'Sống cho trời đất xem'
Với 63 bài thơ in trong một tập sách viết trong 10 năm 'Đêm ngồi ngã ba sông' của nhà thơ Nguyễn Thành Phong, (NXB Hội Nhà văn, 2021), ta thấy nhà thơ đã dụng công chọn lọc. Cách trình bày đẹp, mở từng trang độc giả thấy được nâng niu trân trọng. Tác giả không phô bày các giải thưởng và đầu sách như vẫn thường thấy sau bìa sách. Thơ cứ thế hiện ra dẫn dụ mời gọi người đọc.
Thơ Nguyễn Thành Phong nghiêng hẳn về thế sự, chỉ là cách nhìn của người đàn ông có một cái thú đi câu: “Ta từng câu tước câu quan/ mồi câu chỉ mắc thênh thang lòng mình”. Và nhà thơ không giấu được sự từng trải, khái quát về nghề làm quan: “Tước quan câu được rồi kinh/ rồi buông bỏ lại lòng mình thênh thang”. Thơ được giấu rất kỹ nỗi đớn hèn, chua xót của ham muốn dục vọng con người luôn muốn tước quan bổng lộc danh lợi. Cuối cùng cũng mở ra một cái then cửa của lòng người là muốn được sống thênh thang lòng thiện, mới là cái đích để đời, đáng sống nhất của con người.
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong.
Tôi đọc thơ, hay có thói quen cứ đọc hết chọn ra những câu thơ hay mình thích đã, rồi nghĩ xem tác giả đang phơi chữ giần sàng ra sao để cho hạt gạo thơ thơm lừng trong hơi thở.
Nguyễn Thành Phong là người dám đối mặt với bước trượt đời mình. Tôi sực nhớ ngày còn gặp nhà văn Bùi Ngọc Tấn, khi ông vừa qua nỗi đoạn trường của mình. Khi tâm sự về nghề, ông nói với tôi: “Anh thật biết ơn nhà văn Nguyễn Quang Thân, khi viết cuốn tiểu thuyết này, anh Thân dặn: “Tấn ơi phải thật bình tĩnh, thật khách quan nhé, đừng để hận thù chen lấn vào văn chương. Và anh đã viết được như vậy”. Khi đọc Nguyễn Thành Phong, tôi cũng thấy trạng thái tĩnh, và khách quan, dù người viết từng trượt trên “chiếu bê tông” buốt giá trong một khúc ngoặt của đời mình mà thơ anh đạt đến độ “thù hận nhiều đến mấy/ sẽ tan vì bao dung”.
Để sống không chỉ có lòng can đảm, độ lượng. Trời đất cũng chứng kiến sự u ẩn của một người viết, từng làm quản lý như anh, từng dằn vặt vì một nỗi buồn ám ảnh không giúp được một người bạn hiền. Bạn hiền chỉ tốt thôi, không kiếm được việc làm, rồi họ cũng sớm ra đi để lại cho Nguyễn Thành Phong những câu thơ dằn vặt mãi. Phải có một tấm lòng tử tế mới day dứt trái tim người, mới cảm thấy bất lực khi người ta chỉ có bàn tay bé nhỏ, mà cuộc đời thì quá rộng không sao ôm xuể.
Trong một khúc quanh sai lầm của số phận, Nguyễn Thành Phong đã có những câu thơ lạc quan “Vậy thì ta hãy sống/ còn có trời đất xem”. Và thơ cầu lòng nhân, chút ánh sáng soi vào bước chân đi tới của con người cố mà học làm người. Thơ thức tỉnh người đọc ở sự nhân ái, nhẹ nhàng mà giác ngộ.
Xưa nay người ta trông trời trông đất trông mây để sống. Nguyễn Thành Phong đã lật ngược trở lại, bắt trời đất xem ta sống ra sao? Gan nhà thơ cũng to, dễ mấy ai dám thách thức giời đất bằng thơ. Giời đất hãy xem ta sống, lạc quan và cố gắng sống đẹp.
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong.
Trong một day trở khác về thế sự, đó là bài “Dị quan”, một bài thơ thật thấm nỗi đời cho những người từng bước trên đường quan lộ; thật không dễ viết tý nào, mà non tay dễ thành họa. Mọi ngả của lòng tham đều không thể đem lại hạnh phúc cho dân lành. Mọi thứ tham tàn đều ăn mòn vào đời sống của nhân dân lao khổ. Liệu ở sân chùa, ngay cả sân chùa còn chỗ quét hay không? Hình như rác rến, những thứ không thanh sạch vẫn vây quanh đời sống hàng ngày? Cho dù tâm thế nhà thơ là người lạc quan, là người can đảm dám đối mặt trực diện với bước trượt của mình, tự nhận mình từng trượt ngã và đứng dậy, phải sống đẹp hơn ngày hôm qua.
Nguyễn Thành Phong là người đi nhiều nhưng không thấy anh viết về sự xê dịch này, chỉ thấy trong đường biên giới của Việt Nam, về hải đảo và về biển bờ Tổ quốc. Trái tim anh đau đáu với tình yêu đất và nước mình, rộng hơn là câu hỏi tự vấn, và chất vấn người bỏ nước Việt ra đi tìm thiên đường ở 5 châu lục. Sao vẫn còn người Việt ra đi, phải đến khi dịch bệnh COVID-19 lan rộng địa cầu, cách ứng xử của người Việt với bạn bè bằng hữu, họ lại tìm cách trở về, rồi có thể lại ra đi ở lớp người khác. Đặt ra một câu hỏi bình thường, nhưng đau đớn cho nhiều phận người bỏ xác ở xứ sở xa xôi “Ngực lặng cúi trong cơ hàn xa khuất”.
Những câu thơ day dứt khôn nguôi về người Việt bỏ Tổ quốc ra đi, rồi bao phận người đang rên xiết nhớ nhung cố quốc. Phải đến khi trả giá về cách không thể tìm ra thiên đường ở xứ cờ hoa hay ở châu Âu, châu Phi, họ lại ngoái về nước Việt thở dài.
Có thể nói trái tim nhà thơ hướng nội, tìm kiếm một tình yêu đất đai, hơi thở người Việt trên đất nước Việt. Thơ anh lột tả chân dung bạn văn, ký họa được chân dung bạn bằng thơ. Khi viết về tính cách Phạm Ngọc Tiến, ngay cả khi Tiến ta nằm viện: “Giờ y tá hộ lý/ nhớ đừng cãi người ta”. Ai đã biết nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đọc câu thơ này đều bật cười. Đúng quá, đúng Phạm Ngọc Tiến, không sai một ly. Hay như nhà thơ xứ Thanh - Nguyễn Duy: “Thơ bụi bặm giữa trần gian lặn lội / tạc khiêm cung bên tre trúc đất làng”. Hay phác họa một người lính trẻ: “Lau mồ hôi rồi chăm con thương vợ/ đâu có dễ nổi khùng ngạo ngược bất an…/ xin hãy hỏi cái nét cười người lính”.
63 bài thơ viết trong 10 năm chắc chắn còn nhiều bài của Nguyễn Thành Phong chưa công bố, hẳn còn là “của để dành” cho một tập khác diện mạo khác. Với bút pháp chắc tay, với cảm xúc còn run rẩy nỗi đời bất hạnh, với cách nhìn biển đảo đất đai, người đọc thấy nhà thơ hướng tới nhân dân cần lao, tới nước non bình dị được bảo toàn, không cho kẻ láng giềng cướp phá: “Thêm nhiều cách để đối đầu sóng dữ/ không còn phải lo âu khi thấy bóng con người”.
Thơ anh cũng đóng góp tiếng nói bảo vệ biển đảo và đất đai của ông bà ta. Cả tập thơ mở ra một xã hội thu nhỏ, về quê kiểng, nỗi đời, thế sự và phận người ở nhiều nghề khác biệt ở trạng thái bình thản, khách quan và thơ anh cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự ra đi rời bỏ Tổ quốc của một số người không biết yêu thương và trân trọng quê hương, nơi mảnh đất mình sinh ra để chạy theo những dục vọng khác. Thơ anh cũng cảnh báo về những mặt nạ khác trong đời sống mà một số người vẫn thường xuyên đeo.
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong từng viết tiểu thuyết, viết truyện, làm báo chuyên nghiệp, và viết rất nhiều kịch bản phim, cộng với những tập thơ, cùng nhiều giải thưởng khác. Nhưng anh có vẻ thản nhiên lắm, không tính đếm. Như thể tâm thế nhà thơ đã xem nhẹ rất nhiều thứ trong việc đời, trong đó có cả các tác phẩm văn chương, kịch bản phim mà mình cống hiến cho bạn đọc, cho người xem.
Được sống như một người viết chuyên nghiệp, đạt đến độ giác ngộ, xem nhẹ nông nỗi ở đời, thật không dễ dàng gì. Nhưng dễ mấy ai đã làm được kỹ và chăm sóc từng câu thơ, trang viết của mình, để bạn cùng nghề nể trọng, ngước lên và cúi xuống và có quyền khát vọng, sống cho trời đất xem như Nguyễn Thành Phong.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/song-cho-troi-dat-xem-i621576/