Trong bức thư gửi đến ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), 150 người dân Rome cho biết lời phàn nàn của họ đã bị giới chức thành phố phớt lờ, Guardian đưa tin hôm 7/6. Trong ảnh, một thùng rác đầy tại Rome, tháng 9/2019. Ảnh: Reuters.
Một người đàn ông đi đổ rác tại khu Trastevere, Rome, tháng 9/2021. Khu trung tâm lịch sử của Rome đã được công nhận là di sản thế giới năm 1980. Dù vậy, cảnh tượng rác thải trong thành phố là điều “đáng xấu hổ”, theo các tác giả bức thư. Ảnh: AP.
Bức thư nhận định giới chức Rome đã “lẩn tránh trách nhiệm” bảo vệ di tích và kêu gọi UNESCO thúc đẩy “một sự đảo ngược”. Trong ảnh, một cư dân đi qua một khu tập kết rác tại Rome tháng 7/2021. Ảnh: Guardian.
Rác trước khu vực đấu trường Colosseum, tháng 1/2017. “Với cỏ dại không được cắt, rác rưởi trên đường phố và tiếng ồn, cảnh tượng thật đáng xấu hổ”, bức thư viết. Ảnh: New York Times.
Rác tràn ngập quảng trường Piazza del Popolo trước một trận đấu trong khuôn khổ Europa League tháng 12/2018. Trong thời gian gần đây, tình trạng trên càng tồi tệ do sự “xâm lấn” của xe điện - loại phương tiện thường đỗ bừa bãi - và việc các quán bar, nhà hàng kê bàn ra vỉa hè để phục vụ khách hàng. Ảnh: AFP.
Không chỉ ở khu trung tâm, các thùng rác đầy quá mức, các bức vẽ graffiti hay các công viên nhếch nhác còn là cảnh tượng chung trên khắp thành phố Rome. Thậm chí, tình trạng lợn rừng lục thùng rác để tìm kiếm đồ ăn ở các quận phía bắc không phải là hiếm gặp - như bức ảnh được chụp tháng 9/2021 trên đây. Ảnh: AP.
Một địa điểm tập kết rác tại Rome tháng 1/2018. Thị trưởng Rome Roberto Gualtieri, người mới được bầu tháng 10/2021, đã không thể thực hiện lời hứa tranh cử “dọn dẹp thành phố một cách tuyệt với” trước Giáng sinh năm ngoái. Dù vậy, ông cho biết giới chức Rome đã thuê thêm 655 nhân viên thu gom rác thải, trong đó 155 người sẽ bắt đầu làm việc từ cuối tháng 6. Ảnh: AP.
Việt Hà