'Sống chung với Covid-19': Nhìn từ Israel

Việc Covid-19 bùng phát trở lại ở Israel, bất chấp hầu hết người dân quốc gia này đã được tiêm chủng đầy đủ, đã dấy lên lo ngại về một cuộc chiến không hồi kết với đại dịch này. Tuy nhiên, các chuyên gia châu Á vẫn xem Israel như hình mẫu cần học hỏi về giải pháp sống chung với Covid-19.

Nhân viên y tế tiến hành kiểm tra Covid-19 ngay trên xe ở Israel - Ảnh: Reuters.

Bài liên quan

Israel tiêm vắc xin tăng cường COVID-19 cho lứa tuổi từ 12 trở lên

Israel phát hiện mũi vắc xin COVID-19 tăng cường làm giảm nguy cơ lây nhiễm

Tại sao COVID lại gia tăng ở Israel, quốc gia tiêm chủng hàng đầu thế giới?

Nhanh chóng đẩy mạnh chiến dịch tiêm mũi thứ ba

Hồi cuối tháng trước, Israel công bố tỷ lệ người dân quốc gia này được tiêm chủng vắc xin Covid-19 lên 80%. Dẫu vậy, số lượng ca nhiễm virus Corona tại đây đang gia tăng trong khoảng thời gian vừa qua, dù vẫn ở mức thấp so với toàn cầu.

Cụ thể, vào hôm thứ Năm (2/9), Israel báo cáo số ca nhiễm kỷ lục tại quốc gia là 11.187 người vào ngày trước đó. Số lượng ca nhiễm được báo cáo tăng vọt một phần do các chiến dịch xét nghiệm đang được thực hiện với quy mô rất lớn tại quốc gia này.

Báo cáo cũng chỉ ra, có tới hơn 4000 ca nhiễm mới rơi vào những người được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vvắc xin Pfizer. Tất nhiên, số ca nhiễm rơi vào những người chưa được tiêm chủng vẫn cao hơn: khoảng 6000 người.

Trước thực tại trên, Israel lại đi tiên phong thêm một lần nữa trong cuộc chiến chống lại Covid-19 trên toàn cầu khi chính phủ thực hiện chiến dịch tiêm mũi vắc xin thứ ba cho tất cả người dẫn từ 12 tuổi trở lên, qua đó thay đổi ý nghĩa của khái niệm “tiêm chủng đầy đủ”.

Dù số ca nhiễm gia tăng trở lại, song giao sư Eyal Leshem của Trung tâm Y tế Sheba tại Israel vẫn đánh giá tích cực về tình hình Covid-19 quốc gia của mình.

"Tất cả những điều này xảy ra là trong bối cảnh cuộc sống gần như diễn ra bình thường ở Israel. Mặc dù bọn trẻ vẫn đang nghỉ học, song thương mại và các sự kiện vẫn tiếp tục diễn ra. Hạn chế đáng kể nhất là việc phải đeo khẩu trang trong phòng”, ông nói.

Ngay cả khi nền kinh tế không ngừng hoạt động, số ca nhiễm nghiêm trọng vẫn thấp hơn nhiều so với con số 1.100 trường hợp từng xảy ra trong một ngày vào tháng 1/2021.

Dữ liệu mới nhất của Bộ Y tế Israel cho thấy số ca nhiễm nghiêm trọng vào Chủ nhật tuần trước là 752, nhưng đã giảm xuống 673 vào thứ Năm (2/9). Số liệu này cũng chỉ ra, chỉ khoảng 20-30 ca tử vong mỗi ngày, ít hơn một nửa so với vào tháng 1/2021.

Leshem nhấn mạnh: “Chúng ta đã thấy sự bảo vệ tuyệt vời từ hai liều vắc xin. Tỷ lệ bệnh nặng ở những người chưa được tiêm chủng là gần 300 trên 100.000 người, còn ở những người được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi chỉ là 19 trên 100.000”.

Giáo sư Paul Tambyah, chủ tịch Hiệp hội vi sinh lâm sàng và nhiễm trùng Châu Á Thái bình dương tại Singapore, cũng đưa ra quan điểm tương tự. Ông cho rằng những gì đang xảy ra ở Israel tiếp tục ủng hộ quan điểm: lựa chọn duy nhất có thể là cùng tồn tại với COVID-19.

Tambyah nói với Nikkei Asia: “Dù ca nhiễm ở Israel đang tăng lên, nhưng ca nặng và tử vong thấp hơn rất nhiều so với trước khi chiến dịch tiêm chủng. Chúng ta có thể chấp nhận sự gia tăng về ca nhiễm, miễn sao không có sự gia tăng tương ứng ca nghiêm trọng và tử vong".

Vậy nếu 2 đợt tiêm chủng có thể đạt được kết quả tốt, tại sao Israel lại vội vàng tiêm mũi thứ 3 cho người dân?

Leshem giải thích, chính phủ Israel hiểu rằng biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn, ngay cả trong một cộng đồng được tiêm chủng tốt. Kéo theo đó, số lượng bệnh nhân dù được tiêm chủng đầy đủ song vẫn phải nhập viện sẽ cao hơn.

Hơn thế nữa, các chuyên gia của Israel cũng đã chỉ ra rằng, tác dụng miễn dịch và kháng thể của vắc xin Covid-19 sẽ giảm đi sáu tháng sau khi tiêm chủng, ở tất cả các nhóm tuổi.

Biến Covid-19 thành... căn bệnh bình thường

Tuy nhiên, việc tiêm mũi thứ ba cũng đang dấy lên các cuộc tranh luận về đạo đức, khoa học và cả kinh tế. Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng, chiến dịch tiêm chủng mũi thứ ba có thể sẽ rút cạn các nguồn lực ở các quốc gia nghèo. Trong khi đó, một số chuyên gia tại Singapore cũng cho biết, chưa có bằng chứng khoa học cho việc việc tiêm mũi thứ ba là cần thiết.

Ngay tại Israel, cũng đã những chỉ trích của các chuyên gia về chiến dịch tiêm mũi vắc xin Covid-19 thứ ba. Dù rằng, các cuộc nghiên cứu tại đây cho biết, những người già được tiêm liều vắc xin thứ hai vào tháng Ba đang được bảo vệ nhiễm trung tốt hơn 1,6 lần so với những người tiêm tương tự vào tháng Một trước đó. Có nghĩa, hiệu quả của vắc xin đang giảm dần.

Một người cao tuổi ở Israel được tiêm liều vắc xin Covid-19 thứ ba hồi giữa tháng 8/2021 - Ảnh: Reuters.

Cho đến hôm qua (thứ Sáu, 03/09), Israel đã tiêm chủng vắc xin Covid-19 liều ba cho 2,48 triệu người.

Song, nếu kết quả nghiên cứu xác định rằng mũi thứ ba là cần thiết, một câu hỏi được đặt ra: Liệu chúng ta có cần liều thứ tư hoặc nhiều hơn không? Đây là điều khó nói trước, song nếu vậy nó sẽ tạo ra một chu kỳ không có hồi kết cho việc tiêm vắc xin.

Giáo sư Eyal Leshem phân tích về vấn đề này: “Theo tự nhiên, bệnh truyền nhiễm sẽ đạt đến một trạng thái trung hòa, dù rất khó xác định nó sẽ đến khi nào, một vài tháng hoặc vài năm. Song chúng ta có thể chắc chắn, Covid-19 cũng như các loại virus khác rồi sẽ chỉ tạo ra các bệnh nhiễm trùng nhẹ, do hầu hết người dẫn đã có cơ chế kháng thể, bởi được tiêm vắc xin, hoặc đã nhiễm nó, hoặc cả hai”.

Và dù bằng cách nào, các chuyên gia cũng vạch ra một hướng đi cho tương lai là các nước phải học cách quản lý dịch mà không làm ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế, chứ không phải bằng cách đánh đổi tất cả.

Hoàng Hải

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/song-chung-voi-covid-19-nhin-tu-israel-post154112.html