thôn Nguyên Xuân, xã Sơn Nguyên) trở về khai hoang, phục hóa, xây dựng lại cuộc sống mới ở vùng đất Sơn Nguyên.

Năm 1978, với mục tiêu chấm dứt nạn đói, tỉnh Phú Khánh thực hiện chủ trương xây dựng các vùng sản xuất, hình thành điểm kinh tế mới để triển khai giãn dân, đưa dân cư từ các vùng đồng bằng, thành thị về nông thôn, miền núi sản xuất nông nghiệp. Từ đó, điểm kinh tế mới Hòa Nguyên chính thức được thành lập, gồm 3 thôn: thôn 1, thôn 2 và thôn 3. Nhiều hộ dân ở một số xã, phường trực thuộc TP Nha Trang và Cam Ranh được di dân đến điểm kinh tế mới Hòa Nguyên làm ăn, sinh sống.

Sau một thời gian ổn định dân cư, đến ngày 19/7/1983, xã Sơn Nguyên chính thức được thành lập. Thời điểm này, toàn xã chỉ có520 hộ dân, với 1.472 nhân khẩu ở 5 thôn: Nguyên Hà, Nguyên Cam, Nguyên An, Nguyên Trang, Nguyên Xuân.

Thời điểm vừa thành lập, đời sống người dân Sơn Nguyên thiếu thốn; cơ sở vật chất tạm bợ, đường sá lầy lội, điều kiện sản xuất khó khăn. Vào mùa mưa lũ, Sơn Nguyên gần như bị chia cắt hoàn toàn, việc đi lại của người dân gặp nhiều trở ngại. Đội ngũ cán bộ xã bấy giờ được tập hợp từ nhiều nguồn, vừa thiếu vừa yếu; tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp.

Trong khi đó, đa phần người dân từ thành phố về không có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, lại thêm điều kiện sống ở vùng rừng núi hoang vu, bệnh sốt rét hoành hành nên nạn đói diễn ra triền miên. Tỉ lệ hộ nghèo, đói chiếm 70% toàn xã; 100% nhà ở dân cư đều là nhà tranh tre, vách đất; hạ tầng thương mại, dịch vụ nghèo nàn, lạc hậu. Nhiều thời điểm, gần 1/5 hộdân đã phải bỏ về quê cũ.

Ngày 1/7/1989, sau khi tỉnh Phú Khánh chia thành 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, thì tại xã Sơn Nguyên lại xuất hiện tình trạng di dân lần 2, hàng loạt hộ dân trở về quê cũ Khánh Hòa. Đó là giai đoạn gian nan mà địa phương phải đối mặt và nỗ lực vượt qua. Tuy nhiên, với những tiềm năng, lợi thế của vùng đất Sơn Nguyên, ngày càng có nhiều hộ dân từ các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Khánh Hòa… tìm về với quyết tâm cư trú lâu dài và xây dựng cuộc sống mới.

Người dân xã Sơn Nguyên chủ động, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và thu hoạch mía. Ảnh: CTV

Những bước trưởng thành

Từ một vùng đất hoang hóa, khó khăn trăm bề, hiện Sơn Nguyên sở hữu trên 2.300ha mía, lúa, mang lại đời sống ấm no cho những người đã gắn bó và cống hiến hết mình cho nơi này.

Cơ sở hạ tầng ở Sơn Nguyên cũng đang được đầu tư hoàn thiện, với hệ thống giao thông, thủy lợi phát triển vượt bậc; 100% tuyến đường được trải nhựa, đường bê tông nông thôn phủ kín, bảo đảm lưu thông thông suốt. Cùng với hệ thống điện lưới quốc gia đưa về từng nhà, xã Sơn Nguyên còn được đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương hồ Suối Vực và mương tự chảy thôn Nguyên Xuân, bảo đảm tưới tiêu cho toàn bộ diện tích trồng trọt trên địa bàn.

Thêm vào đó, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam với những chính sách đúng đắn, đã giúp người dân xã Sơn Nguyên mạnh dạn đầu tư trồng các giống mía cao sản cho năng suất cao. Người dân ở đây cũng lắp đặt hệ thống bơm tưới, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất và thu hoạch mía. Nhờ vậy, đến nay, Sơn Nguyên là vùng trồng mía cho năng suất và chất lượng cao hơn so với các địa phương lân cận. Mía được xác định là cây trồng giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên vùng đất Sơn Nguyên.

Thời gian gần đây, bên cạnh cây mía, Đảng bộ xã Sơn Nguyên còn khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư các vùng chuyên canh cây ăn trái như cam sành, bưởi da xanh, dừa xiêm lùn, mãng cầu Thái… và nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác có giá trị kinh tế cao. Hiện rất nhiều diện tích đất trống, đồi trọc cũng được người dân trồng rừng phủ xanh. Các loại hình dịch vụ, thương mại, bưu chính viễn thông trên địa bàn ngày càng phát triển.

Từ những chuyển biến tích cực về cơ sở hạ tầng, xã Sơn Nguyên ngày càng thu hút nhiều dân tộc anh em khắp mọi miền đất nước về đây sinh sống, lập nghiệp. Đến nay, toàn xã cótrên 1.500 hộ dân với gần 5.200 nhân khẩu; đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 46,38 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ hộ giàu, hộ khá tăng lên hàng năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Năm 2010, hộ nghèo toàn xã chiếm 24%; đến năm 2022 giảm còn 2,15%.

Cùng với phát triển kinh tế, xã Sơn Nguyên luôn chú trọng đầu tư phát triển văn hóa, y tế, giáo dục và bảo đảm an sinh xã hội. Tỉ lệ gia đình văn hóa chiếm 97% số hộ dân; 5/5 thôn giữ vững danh hiệu thôn văn hóa; 5/5 nhàvăn hóa thôn khang trang sạch đẹp, tạo điều kiện cho bà con có nơi hội họp, tổ chức gặp mặt, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao

Hệ thống giáo dục từng bước được hoàn chỉnh, quy mô giáo dục được mở rộng; cơ sở vật chất, trang thiết bị được tăng cường. Mạng lưới trường, lớp học được đầu tư xây dựng. Trang thiết bị y tế đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Công tác quản lý, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc luôn được địa phương quan tâm.

Từ một xã thuần nông, xuất phát điểm thấp, đến nay, bộ mặt Sơn Nguyên đã có những thay đổi ngoạn mục. Sơn Nguyên là xã thứ hai của huyện Sơn Hòa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2017. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Sơn Nguyên đang nỗ lực phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao.

Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Sơn Nguyên tiếp tục chủ động, sáng tạo đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển nông nghiệp, nông thôn. Địa phương cũng tập trung phát huy nội lực, tăng cường thu hút đầu tư, tạo bước chuyển biến tích cực trong quản lý nhà nước và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Sơn Nguyên lần thứ XII, xứng đáng với truyền thống của một xã vùng kinh tế mới năng động, sáng tạo.

Từ một xã thuần nông, xuất phát điểm thấp, đến nay, bộ mặt Sơn Nguyên đã có những thay đổi ngoạn mục. Sơn Nguyên là xã thứ hai của huyện Sơn Hòa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2017. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Sơn Nguyên đang nỗ lực phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao.

ĐẶNG VĂN THIỆN

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Nguyên

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/300818/son-nguyen-chang-duong-40-nam-hinh-thanh-va-phat-trien.html