'Sóng gió' quan hệ Anh - Trung Quốc

Quan hệ Anh - Trung Quốc đang xấu đi. Trong thời điểm vô cùng nhạy cảm này, việc kết thúc mối quan hệ kéo dài hai thập kỷ với người khổng lồ công nghệ viễn thông Trung Quốc Huawei được cho là sẽ gây ra những căng thẳng gia tăng trong quan hệ Anh - Trung Quốc.

Sau nhiều tháng đồn đoán và cũng có đôi chút áp lực từ các đồng minh, đứng đầu là Mỹ, chính quyền Anh ngày 14/7 đã ra quyết định cấm tập đoàn Huawei của Trung Quốc tham gia phát triển mạng di động 5G tại Anh vì những lý do an ninh.

 Quan hệ Anh - Trung Quốc đang xấu đi sau khi Chính phủ Anh chỉ thị cho các nhà cung cấp viễn thông không mua thiết bị mạng viễn thông di động thế hệ thứ 5 (5G) từ Huawei kể từ đầu năm tới

Quan hệ Anh - Trung Quốc đang xấu đi sau khi Chính phủ Anh chỉ thị cho các nhà cung cấp viễn thông không mua thiết bị mạng viễn thông di động thế hệ thứ 5 (5G) từ Huawei kể từ đầu năm tới

Công chúng Anh ủng hộ mạnh mẽ cách tiếp cận này. Theo một cuộc điều tra dư luận gần đây, 83% người dân Anh khi được hỏi cho biết họ không tin tưởng vào Trung Quốc. Nhiều chính trị gia giờ tin rằng, dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân tại Anh cũng sẽ bị hủy.

Quan hệ song phương cũng chuyển sang chiều hướng lạnh giá hơn. Đại sứ Trung Quốc tại London Liu Xiaoming hồi tuần trước cảnh báo Anh sẽ phải “lãnh chịu hậu quả” nếu đối xử với Trung Quốc “như kẻ thù”. Thương mại giữa hai nước cũng sẽ chịu tác động một khi Huawei bị loại khỏi danh sách nhà cung cấp thiết bị tại Anh.

Cùng với đó là tranh cãi giữa hai nước liên quan đến Hồng Kông (Trung Quốc), khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh mới đối với vùng lãnh thổ từng là thuộc địa của Anh. Chính quyền Thủ tướng Johnson xem quyết định của Bắc Kinh là phá vỡ thỏa thuận “Một nước, hai chế độ” được thiết lập năm 1997 khi Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc.

Đáp trả, London đề xuất kế hoạch mở một lộ trình mới cho phép 3 triệu người Hong Kong có hộ chiếu hải ngoại Anh (BNO) đến Anh - điều mà ông Liu Xiaoming coi là “xâm phạm nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.

Trước đó, vào tháng 1/2020, Anh đã quyết định hạn chế thị phần của Huawei trong cơ sở hạ tầng ngoại vi của mạng 5G ở mức 35%, đồng thời coi công ty này là "nhà cung cấp mang lại rủi ro cao" và cấm sử dụng các thiết bị của Huawei trong các phần cốt lõi của mạng 5G, gồm tình báo, quân sự và các cơ sở hạt nhân.

Anh không phải là nước duy nhất tìm cách điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc. Cách tiếp cận ngày một hiếu chiến hơn của Bắc Kinh đối với nhiều vấn đề quốc tế khiến chính phủ nhiều nước trên thế giới “giật mình”, buộc họ phải đánh giá lại quan hệ với Bắc Kinh, từ Australia, Nhật Bản cho tới Đức…

Từ năm 2010 đến nay, đăng ký đầu tư của Trung Quốc vào Anh đạt 114,4 tỉ USD. Nhưng 2/3 trong số này đổ vào đầu tư tài chính và các ngành công nghệ thấp như mua sắm bất động sản, vận tải hậu cần... Trong khi đó, dự án kỳ vọng về hệ thống kết nối sàn chứng khoán Trung Quốc - Anh gần như đóng băng.

Những động thái mới nhất này trái ngược hoàn toàn với niềm hy vọng của cựu Thủ tướng David Cameron về sự khởi đầu cho một “kỷ nguyên vàng” trong mối quan hệ Anh-Trung. Bởi phía sau ý niệm này là niềm tin rằng, bằng cách hợp tác làm ăn với Trung Quốc, Vương quốc Anh có thể định hình cách tiếp cận với Bắc Kinh, kể cả đối với các vấn đề còn nhiều khác biệt. Điều đặc biệt nữa, khi là Thị trưởng London, ông Johnson thậm chí còn nhiệt tình hơn cả ông Cameron.

Trở lại với quyết định cấm Huawei, đúng vào thời điểm mà sự căng thẳng âm ỉ Anh-Trung có thể đi đến sôi sục. Theo các chuyên gia phân tích, Bắc Kinh sẽ sớm trừng phạt nghiêm khắc London vào thời điểm nước này “khát” giao thương và đầu tư trong thời kỳ khó khăn kinh tế sau Brexit và suy thoái hậu Covid-19. Bởi vậy, phản ứng mạnh như thế nào phụ thuộc vào tính toán của Bắc Kinh, muốn biến London thành thí dụ để “làm gương” hay xem xét vấn đề trong chiến lược rộng hơn.

Bình Minh (t.h)

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/song-gio-quan-he-anh-trung-quoc-80928.html