Song Khủa mở rộng vùng trồng cây gai xanh

Với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tháng 4/2018, người dân xã Song Khủa (Vân Hồ) đã trồng thử nghiệm hơn 8 ha cây gai xanh tại bản Lóng Khủa. Đến nay, toàn xã đã mở rộng lên hơn 18 ha, tập trung chủ yếu ở các bản Lóng Khủa, Tầm Phế, Suối Sấu, Tà Lạc và Co Súc, bước đầu mang lại thu nhập ổn định.

Nông dân xã Song Khủa (Vân Hồ) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây gai xanh.

Nông dân xã Song Khủa (Vân Hồ) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây gai xanh.

Năm 2017, xã Song Khủa đã cử đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã và 1 hội viên hội nông dân xã tham gia đoàn công tác của huyện đi tham quan, khảo sát mô hình trồng cây gai xanh và Nhà máy sợi gai An Phước tại huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Nhận thấy điều kiện tự nhiên của xã có khí hậu nóng ẩm, đất sườn đồi phù hợp cho việc trồng cây gai xanh, xã đã vận động người dân trồng thử nghiệm. Những ngày đầu triển khai, người dân được Công ty cổ phần đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước (Hà Nội) cung ứng cây giống AP1, phân bón bằng hình thức vay trả chậm và tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật về trồng, chăm sóc, thu hoạch, đồng thời ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Năm 2019, đã có hơn 8,6 ha cho thu hoạch, sản lượng trên 17 tấn vỏ khô, Công ty An Phước vào tận nơi thu mua với giá 40.000 đồng/kg vỏ khô. Tìm hiểu được biết, cây gai xanh là cây nguyên liệu hàng đầu để làm sợi dệt cho ngành may mặc. Vỏ cây gai xanh dùng để sản xuất thành sợi dệt vải chất lượng tốt; lá được sử dụng làm bánh gai, tách chiết lấy tinh dầu, sản xuất chất màu tự nhiên phục vụ cho ngành công nghiệp thực phẩm và sử dụng làm thức ăn cho gia súc; lõi cây gai được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất giấy, làm chất đốt và làm nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ, phân vi sinh.

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây gai xanh của gia đình chị Mùi Thị Mái, bản Lóng Khủa, một trong những hộ gia đình đầu tiên trồng cây gai xanh ở xã Song Khủa. Trước đây, gia đình chị có gần 4.000 m2 đất trồng ngô, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Tháng 4/2018, được xã vận động gia đình quyết định chuyển diện tích đất trồng ngô sang trồng cây gai xanh. Chị Mái cho biết: Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên cây gai xanh phát triển tốt. Năm 2019, gia đình thu hoạch 6 đợt, được 1 tấn vỏ khô, trừ chi phí thu về trên 30 triệu đồng. Theo kinh nghiệm thực tế thì cây gai phát triển mạnh, không mất nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh. Sau khi thu hoạch chặt sát gốc, cây mọc lại và cứ sau 55-60 ngày đã có thể thu hoạch đợt tiếp theo. Cây gai xanh AP1 còn ưu việt hơn so với các loại cây trồng khác, bởi cây thuộc loại lưu gốc, trồng 1 lần nhưng thu hoạch trong 8 năm, sau đó mới phải trồng lại, do đó tiết kiệm được tối đa chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, cây gai xanh có khả năng giữ ẩm, tăng độ che phủ, tăng độ phì nhiêu cho đất, chống xói mòn và bảo vệ đất hiệu quả.

Tiếp tục đến thăm mô hình trồng cây gai xanh của gia đình anh Đinh Văn Chương, bản Tầm Phế. Được biết, trước đây gia đình anh Phế chỉ quen với trồng cây ngô trên đất đồi, chi phí đầu tư lớn nhưng thu về không được bao nhiêu, nên cuộc sống quanh năm vất vả. Sau khi đi tham quan mô hình trồng cây gai xanh tại bản Lóng Khủa và tham gia lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng do Công ty cổ phần đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước tổ chức. Tháng 10 năm 2018, gia đình đã mua 10 triệu đồng phân chuồng, 3 triệu đồng vôi bột để cải tạo đất. Sau đó mua giống cây gai xanh trồng gần 4.000 m2 vườn quanh nhà, cây sinh trưởng và phát triển tốt, cuối tháng 3/2019 đã cho vụ thu hoạch đầu tiên. Thu hoạch cây gai xanh cũng đơn giản, chỉ việc chặt sát gốc, thân cây cho vào máy tuốt lấy vỏ sau đó đem phơi. Theo tính toán của anh Chương, đợt đầu thu hoạch năng suất đạt gần 2 tạ/ha; nhưng từ đợt thứ 2 trở đi năng suất sẽ tăng cao hơn. Một năm, cây cho thu hoạch khoảng 5-6 đợt, đạt khoảng hơn 2 tấn/ha.

Với kết quả ban đầu thu được, cây gai xanh đang hứa hẹn sẽ là một trong những cây trồng chủ lực ở xã Song Khủa. Xã đang tiếp tục định hướng, khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích trồng ngô cho năng suất thấp sang trồng cây gai xanh. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn cho nhân dân trong xã nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo đảm có năng suất, chất lượng cao, ít sâu bệnh. Tuyên truyền, vận động các hộ dân liên kết, thành lập hợp tác xã cây gai xanh, phấn đấu đến năm 2025, toàn xã trồng được 100 ha cây gai xanh, góp phần nâng cao đời sống của người dân, mở ra nhiều cơ hội để xã Song Khủa nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn.

Mạnh Hùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/song-khua-mo-rong-vung-trong-cay-gai-xanh-30437