Sóng Đài từ nơi ấy
Trong kháng chiến chống Pháp, khu vực hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn là một trong những nơi đặt trụ sở của Đài TNVN.
Từ năm 1947- 1954, tại đây, dưới sự đùm bọc, chở che của đồng bào, cánh sóng của Đài tiếp tục được nối dài truyền tin đi khắp mọi miền của tổ quốc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Bác Hồ và nhân dân giao phó.
Đêm 6/10/1947, được tin mật báo giặc Pháp sắp nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn, cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam phải mượn cả chục xe trâu của đồng bào địa phương chở máy móc, tài liệu lầm lũi đi trong đêm sương mù dày đặc về bản Vài, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể.
Ông Dương Xuân Minh, năm nay đã 80 tuổi kể: Khi ấy, ngôi nhà ba gian của gia đình ông được dành làm nơi làm việc của các cán bộ và phóng viên Đài TNVN. Ông còn nhớ, đến giờ phát thanh, bác Nguyễn Thơ phát thanh viên đọc lời xướng “Đây là Tiếng nói Việt Nam”, tiếp đó, anh em cơ quan dàn hàng ngang đứng sau cất vang tiếng hát bài “Diệt phát xít”. Đợi mọi người hát xong và rón rén bước ra, mới đọc được bản tin.
Chẳng bao lâu sau, quân Pháp lại từ thị xã Bắc Kạn tiến về chợ Đồn, cơ quan Đài lại bí mật di chuyển bằng thuyền, len lỏi qua hang Puông, bản Tầu, Cám Thượng rồi sau cùng đóng quân ở bản Bó Lù tiếp tục phát thanh cho tới lúc về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Mỗi lần di chuyển, đông đảo bà con các dân tộc ở Ba Bể lại chung tay cùng cán bộ của Đài di chuyển thiết bị, máy móc trong bí mật. Có những chiếc máy nặng cả tấn, gần một trăm người khiêng mới được.
Ông Dương Xuân Minh nhớ lại:“Ngày thằng Pháp đánh lên đây, Đài đã chuyển đi trước 1 ngày, ngày ấy ông cụ tôi là Ủy viên Ủy ban xã này. Cái khó nhất là kho xăng cuối bản, không kịp có lực lượng chuyển nữa, có độ hơn chục phi xăng. Thế là cụ mới huy động dân quân đẩy xuống hồ, kết thành bè đẩy lui vào sườn đá mà lấy rơm rạ phủ hết, cả nền, cả mặt nước đến váng dầu không có. Thằng Pháp vào làng lùng sục nhưng không thấy gì”.
Theo hướng ông Minh chỉ, chúng tôi vượt hồ Ba Bể tìm đến hang Nả Phoòng thuộc bản Bó Lù, xã Nam Mẫu, một trong nhiều điểm sơ tán của Đài TNVN cách Bản Vài chừng 10 cây số. Hang Nả Phoòng, một hang đá rộng phía con suối Nam Cường xuyên qua núi đổ vào hồ Ba Bể đã được chọn là nơi đặt trụ sở làm việc và phát sóng của Đài đến tháng 10/1954. Ông Hoàng Văn Mưu, một người dân của bản Bó Lù nhớ lại: Đón cán bộ Đài, cả làng dùng thuyền độc mộc, bè tre để giúp chuyển đồ đạc, máy móc. Sau đó dân bản lại chặt tre, đốn gỗ về làm nhà, làm lán cho cán bộ ở khu Nả Phoòng. Để bảo vệ cơ quan, dân quân, du kích tổ chức canh gác từ xa đề phòng người lạ, ai muốn vào bản phải có dân quân dẫn đường, cả bản, cả xã quán triệt tinh thần "3 không: " không nghe, không biết, không thấy".
Ngày ấy dân Bó Lù nghèo lắm, không có ruộng, muốn mua gạo phải đi bộ cả chục cây số sang xã bên nhưng có món ăn ngon hay có khi cũng chỉ nồi ngô luộc, người dân cũng chia cho cán bộ Đài. Ông Mưu bồi hồi nhớ lại:"Coi như sống một gia đình đối với Đài TNVN, khi có bánh có trái gì lại gọi nhau về, đưa cho nhau ăn, chính thế lúc ấy tôi còn quen mấy ông hay bế, hay cõng tôi đi chơi mà”.
Nhờ sự bảo vệ, giúp đỡ của đồng bào, Đài TNVN đã đảm bảo an toàn tuyệt đối trong suốt thời gian hoạt động ở đây. Còn với những người dân, được gắn bó với Đài TNVN cũng là vinh dự, tự hào với một vùng quê có truyền thống cách mạng. Chính nhờ sự giúp sức ấy mà từ vùng hồ Ba Bể “Tiếng nói Việt Nam” tiếp tục theo cánh sóng truyền đi khắp mọi miền đất nước, giúp đồng bào, chiến sỹ vững niềm tin trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Ông Dương Hữu Lân, Bí thư Chi bộ Bản Vài, xã Khang Ninh nói:"Tổng đài ở đây, Tiếng nói Việt Nam, tiếng nói của cả một đất nước, cán bộ và nhân dân chúng tôi ở đây bảo vệ được Tổng đài là rất vinh dự để Tiếng nói Việt Nam lan khắp đất nước, khắp thế giới để đất nước mình đánh thắng giặc ngoại xâm, đất nước thống nhất độc lập...”
Ngay tại ngã ba tỉnh lộ 258 vào Bản Vài, năm 1995 Đài TNVN đã dựng bia di tích nơi làm việc của Đài trong kháng chiến chống Pháp. “Tại vùng Ba Bể này, đồng bào đã giúp đỡ, che chở để Đài TNVN hoàn thành nhiệm vụ từ 10/1947 đến 10/1954”… Đó là những dòng chữ khắc trên bia đá của cố Nhà báo Trần Lâm, một người đã sống và làm việc trong những ngày tháng gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang ngay tại mảnh đất này. Đó cũng là lời nhắc nhở những thế hệ cán bộ, phóng viên hôm nay hiểu rằng: cần phải cố gắng hơn, nỗ lực hơn để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước và xứng đáng niềm tin mà đồng bào đã dành cho Đài Tiếng nói Việt Nam./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dau-an-vov/song-dai-tu-noi-ay-953036.vov