Sống chậm để yêu thương
Ảnh minh họa
Nghe tin vợ chồng anh cả trong Nam cho các cháu về chơi nhân dịp nghỉ lễ, mấy hôm nay ông bà San tất bật dọn nhà, dọn phòng, thay ga đệm để đón con cháu. Chả là, mấy năm nay dịch dã, rồi công việc làm ăn bận rộn, bọn trẻ, đứa thì chuẩn bị đầu cấp, đứa thì cuối cấp, học hành suốt ngày nên anh chị cũng chưa thu xếp được lịch về thăm bố mẹ. Tết nhất thì cũng chỉ có anh đại diện về thắp hương cho ông bà tổ tiên bên nội bên ngoại được 1-2 ngày lại đi. Ông bà thương con nhớ cháu nhưng vì sức khỏe không cho phép nên cũng chỉ thi thoảng gọi video để coi mặt chúng nó cho đỡ nhớ.
Chiều nay, vừa quét dọn đám lá rụng trong vườn bà San khẽ chép miệng thở dài, cây trái trong vườn chín rụng mà không có người hái, chả bù cho ngày xưa, chả có quả nào chín nổi trên cây với bọn trẻ. Học hành nửa buổi, nửa buổi chăn trâu, cắt cỏ, hết đá bóng, thả diều lại kéo nhau về vườn nắn ổi, nắn na. Ngày đó, cuộc sống thật khó khăn nhưng sao nhiều khi bà thấy nhớ và lại ước được trở về những ngày ấy. Các con, các cháu bà mỗi lần nghe thấy lại cười và nghĩ bà lẩn thẩn, bệnh tuổi già… Những lúc như vậy, bà cũng thấy chạnh lòng nhưng chẳng thể trách được bọn trẻ bây giờ, mỗi thời mỗi khác. Bọn trẻ bây giờ lanh lẹ, thông minh và giỏi giang hơn thời của ông bà ngày xưa. Ừ thì vẫn biết, không thể áp suy nghĩ và cảm xúc của người già vào bọn trẻ thời nay, nhưng giá như chúng bớt sử dụng các thiết bị điện tử thông minh mỗi lần về thăm ông bà thì tốt biết mấy. Bà thèm nghe thấy tiếng bọn trẻ nô đùa, đuổi nhau, chí chóe ngoài vườn để tranh giành trái ổi hay trái na chín cây; thèm được nhìn bọn trẻ ăn ngon lành những thứ bà nấu…
Sau bao ngày mong mỏi, vợ chồng anh cả cùng mấy đứa trẻ cũng về đến nhà trong niềm vui hân hoan của cả nhà. Bữa cơm thịnh soạn cũng được dọn lên. Người lớn thì vừa lách cách chén chú, chén anh vừa say sưa chuyện làm ăn, chuyện nhà cửa, chuyện thời sự chính trị trong nước quốc tế, còn bọn trẻ vừa ăn vừa dán mắt vào màn hình điện thoại. Nhìn mâm cơm còn nhiều món bỏ nguyên, bà San thấy trong lòng dấm dứt không vui.
Thực ra, câu chuyện của nhà bà San không phải là chuyện hy hữu trong xã hội hiện đại. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã đem đến nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và cũng mang lại nhiều tiện ích trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, nó cũng có những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Đặc biệt, khi mô hình gia đình truyền thống đang được thay thế dần bằng những mô hình gia đình hiện đại. Những chuẩn mực truyền thống, cũng như nếp nghĩ và những hành vi ứng xử giữa con người với con người thay đổi theo nhịp sống của thời đại công nghệ số.
Nói như vậy, không có nghĩa chúng ta phủ nhận những thành tựu cũng như những tiện ích do công nghệ số đem lại, vấn đề ở đây là, chúng ta cần thay đổi cách sống, cách nghĩ và cách nhìn nhận tích cực về cuộc sống, về các mối quan hệ. Như một nhà văn đã từng nói: Khi ăn cơm, nhìn món ăn trên bàn, hãy thấy cả quá trình đi chợ, gửi xe, lựa rau, chọn củ, về nhà, gọt rửa, nấu nướng, chiên xào, dầu nóng, mồ hôi rịn trên trán, nêm nếm tới lui... để thấy thương người nấu. Để thấy món ăn không chỉ là một món ăn, mà là một món quà đáng trân quý. Để không chê này, không bình phẩm nọ. Thay vào đó, ta thấy biết ơn. Hãy tập nhìn sâu vào bữa cơm của mẹ, cái áo của cha, quá trình đi làm của vợ hay chồng, mái tóc bù xù của vợ, món quà mà chúng ta từng nhận được và nhìn sâu đằng sau con người mà chúng ta tiếp xúc, để nhận ra rằng, có nhiều thứ sâu sắc xung quanh mà trước giờ, chúng ta chỉ biết nhìn hời hợt mà thôi… Khi sống chậm, nghĩ sâu thì chúng ta sẽ thấy yêu thương nhiều hơn và cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn.
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/ban-doc/ban-doc-viet/song-cham-de-yeu-thuong-80689.html