Sóng cổ phiếu ngành dược 'vỗ mạnh' nhờ... Covid-19

Tiếp tục nóng lên trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, đặc biệt là sau khi Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp thuốc điều trị Covid-19 do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, 'sóng' cổ phiếu ngành dược được dự báo còn tiếp tục kéo dài.

Ngày 17/2, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ký quyết định ban hành danh mục 3 loại thuốc chứa hoạt chất molnupiravir điều trị Covid-19 sản xuất trong nước, được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Giấy phép này có hiệu lực trong 3 năm. Trong đó, có thuốc Movinavir hàm lượng 200 mg của CTCP Hóa – Dược phẩm Mekophar (MKP) sản xuất.

Cổ phiếu tăng trần liên tiếp

Thông tin này ngay lập tức đem lại tín hiệu tích cực cho cổ phiếu MKP khi ghi nhận 3 phiên tăng trần liên tiếp (18-22/2) với mỗi phiên tăng xấp xỉ 15%, từ mức 43.000 đồng/cp lên 64.800 đồng/cp. Chốt phiên ngày 23/2, cổ phiếu MKP giao dịch tại mức 70.500 đồng, tăng 8,8%. Như vậy, chưa đầy 1 tuần, thị giá MKP đã tăng gần 66%.

Sau khi Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp thuốc điều trị Covid-19 chứa hoạt chất molnupiravir do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, hàng loạt cổ phiếu ngành dược "nổi loạn". (Ảnh: Int)

Sau khi Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp thuốc điều trị Covid-19 chứa hoạt chất molnupiravir do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, hàng loạt cổ phiếu ngành dược "nổi loạn". (Ảnh: Int)

Trước đó, giá cổ phiếu MKP đã có màn lao dốc không phanh, chỉ trong hơn một tháng mất gần 50% từ vùng giá đỉnh 78.900 đồng/cp (7/1/2022) xuống còn 41.000 đồng/cp (14/2/2022).

Về tình hình kinh doanh, trong 5 năm trở lại đây (từ 2017), đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong ngành dược, lợi nhuận ròng của Mekophar liên tục suy giảm, từ hơn trăm tỷ xuống còn chục tỷ đồng.

Quý IV/2021, Mekophar ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm hơn 74% so với cùng kỳ dù doanh thu chỉ giảm 1,72% do tiền lương và giá cả các chi phí đều tăng cao trong tình hình dịch bệnh. Lũy kế cả năm 2021, MKP đạt doanh thu thuần gần 1.130 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2020, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ gần 16 tỷ đồng, giảm 60% so với năm 2020.

Một cổ phiếu khác cũng tăng mạnh theo xu hướng chung của nhóm y dược là VMD của CTCP Y dược phẩm Vimedimex. Trong 3 phiên ( 17-21/2) cổ phiếu diễn biến hết sức tích cực, thậm chí 2 phiên gần đây (22,23/2) ghi nhận 2 phiên trần liên tiếp, dừng ở mức 34.150 đồng/cp.

Trong năm 2021, nhờ thông tin được cấp phép nhập khẩu 30 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, cổ phiếu VMD đã tăng lên mức đỉnh 80.000 đồng/cp (tháng 8/2021) rồi giảm rất mạnh xuống dưới 30.000 đồng/cp.

Tương tự, cổ phiếu FRT của doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm FPT Retail (FRT) cũng tăng 4 phiên liên tiếp, trong đó có 2 phiên tăng trần, từ mức 94.200 đồng/cp lên đỉnh lịch sử 116.600 đồng/cp (phiên 23/2).

Được biết, FPT Retail vừa thông báo ký hợp đồng mua 1 triệu viên thuốc trị Covid-19 chứa hoạt chất Molnupiravir với giá bán dự kiến quanh 300.000 đồng/liệu trình. Đây là đơn vị đầu tiên phân phối thuốc đặc trị Molnupiravir. Sự việc này được đánh giá là “ngòi nổ” cho cổ phiếu FRT có đà tăng tốt trong thời gian qua.

Năm 2021, FPT Retail ghi nhận kết quả kinh doanh đột phá với lợi nhuận tăng gần 20 lần lên hơn 550 tỷ đồng và doanh thu tăng hơn gấp rưỡi lên 22,5 nghìn tỷ đồng (gần 1 tỷ USD). FPT Retail ghi nhận chuỗi nhà thuốc Long Châu chính thức có lãi nhẹ trong năm vừa qua, sớm hơn kế hoạch 2 năm.

Năm 2022, FPT Retail đặt kế hoạch kinh doanh tỷ USD với doanh thu tăng 20% lên 27 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận tăng 30%.

Ngoài ra, hàng loạt mã như DMC (Dược phẩm Domesco), TNH (Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên), JVC (Thiết bị y tế Việt Nhật), DHG (Dược Hậu Giang), DVN (Dược Việt Nam),… cũng ghi nhận mức tăng giá tích cực những phiên gần đây.

Còn nhiều dư địa phát triển

Ngoài các yếu tố liên quan đến vaccine hay thuốc điều trị Covid-19, các doanh nghiệp ngành dược và các cửa hàng bán lẻ dược phẩm đang hưởng lợi từ nhu cầu lớn về các sản phẩm phục hồi sau tiêm vaccine hay hỗ trợ điều trị cho F0.

Các doanh nghiệp ngành dược và các cửa hàng bán lẻ dược phẩm đang hưởng lợi từ nhu cầu lớn về các sản phẩm phục hồi sau tiêm vaccine hay hỗ trợ điều trị cho F0.

Các doanh nghiệp ngành dược và các cửa hàng bán lẻ dược phẩm đang hưởng lợi từ nhu cầu lớn về các sản phẩm phục hồi sau tiêm vaccine hay hỗ trợ điều trị cho F0.

Với hàng triệu liều vaccine đã được tiêm và số lượng lớn khác đang về thì sức mua các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, nước điện giải… tăng đáng kể. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn về đơn thuốc điều trị tại nhà cho F0 với các sản phẩm quan trọng như Paracetamol, Molnupiravir, Dexamethasone, Methylprednisolone, các loại vitamin…

Đáng chú ý, hiện nay tình trạng khan hiếm kit test xét nghiệm SARS-CoV-2 cho thấy nhu cầu sử dụng kit test của người dân ngày càng tăng cao do dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, ngành dược cũng đối mặt với không ít thách thức, lượng thuốc sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu. Trên thực tế, phần lớn nguyên liệu của ngành phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Trong khi đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, khiến giá thành tăng cao, tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh.

Theo Tổng cục Hải quan, tổng giá trị nhập khẩu thuốc của Việt Nam trong năm 2021 tiếp tục tăng 5,3% so với cùng kỳ do nguồn cung thuốc nội địa hầu như không tăng thêm vì tiến độ đình trệ của nhiều nhà máy sản xuất trong nước, cùng với nhu cầu gia tăng đối với thuốc đặc trị Covid-19 từ các công ty thuốc nước ngoài. Như vậy, tổng thị phần thuốc nhập khẩu của Việt Nam tăng nhẹ lên 58% trong năm 2021 từ mức 56% trong năm 2020, tiếp tục chiếm ưu thế so với thuốc sản xuất nội địa.

Diễn biến phức tạp của dịch còn ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh, làm suy giảm nhu cầu khám bệnh của người dân do tâm lý sợ lây nhiễm từ bệnh viện, tác động đến doanh thu kênh ETC (kênh bán thuốc qua bệnh viện, bác sĩ).

Ngược lại điều này lại góp phần làm cho kênh OTC (bán thuốc không cần kê đơn, chủ yếu ở các tiệm thuốc tư nhân) phát triển. Giá thuốc kênh OTC cũng không bị ràng buộc về luật đấu thầu sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp dược cạnh tranh, cải tiến R&D và đa dạng hóa chủng loại sản phẩm.

“Với mức tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm 2022, ngành chăm sóc sức khỏe sẽ có cơ hội tăng giá khá tích cực. Đặc biệt, cổ phiếu của các công ty dược phẩm/bệnh viện tiếp tục là nhóm ngành phòng thủ hấp dẫn trong thời kỳ dịch bệnh bất ổn”, SSI Research nhận định.

Trên thực tế, thời gian qua, nhóm cổ phiếu ngành dược không chỉ thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong nước mà còn giành được sự quan tâm từ các tổ chức nước ngoài đến từ Mỹ, Đức, Hàn Quốc… khi có nhiều cổ phiếu ghi nhận tỷ lệ sở hữu của khối ngoại rất lớn.

Chẳng hạn, CTCP Pymepharco (PME) có tới hơn 99% cổ phần của nhóm đầu tư đến từ nước Đức, Stada Service Holding B.V. Doanh nghiệp này nhiều khả năng sẽ bị mua đứt và hủy niêm yết, trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Ông trùm ngành dược Abbott của Mỹ hiện nắm giữ 52% cổ phần tại Dược phẩm Domesco. Taisho Pharmaceutial của Nhật cũng đã sở hữu hơn 50% cổ phần Dược Hậu Giang. SK Group của Hàn Quốc cũng đang nâng dần tỷ lệ nắm giữ tại Dược phẩm Imexpharm (IMP)…

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/song-co-phieu-nganh-duoc-vo-manh-nho-covid-19-1083858.html